Các nhóm máu là gì?
Không phải tất cả mọi người đều có máu giống nhau. Quả vậy, có 4 nhóm máu chính: A, B, AB và O. Mỗi nhóm máu đều có đặc điểm riêng, có khi kỵ nhau. Nếu ta trộn hai nhóm máu kỵ nhau, chúng sẽ đông vón lại.
Bề mặt các hồng cầu của máu thực sự giống như là một hình môzaic (ghép mảnh). Mỗi yếu tố của môzaic đó gọi là một kháng nguyên. Trong số các hệ nhóm máu, có các nhóm máu theo hệ ABO. Nhóm ABO gồm có những kháng nguyên A và B, tổ hợp của chúng dẫn đến các nhóm máu A, B, AB hoặc không phải A cũng chẳng phải B, gọi nhóm máu O. Máu còn chứa các chất hóa học gọi là kháng thể a hoặc b dùng để phá hủy các kháng nguyên của vật lạ như vi khuẩn. Nhóm máu A chứa kháng thể b, nhóm máu B chứa kháng thể a, nhóm máu AB không chứa các kháng thể ab, nhóm máu O chứa các kháng thể ab. Kháng thể a phá hủy kháng nguyên A, kháng thể b phá hủy kháng nguyên B.
Về lý thuyết thì mỗi loại máu chỉ có thể nhận cùng loại máu, ví dụ: A chỉ nhận A. Nhưng trong thực tế các kháng thể a hoặc b của người cho bị hòa tan trong máu của người nhận khiến chúng không phá hủy các hồng cầu, do đó máu nhóm AB có thể nhận cả máu nhóm A, nhóm B hoặc nhóm O: nhóm máu AB là nhóm máu có thể nhận tất cả. Nhóm A có thể nhận máu nhóm A hoặc nhóm O. Nhóm B có thể nhận máu nhóm B hoặc nhóm O. Nhóm O chỉ có thể nhận máu nhóm O, nhưng có thể truyền cho mọi nhóm khác. Các nhóm máu không chỉ duy nhất gồm các yếu tố “ghép hình” (mozaic) của hồng cầu. Nó còn có hàng chục các kháng nguyên khác, trong đó quan trọng nhất là cái được gọi là “yếu tố rhésus”.
Đối với một số người trong máu không có yếu tố đó, ta nói rằng người đó có rhésus âm (rh-). Người có yếu tố đó có rhésus dương (rh+). Hai loại người này có máu kỵ nhau và không thể trộn vào nhau.
Yếu tố rhésus cũng được xem xét cùng với nhóm máu để xác định đặc điểm của một loại máu nào đó. Do vậy trên tờ phiếu phân loại máu ta có thể đọc thấy: O + O -, v.v...