Công nghệ mới săn tìm gene người
Trong bộ mã di truyền đồ sộ của con người, có bao nhiêu đoạn thực sự là gene, bao nhiêu đoạn chỉ là “phụ tá”, câu hỏi này từ lâu đã làm đau đầu giới khoa học. Một nhóm nghiên cứu Brazil mới đây đã tìm ra phương pháp “đánh dấu”, cho phép xác định chính xác những gene đang hoạt động trong tế bào.
Kỹ thuật này đồng thời giúp các bác sĩ phân biệt giữa mô lành và mô bệnh, chẳng hạn khối u, mở đường cho các phương pháp điều trị mới.
Phương pháp đánh dấu dựa trên nguyên lý đơn giản sau: Một ARN thông tin (bản phiên mã của ADN, ký hiệu là mARN, có vai trò biến thông tin di truyền thành protein) chỉ sinh ra khi một gene nào đó đang hoạt động. Bằng việc thu thập các mARN, các nhà khoa học sẽ có được các gene tạo ra chúng (mỗi gene được xác định bằng một thẻ).
Theo cách này, Andrew Simpson và các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig ở Sao Paulo, Brazil, đã có được 700.000 thẻ ADN, đại diện cho các gene hoạt động trong 24 mô thường và mô ung thư. Nhóm nghiên cứu phỏng đoán rằng, số thẻ mà họ có đã chiếm tới 60% trong bộ gene người, và dự báo tổng số gene người phải lớn hơn con số 30.000 được máy tính đưa ra hồi đầu năm.
“Chúng tôi có những bằng chứng đáng tin cậy cho thấy bộ gene người có khoảng 50.000 - 60.000 gene”, Simpson nói. Và ông cũng bổ sung thêm rằng, các thí nghiệm là “con đường thực sự để xác định các gene”.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, phân tích các mARN sẽ giúp phân biệt rõ ràng (ở cấp độ nguyên tử) một tế bào ung thư với một tế bào thường. Robert Strausberg của Viện Ung thư Quốc gia ở Bethesda, Maryland cho hay: “Dưới kính hiển vi, các khối u trông giống hệt nhau, nhưng nhìn vào bản phiên mã của chúng, bạn sẽ biết mình đã lầm”.
(Theo Nature)