Văn hóa
Trang phục truyền thống ở Campuchia màu sắc của trang phục thay đổi theo các ngày trong tuần từ thứ 2 đến chủ nhật (màu vàng nhạt, màu xanh lục, màu xám, màu xanh lam, xanh lá cây, đen và màu đỏ). Người dân Campuchia quanh năm đều quàng khăn Krama lên cổ. Khăn Krama có rất nhiều công dụng: có thể làm khăn để rửa mặt khi mua hàng có thể dùng nó để làm túi đựng, trời nóng có thể dùng Krama thấm nước để trên đầu hạ nhiệt độ, thời tiết se lạnh có thể quàng khăn Krama vào cổ chống lạnh, khi đi ngủ cũng có thể sử dụng Krama làm chăn. Krama đã trở thành vật quý giá của người dân Campuchia và là nét đặc trưng độc đáo trong trang phục truyền thống của người dân nơi đây.
Nghệ thuật kiến trúc
Kiến trúc của Campuchia phần lớn được biết đến nhờ vào những công trình được xây dựng từ thời người Khmer cổ đại (khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII). Đạo Phật và tư duy huyền thoại có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật trang trí các công trình kiến trúc vĩ đại này.
Đặc trưng cơ bản của kiến trúc giai đoạn này là được xây dựng từ vật liệu gỗ, tre nứa hoặc rơm rạ bằng đá. Nhưng những gì mà con người có thể chiêm ngưỡng là các công trình bằng đá tảng như các bức tường thành, đường sá,… và các ngôi đền hoặc các con đường có những bao lơn tạc hình con rắn chín đầu, vươn cao 2-3m, xòe rộng phủ bóng xuống mặt đường. Hình thức chung của các ngôi đền là có đỉnh chóp nhọn, bốn mặt đền được chạm trổ các bức phù điêu miêu tả cuộc sống con người ở thế giới bên kia, hoặc cuộc sống hiện tại của người dân Campuchia bấy giờ, hay cuộc chiến với nước láng giềng Chămpa. Người xem như thấy được sự sống động, náo nhiệt của ngày hội Ăngkor hàng năm qua hình ảnh những vũ nữ dân gian (Ápsara) với thân hành mềm mại, cân đối với những điệu múa rất uyển chuyển.
Bên cạnh đó, hình thức khắc những ký tự hay con số cũng rất phổ biến ở các công trình này. Các ngôi đền thường có một cửa còn ở ba phía còn lại của đền cũng có cửa nhưng chỉ là giả, để tạo cảm giác đối xứng cho ngôi đền. Công trình nổi tiếng nhất ở đây là ngôi đền Bayon với 200 gương mặt của thần Avalokitesvara (một dạng của Quan Âm Bồ Tát).
Chiêm ngưỡng những công trình này, du khách không thể không khâm phục sức mạnh phi thường và bàn tay tài ba của những người dân Khmer cổ đại. Kiến trúc của Campuchia cũng có ảnh hưởng lớn đến kiến trúc của Thái Lan và người Chăm của Việt Nam.
Lễ hội
Ở Campuchia hiện nay có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống nên các lễ hội và lễ nghi cũng phong phú và đa dạng, mang nhiều nét đặc thù khác nhau. Tuy rằng một số phong tục tập quán và lễ hội đã mất đi và có nhiều thay đổi nhưng hiện nay rất nhiều lễ hội, phong tục tập quán độc đáo vẫn còn tồn tại.
Lễ hội lớn nhất ở Campuchia là lễ Bom Chaul Chnam (lễ hội mừng thu hoạch lúa thành công) được tổ chức vào ngày 13 đến ngày 15 tháng 4 dương lịch. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Campuchia. Trong những ngày này mọi người gặp nhau và té nước vào nhau nhằm tin tưởng vào một vụ mùa bội thu trong năm tới. Lễ hội này cũng được tổ chức ở Lào, Thái Lan và Mianma - những nước có nền văn minh nông nghiệp.
Lễ hội lấy ruộng tổ chức vào ngày 6 tháng 5. Người ta lấy một con bò làm biểu tượng cho một vụ mùa mới của những người trồng lúa. Lễ hội này được tổ chức tại Hoàng cung thể hiện sự quan tâm của nhà vua đối với thần dân và mùa màng.
Lễ hội Bom Dak Ben và Pchoum Ben được tổ chức vào ngày 11 đến ngày 13 tháng 10 hàng năm. Lễ hội này được tổ chức để tưởng nhớ đến những người đã khuất. Trong những ngày này mọi người đến chùa cúng tế, đồng thời tạ ơn các nhà sư. Các nhà sư cũng được nghỉ lễ trong 15 ngày không đi khất thực mà người dân đem thức ăn đến cho các nhà sư.
Lễ Bonn Prathen thường được tổ chức vào tháng 10 suốt 29 ngày đêm liền. Đây là lễ hội của Phật giáo lớn nhất trong năm. Mọi người tổ chức thành một đám rước lớn đến chùa mà các nhà sư đang chờ đợi thay đổi trang phục màu vàng.
Ngày quốc khánh
Quốc khánh Campuchia được tổ chức vào ngày 9 tháng 11 hàng năm kỉ niệm ngày chiến thắng thực dân Pháp vào năm 1953.
Lễ hội chèo thuyền (hay còn gọi là lễ hội nước) nhằm nhớ đến các lình thủy đã hi sinh để xây dựng thánh đường Ăngkor. Lễ này được tổ chức vào ngày 15 trăng tròn theo lịch âm (thường vào ngày 24 đến 26 tháng 11 dương lịch) và thường tổ chức trên sông Mekong tại thủ đô Phnôm Pênh.
Lễ Noel dành riêng cho đồng bào Công giáo ở Campuchia. Mặc dù là một nước Phật giáo nhưng lễ này ở Campuchia cũng được tổ chức một cách khá rầm rộ.
Tết ở Campuchia
Người dân Campuchia có một lễ hội rất độc đáo là trong đêm giao thừa, mọi gia đình vùng Biển Hồ làm một cái đèn thật đẹp trên một cái mảng xinh xắn rồi đem ra thả trên mặt hồ. Hàng nghìn ngọn đèn trôi lung linh trên sông thành một hội hoa đăng thật vui và đẹp. Mọi người tin rằng đèn của nhà nào vừa đẹp, vừa sáng suốt đêm thì nhà ấy sang năm mới sẽ gặp nhiều điều tốt lành. Chính vì thế người dân vùng này thường đua nhau làm những chiếc đèn thật đẹp, lớn và cháy suốt đêm.
Âm nhạc cổ truyền
Về âm nhạc thì âm nhạc cổ truyền của Campuchia có rất nhiều thể loại nhạc truyền thống và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Nó mang màu sắc truyền thống của dân tộc Khmer, âm nhạc kiểu tôn thờ tổ tiên hoặc lễ cúng bái.
Trong quá trình phát triển các cộng đồng dân cư Khmer đã sáng tạo ra rất nhiều loại nhạc khí cũng như các thể loại ca nhạc để biểu lộ tâm tư, tình cảm, ước muốn trong đời sống, trong lao dộng, học tập và đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, dân tộc Khmer vẫn còn lưu giữ được các loại nhạc cụ đặc trưng và độc đáo, trong đó có những nhạc khí đã làm cho khách du lịch bốn phương từ chỗ rất ngạc nhiên đến say mê thích thú như: Tror Khmer, Tror Sour, Tror Le, đàn Dikhe, Pey, đàn Khâm, đàn Sađiệu, đàn sắt, đàn gỗ, dàn đá, kluy (sáo), trống Chhay Dắm... và còn có nhiều nhạc khí của các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở khu vực cao nguyên.
Các điệu hát múa rất đa dạng, hiện nay ở Campuchia có hơn 100 điệu múa và hát. Nét đặc sắc là bài hát nào cũng có điệu múa phụ họa, múa có thể theo các diệu nhảy phương Tây. Nổi tiếng nhất là các điệu múa: múa vòng, múa Saravan, múa Romkher Bạch, múa voi, múa cộng đồng... Đặc biệt là có nhiều điệu múa theo nghệ thuật Khmer, tiêu biểu là điệu Apxara (và biểu tượng của người con gái Campuchia từ thế kỉ XII đến nay).
Nghệ thuật ẩm thực
Món ăn dân tộc của Campuchia rất phong phú, độc đáo và có hương vị đặc sắc đặc trung theo các vùng địa phương.
Những món ăn chế biến từ thịt cá là những món ăn được ưa thích nhất của người Campuchia, đồng thời đất nước Campuchia có những loài cá nước ngọt rất phong phú chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladest. Một số món ăn tiêu biểu:
Các món ăn với cơm: canh Cô Cô, canh chua gia vị, canh Pro-Hieoe, AMóc, Pro-Hock, mắm, món kho, canh chua, súp cá, cá chiên, canh cari, Tick Krương, món gỏi, món xào, cơm nếp, hủ tiếu và cháo gia vị...
Các món bánh và chè: Bên cạnh các món ăn rất phong phú, Campuchia có các loại bánh và chè có hương vị đặc trưng riêng của dân tộc như: Num Banh Chock, Num Anxom (bánh chưng), Num Tun, Num bánh xèo, Num bánh hỏi, Num Treap, Num Kanxeng, bánh lốt, Num Krouk (bánh khọt), Num Truốt, Baidomnuop Xangkja.. và các loại chè đặc sản có hương vị độc đáo nấu với đường Tnuốt. Ngoài ra, Campuchia còn có rất nhiều loại cây ăn quả nhiệt đới như: chuối, dừa, sầu riêng, mít, vải, măng cụt, đu đủ, dứa, chôm chôm...
Các thức uống truyền thống: ngoài nước ngọt, nước mía, bia và rượu tây, ở Campuchia còn có một loại cây Tnuốt có hương vị ngọt tự nhiên không thua kém nước mía và các loại nước ngọt hiện đại khác. Nước Tnuốt ngoài uống tươi có thể dùng để nấu đường. Bia được nấu từ nước Tnuốt gọi là ''Tik Tnuốt Chu'' có hương vị tự nhiên tuyệt vời.