Khám phá ra Canada
Cuộc khám phá đầu tiên ra Tân Thế Giới được thực hiện bởi những nhà đi biển người Na Uy mà người ta vẫn gọi là Viking. Những kỳ công mập mờ của họ được ghi lại trong những câu chuyện dân gian, những thiên anh hùng ca bằng văn vần và văn xuôi được truyền văn hoặc truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Vào năm 985 sau Công nguyên, những nhà đi biển người Na Uy đã đi thuyền từ Iceland đến Greenland, và đã bị gió thổi chệch về hướng Tây. Họ đã nhìn thấy bờ biển của một vùng chắc hẳn là Labrado.
Theo những câu chuyện dân gian, năm 1000 sau công nguyên, Leif Ericson trở thành người Âu đầu tiên đặt chân lên Bắc Mỹ. Một vùng thuộc địa đã được thành lập ở một nơi mà những Viking mô tả là vùng Vinland, đến năm 1963 người ta xác định là ở đỉnh cực Bắc của Newfoundland. Thuộc địa Greenland đã suy tàn trong thế kỷ thứ 14 và 15 và những Cuộc phiêu lưu của người Na Uy ở Canada chắc hẳn đã chấm đứt từ trước đó.
TÁI PHÁT HIỆN VÀ THÁM HIỂM
Năm 1497, một người Ý tên là John Cabot đi thuyền từ Bristol, nước Anh với dự tính tìm ra một con đường mậu dịch mới đến phương Đông cho người bảo trợ của ông là vua Henry VII của Anh Quốc. Chuyến đi này đã dẫn tới việc tái phát hiện ra những bờ biển phía Đông của Canada. Cabot đã tự tin giống như Columbus trước đó rằng ông đã tìm ra một con đường mới để đến châu Á. Trong chuyến đi lần thứ hai vào năm sau, Cabot đã thám hiểm bờ biển Bắc Mỹ. Những chuyến đi của Cabot đã cho nước Anh cái quyền tuyên bố về chủ quyền của vùng đất phía Đông của Bắc Mỹ. Sau đó nước này đã tuyên bố chủ quyền ở Newfoundland, đảo Cape Breton và những khu vực lân cận. Năm 1524 vua Francis I của nước Pháp cử Giovanni da Verrazano làm một chuyến khảo sát ở nước ngoài. Verrazano đã thám hiểm bờ biển phía Đông của Bắc Mỹ từ North Carolina đến Newfoundland, làm cái cớ cho nước Pháp cũng xác nhận chủ quyền của mình ở lục địa này.
NHỮNG CUỘC THÁM HIỂM CỦA CARTIER
Mười năm sau vua Francis I tiếp tục công việc của Verrazano bằng chuyến đi của Jacques Cartier. Đây là một chuyến thám hiểm chính thức, và kết quả là một bản báo cáo tường tận cho vua Pháp về những vùng đất mà ông đã đến và những con người mà ông đã gặp. Ông đã đến và đặt tên cho hầu hết những bờ biển quan trọng nhất trên vịnh St. Lawrence.
Đi ngược một dòng sông, ông đã đến một làng của người da đỏ ở Stađacona, gần địa điểm Quebec ngày nay. Đi tiếp hơn 150 dặm nữa ông gặp một làng da đỏ khác gọi là Hochelaga, ở địa phận của Montreal ngày nay. Có một đỉnh núi cao phía sau khu vực này, ông đã đặt tên là núi Real. Ở Satadacona, Cartier và đoàn tùy tùng đã trải qua một mùa Đông khắc nghiệt. Nhiều người trong đoàn đã chết vì giá lạnh và bệnh sco-bút (bệnh do thiếu vitamin C) trước khi ông có thể lên đường trở về Pháp vào mùa Xuân năm sau.
CHẤM DỨT NỖ LỰC THỰC DÂN ĐẦU TIÊN
Năm 1541 Cartier thực hiện chuyến đi thứ ba và có lẽ là chuyến đi cuối cùng đến St. Lawrence. Một tổng hành dinh đã được thiết lập tại Cap-Rouge, cách Stadacona chừng vài dặm. Sau đó Cartier đã trở về Pháp, và Roberval, người cùng đi với Cartier đã cố gắng tìm lại địa điểm mà mùa Đông trước đó Cartier đã cắm trại, nhưng không thành công. Năm sau khoảng 60 người trong đoàn thám hiểm đã bị chết. Roberval đã quyết định bãi bỏ toàn bộ dự án thực dân của mình, và chính nước Pháp cũng quay lưng với cuộc thử nghiệm Canada trong suốt gần 60 năm.