CHIẾN LƯỢC TÌM KIẾM DẤU VẾT
CỦA NHỮNG NỀN VĂN MINH NGOÀI VŨ TRỤ
Từ khi ngành vô tuyến thiên văn được phát triển, các nhà khoa học đã tìm cách liên lạc với những nền văn minh ngoài Vũ trụ. Ta tự hỏi phải tìm chúng trên bước sóng nào? ở những hướng nào trong Vũ trụ? Muốn đạt được kết quả, họ phải khảo sát một cách có hệ thống rất nhiều sao và nhiều vùng trong phổ vô tuyến. Sự tìm kiếm những nền văn minh trong Vũ trụ có thể ví như tìm đinh ghim trong một đống rơm! Tuy nhiên, tình huống này không làm nản chí một số nhà vô tuyến thiên văn. Năm 1974, họ đã dùng vô tuyến viễn kính 300 mét đường kính của đại thiên văn Arexibo để phát ra một thông điệp về hướng quần sao Vũ Tiên (Hercules) hình cầu (mang số M13 trong danh sách mục tinh vân của Metxiê), cách xa Trái đất 25 nghìn năm ánh sáng. Trong thông điệp ghi bằng mã những đặc điểm của hệ Mặt trời, cấu trúc của ADN (Axít Dezoxyribonucleic), một phân tử gen di truyền, và một hình người. Quần sao Vũ Tiên là một tổ sao già có hơn một trăm nghìn sao, nên có khả năng chứa một nền văn minh trên một hành tinh nào đó có kỹ thuật cao để trả lời thông điệp. Tuy thông điệp truyền đi với tốc độ ánh sáng nhân loại cũng phải kiên nhẫn đợi ít nhất 50 nghìn năm nữa may ra mới có hồi âm!
Đề án tìm kiếm những nền văn minh ngoài Trái đất SETI (Search for Extra Terrestrial Intelligence) của một số cơ quan khoa học trong đó có Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (National Aeronautics and Space Administration, NASA) đã được tiến hành từ ngót 30 năm nay. Trong những năm 70, một số vô tuyến viễn kính lớn đã được nhằm theo hướng ngót 700 ngôi sao gần nhất trong giải Ngân hà và cả trong vài Thiên hà khác để thu những tín hiệu, đặc biệt trên bước sóng 21 và 10 centimet. Công trình này cố nhiên chưa có hiệu quả, vì theo thống kê phải quan sát ít nhất mười vạn hệ sao thì may ra mới tìm thấy một nền văn minh. Những hệ sao được chọn để quan sát là loại có tuổi bằng hệ Mặt trời (tuổi khoảng 5 tỷ năm) hay già hơn, để sự sống có khả năng phát triển tới mức cao ít nhất bằng trình độ kỹ thuật hiện đại của nhân loại trên Trái đất. Còn lý do chọn bước sóng 21 centimet vì đó là bước sóng của vạch nguyên tử hyđrô, nguyên tử thông thường nhất trong Vũ trụ. Bước sóng 18 centimet và bước sóng của nguồn xạ made rất mạnh của phân tử OH trong Vũ trụ. Nếu tâm lý những nhà khoa học (nếu có) ở ngoài Trái đất giống tâm lý những nhà vật lý thiên văn trên Trái đất thì có thể thúc đẩy họ phát ra những nguồn bức xạ trên hai bước sóng này, vì là hai bước sóng cơ bản trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Tuy nhiên, lý luận dựa trên tâm lý có thể không đúng. Sự tìm kiếm những nền văn minh là một vấn đề rất phức tạp và cần có phương tiện xử lý rất nhiều số liệu để tính ra và nhận dạng những tín hiệu phát ra từ nền văn minh ngoài Trái đất.
Muốn có triển vọng thu được tín hiệu này, phải dùng một phương pháp có hệ thống, dò từng miền thật nhỏ trong phổ vô tuyến và quan sát một số khá nhiều sao. Máy thu phải có nhiều kênh để thu được một miền phổ rất rộng (hàng nghìn mêgahec). Mỗi kênh phải có độ rộng bằng độ rộng của tín hiệu ''nhân tạo'', chỉ khoảng vài héc. Cũng như một máy thu thanh cần phải có nhiều kênh và có khả năng chỉnh sóng chính xác. Một đề án mới nhất của NASA gọi là HRMS (High Resolution Microwave Survey - Sự quan sát tổng quát trên bước sóng vô tuyến với độ phân giải cao trong phổ) được tiến hành trong hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, các nhà khoa học sử dụng những vô tuyến viễn kính cỡ lớn (42 tới 300 mét đường kính) trên thế giới và một máy thu có 2 tỷ kênh. Mỗi kênh có độ rộng 1 hec nên máy có khả năng hoạt động liên tục từ 1000 tới 3000 magahec. Chương trình quan sát chỉ giới hạn tới 1000 hệ sao loại Mặt trời. Trong giai đoạn hai, sự tìm kiếm được mở rộng ra khắp bầu trời, và dùng một angten nhỏ hơn (34 mét đường kính) dành riêng cho công trình nghiên cứu này. Máy thu có 500 triệu kênh, một kênh rộng 18 hec, hoạt động từ tần số 1000 tới 10000 megahec. Các nhà nghiên cứu đã chọn ngày 12 tháng 10, năm 1992 để khai mạc chương trình quan sát HRMS của NASA. Ngày đó có ý nghĩa đặc biệt, vì đúng là ngày nhà thám hiểm Colomb phát hiện ra Châu Mỹ đúng 500 năm trước. Trong trường hợp một đài thiên văn thu được tín hiệu của một nền văn minh thì phải loan báo cho những đài thiên văn khác để xác nhận. Sau khi tín hiệu vô tuyến được xác định là phát ra bởi một nền văn minh ngoài Trái đất thì sẽ được công báo tức khắc cho cả thế giới biết. Chương trình quan sát được dự định tiến hành tới năm 2001. Kinh phí hàng năm để thực thi công trình là 10 triệu đô la. Có những nhà khoa học cho rằng công trình này lãng phí, nhất là trong tình huống kinh tế hiện tại. Những nhà khoa học khác nghĩ rằng sự phát hiện một nền văn minh ngoài Trái đất là một sự kiện quan trọng không những về mặt sinh vật học, nhân chủng học và xã hội học mà còn cả về phương diện triết lý để thỏa mãn sự tò mò của nhân loại. Hơn nữa, họ cho rằng, dù không phát hiện được một nền văn minh nào trong Vũ trụ, kỹ thuật phát triển trong công nghệ nghiên cứu này có thể được dùng để xử lý hình trong ngành y và để thăm dò tài nguyên trên Trái đất. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng vấn đề tìm kiếm những tín hiệu ''nhân tạo'' trong Vũ trụ quá nan giải và đầy khả năng thất bại. Họ đề nghị trước hết nên tìm kiếm những phân tử hữu cơ, dấu vết của sự sống trong khí quyển của các sao Chổi và của những hành tinh trong hệ Mặt trời. Đồng thời xúc tiến phong trào phát hiện những hành tinh ngoài hệ Mặt trời.
Sau hơn một năm hoạt động, Thượng nghị viện Mỹ quyết định cơ quan NASA phải chấm dứt tài trợ cho chương trình quan sát HRMS. Hiện nay, những nhà khoa học đã tìm được một ít tài trợ tư nhân để tiếp tục công trình nghiên cứu.