Tài liệu: Galilê phát minh ra kính thiên văn

Tài liệu
Galilê phát minh ra kính thiên văn

Nội dung

GALILÊ PHÁT MINH RA KÍNH THIÊN VĂN

 

Mùa xuân Năm 1609 vị giáo sư toán học của Trường đại học tổng hợp thành phố Pađua (Italia) biết được rằng có một người Hà Lan đã phát minh ra một chiếc ống ngắm rất lạ kỳ. Nếu nhìn những đồ vật ở xa qua ống kính này chúng dường như được kéo lại gần hơn. Sau khi lấy một đoạn ống bằng chì, vị giáo sư đã đặt vào hai đầu ống đó hai mắt kính thuỷ tinh một mắt là thấu kính phẳng lồi, còn chiếc kia là thấu kính phẳng lõm. "Sau khi đưa mình lại gần thấu kính phẳng lõm, tôi thấy những đồ vật to hơn và gần hơn. bởi vì chúng như tiến lại gần tôi chỉ còn cách tôi khoảng chừng l/3 khoảng cách thực tế khi quan sát bằng mắt thường" - Galilêô Galilê tả lại như vậy.

Vị giáo sư đã quyết định cho các bạn bè của mình ở thành phố Vơnidơ xem xét dụng cụ đó. "Khá nhiều nhân vật nổi tiếng và các nghị sĩ đã leo lên những tháp chuông cao nhất của những nhà thờ ở thành phố Vơnidơ ngắm những cánh buồm của các tầu thuyền đang tiến lại gần. Hôm đó những con tàu này đã ở một khoảng cách xa đến nỗi chúng phải mất hai giờ chạy hết tốc lực để chúng tôi có thể nhìn ra chúng bằng mắt thường, khi không có cái ống nhìn của tôi" - ông kể như vậy.

Vào thời Galilê đã có những người đi trước ông trong việc phát minh ra kính viễn vọng, (trong các ngôn ngữ phương Tây, chữ telescope = kính viễn vọng, kính thiên văn, gốc từ tiếng Hy Lạp: tele có nghĩa là "xa" và scopeo - có nghĩa là "nhìn"). Cho đến nay vẫn còn lưu truyền những giai thoại về con cái của một người thợ làm kính mắt. Khi bọn trẻ lấy những thấu kính hội tụ và phân kỳ ánh sáng ra để chơi và soi qua ánh sáng, chúng bổng nhiên phát hiện ra rằng khi có hai thấu kính đặt ở một khoảng cách nhất định đối với nhau có thể tạo ra được một hệ thống phóng đại. Lại có những tin tức kể về những ống ngắm được chế tạo và bán ở Hà Lan trước năm 1609. Đặc điểm cơ bản của kính thiên văn của Galilê là kính chất lượng cao. Sau khi tìm hiểu và biết được rằng các mắt kính có chất lượng tồi Galilê đã tự mình mài nhẵn các thấu kính. Hiện có một vài thấu kính vẫn còn lưu giữ cho đến nay, người ta đã xem xét các thấu kính này và kết luận rằng chúng rất hoàn thiện trên quan điểm quang học hiện đại. Thực ra, Galilê đã phải lựa chọn trong số 300 thấu kính để dùng có một vài thấu kính mà thôi.

Thế nhưng khó khăn chế tạo những thấu kính hạng nhất không phải là điều cản trở lớn nhất khi chế tạo kính thiên văn. Theo ý kiến của nhiều nhà bác học thời đó thì phát minh ra kính thiên văn của Galilê bị coi là một phát minh ma quỷ, còn tác giả của nó, đáng bị lôi ra thẩm vấn ở Toà án Giáo hội. Bởi vì thời đó người ta quan niệm rằng con người nhìn thấy xung quanh là bởi vì từ mắt người xem đã phát ra những tia thị giác bao trùm toàn bộ khoảng không xung quanh. Khi những tia này chạm tới vật thể, thì trong mắt người xem xuất hiện hình ảnh của vật thể đó. Còn nếu đặt trước mắt người xem một thấu kính thì những tia thị giác bị uốn cong đi và con người sẽ nhìn thấy một vật mà trong thực tế hoàn toàn không có.

Như vậy, khoa học chính thống của thời đại Galilê hoàn toàn có thể cho rằng những thiên thể và những vật thể nhìn thấy được ở rất xa qua kính viễn vọng chỉ là một trò lừa bịp trí tuệ. Thực ra, Galilê đã thấu hiểu điều đó và chính ông đã ra tay chặn trước. Ông đã cho mọi người dùng chiếc kính thiên văn của mình, phát hiện ra những tàu thuyền từ rất xa mà mắt thường không thể nào thấy rõ được. Chính sự kiện này đã thuyết phục mọi bộ óc hoài nghi và từ đó chiếc kính thiên văn của Galilê đã nhanh chóng lan truyền khắp Châu Âu.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/449-02-633329671703368750/Kinh-thien-van-tu-thoi-Galile-cho-toi-nay/...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận