RA ĐỜI NGÀNH KHOA HỌC MỚI
Lần đầu tiên bức xạ vô tuyến vũ trụ được một kĩ sư người Mỹ tên là Cáclơ Gianxki phát hiện năm 1932. Lúc đó ông nghiên cứu nhiễu vô tuyến ngăn cản, hoạt động của điện thoại vô tuyến xuyên Đại Tây Dương. Để thực hiện mục đích đó, người ta đã dựng lên một ăngten đón hướng lớn: một cái khung chuyên dùng bằng kim loại được gắn vào một thiết bị quay. Thiết bị dài 30,5 m, cao 3,7 m. Có thể định hướng ăngten theo hướng cần thiết và nghiên cứu bức xạ vô tuyến đi tới. Công việc được tiến hành trên sóng 14,6 m.
Gianxki mau chóng hiểu ra rằng tiếng lách tách và lục cục trong tai nghe ngăn cản thông tin liên lạc là do sự phóng điện của sét gần xa gây ra.
Nhưng ngoài những nhiễu âm này ông còn thu được tiếng rít rít không lớn liên tục, mạnh lên rồi yếu đi theo chu kì 23 giờ 56 phút. Khoảng thời gian này trùng với một ngày sao, tức chu kì quay của Trái Đất quanh trục của nó. Tính định hướng của ăngten Gianxki tương đối thấp cho nên ông chỉ có thể xác định được vị trí của nguồn bức xạ vô tuyến với độ chính xác khoảng 300 tuy nhiên Gianxki xác minh rằng bức xạ vô tuyến "kí sinh" từ Vũ Trụ tới được phát đi từ Ngân Hà hơn nữa cường độ lớn nhất của nó quan sát thấy ở hướng tâm Thiên Hà của chúng ta. Gianxki đã công bố kết quả những nghiên cứu của mình trong bài báo "Nhiễu điện có nguồn gốc ngoài Trái Đất".
Phát hiện của Gianxki chưa được các nhà thiên văn để ý ngay. Chỉ đến năm 1939 một kĩ sư vô tuyến người Mĩ khác là Grốt Rêbơ, bằng tiền của mình đã chế tạo ra chiếc ăngten có gương phản xạ parabôn đường kính 9,5 m, lại ghi nhận được bức xạ vô tuyến của Ngân Hà trên sóng 1,87 m. Và trong suốt năm năm, Rêbơ đã tiến hành các cuộc đo đạc có hệ thống để đến năm 1942 đã xuất bản được tấm bản đồ vô tuyến đầu tiên của toàn bộ bầu trời bắc. Trên bản đồ đó ngoài nguồn vô tuyến rất mạnh mà Gianxki tìm thấy được ở tâm Thiên Hà còn ghi cả một số nguồn yếu hơn. Chúng nằm trong các chòm sao Thiên Nga, Tiên Hậu, Chó Lớn Đuôi Thuyền và Kỳ Lân.
Khác với Gianxki, người đã đăng bài báo của mình trong một tạp chí kĩ thuật, Rêbơ gửi công trình của mình cho ấn phẩm thiên văn hàng đầu là tạp chí "Tạp chí thiên văn Vật lý" (Astrophysical Journal). Cuối cùng bài báo của Rêbơ đã thu hút được sự chú ý của các nhà thiên văn và vật lý vô tuyến. Thế là ngay sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, một ngành khoa học mới - thiên văn vô tuyến - bắt đầu phát triển mạnh.