Tài liệu: Bầu trời tia X

Tài liệu
Bầu trời tia X

Nội dung

BẦU TRỜI TIA X

 

Những danh mục được đặt ra trên cơ sở quan sát bằng vệ tinh đã bao gồm hàng nghìn nguồn bức xạ tia X vũ trụ. Hàng trăm nguồn trong số đó đã được xác định là đồng nhất với những thiên thể quang học (có ánh sáng nhìn thấy được). Trong số những nguồn tia X có

không ít những thiên thể của Ngân Hà chúng ta: những mảnh còn lại của những ngôi sao siêu mới (thí dụ như tinh vân Cua và punxa tồn tại trong đó), những hệ sao kép khăng khít, vùng trung tâm (nhân.) của Thiên Hà.

Nhưng rất nhiều nguồn khác nhau nằm ở bên ngoài phạm vi hệ thiên hà của chúng ta: đó là những thiên hà khác, cả những thiên hà thông thường (tinh vân Tiên Nữ) cũng như những thiên hà đặc biệt (thiên hà Trinh Nữ A trong quần thiên hà ở chòm sao Trinh Nữ). Những nhân thiên hà với những biểu hiện hoạt tính (phát xạ) cao và các quada là nguồn bức xạ tia X mạnh: thường thường chúng thay đổi nhanh độ trưng tia X của mình. Trong những quần thiên hà lớn ở dải tia X đồng thời quan sát thấy khí nóng loãng lấp đầy khoảng không giữa các thiên hà.

Đặc biệt thú vị là bản chất của những nguồn tia X gắn liền với các hệ sao kép (đó là đôi sao ở gần nhau và liên kết với nhau bởi lực hấp dẫn tương hỗ) mà trong đó một thành tố là một thiên thể đặc nhỏ (sao nơtron hoặc là lỗ đen, còn thành tố thứ hai là ngôi sao khổng lồ hoặc siêu khổng lồ. Khoảng cách giữa các thành viên của cặp sao không lớn, do đó trong những điều kiện cụ thể, vật chất có thể chuyển mạnh từ sao khổng lồ đến sao đặc nhỏ. Vật chất rơi vào bề mặt của sao nơtron, vào vùng cực từ hoặc bị "quấn" vào mặt phẳng xích đạo của ngôi sao đó, như thể cuộn băng ghi âm cuộn vào lõi cát xét tạo ra quanh ngôi sao một đĩa khí. Vì ngôi sao đặc nhỏ có khối lượng khá lớn (có khối lượng Mặt Trời) và kích thước nhỏ (đường kính 15 – 20 km), vật chất chảy vào đạt tốc độ lớn tới hàng vạn kilômét một giây, được nén chặt và nóng lên tới nhiệt độ hơn một triệu độ. Ngôi sao kép biến thành nguồn tia X mạnh!

 

Nếu khí chảy vào khu vực các cực từ của ngôi sao nơtron thì tốc độ quay rất lớn của nó làm cho sự bức xạ tia X trở thành sự thay đổi theo chu kì. Những nguồn như vậy được gọi là punxa tia X. Vài chục nguồn như vậy đã được biết tới. Vũ Trụ nhìn bằng các tia Rơnghen hiện ra trước mắt chúng ta không bình lặng mà chứa đầy những sự kiện dữ dội, những tai nạn và những vụ nổ ở quy mô lớn chưa từng thấy. Nó hoàn toàn không giống với thế giới yên tĩnh, bình yên và hầu như không biến đổi của hàng nghìn ngôi sao lấp lánh mà chúng ta vẫn nhìn thấy qua ánh sáng thông thường!

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/447-02-633329655203681250/Thien-van-tia-X-va-tia-gamma/Bau-troi-tia-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận