NHỮNG TIA KHÔNG BIẾT ĐẾN VẬT CẢN
Cuối thế kỷ XIX, nhà vật lý người Đức tên là Vinhem Rơnghen đã phát hiện ra những tia không nhìn thấy được và ông đã đặt cho chúng tên gọi là tia X (X quang) mà ngày nay còn gọi là tia Rơnghen. Những tia mới tìm thấy này hấp dẫn sự chú ý bởi tính chất đâm xuyên của chúng: chúng dễ dàng xuyên qua mọi loại giấy bìa cactông, gỗ, thậm chí xuyên qua cả những lá kim loại mỏng (tuy vậy không phải kim loại nào chúng cũng dễ dàng xuyên qua, chẳng hạn chì, lò một kim loại chúng rất khó xuyên qua). Các nhà bác học đã tìm ra rằng tia Rơnghen là những dao động điện từ với những bước sóng rất nhỏ và có lượng tử năng lượng lớn: từ 1000 đến hàng vạn êlectron- vôn.
Tia Rơnghen rất mau chóng được sử dụng trong y học để quan sát các cơ quan nội tạng, trong vật liệu học để tìm ra những khiếm khuyết bên trong vật liệu. Việc ứng dụng tia Rơnghen trong nghiên cứu các tinh thể đóng vai trò rất lớn. Vấn đề ở chỗ là khoảng cách giữa các nguyên tử trong tinh thể gần với bước sóng tia Rơnghen, chính vì vậy sự phản xạ và sự nhiễm xạ của những tia này trong tinh thể cho phép xác định sự phân bố nguyên tử trong không gian. Từ đó đã hình thành phương pháp nghiên cứu cấu trúc nguyên tử của vật chất.
Tuy vậy, việc phát hiện tia Rơnghen đối với ngành thiên văn có vẻ như chẳng có ý nghĩa gì. Dòng các tia Rơnghen rất mạnh từ các vì tinh tú trên trời chỉ có thể có trong trường hợp nhiệt độ của chúng lên tới hàng triệu độ. Nhiệt độ đó thông thường là không thể có được trên bề mặt của các vì sao. Và không ai có thể ngờ được rằng ngay trên đầu chúng ta hàng ngày xuất hiện nguồn bức xạ Rơnghen ngoài Trái Đất. Dĩ nhiên, đó chính là Mặt Trời.