BỨC XẠ TỬ NGOẠI
Ai đã từng một lần lên núi đều biết rằng ở đó Mặt Trời nóng hơn ở đồng bằng gấp nhiều lần nó làm cháy da rất nhanh. Mặt khác những người sống trên núi ít bị hắt hơi sổ mũi hơn, ít bị viêm họng và những bệnh cảm lạnh khác hơn. Chẳng nhẽ ánh sáng Mặt Trời ở trên núi lại có gì khác với ở đồng bằng hay sao?
Nó có nhiều tia tử ngoại (UV) hơn. Các bước sóng của những tia này ngắn hơn so với bước sóng của ánh sáng nhìn thấy được. Phần tia tử ngoại của phổ bao trùm khu vực có bước sóng từ 0,3 đến 0,01m . Các tia tử ngoại mềm (có độ đâm xuyên kém do năng lượng thấp) có bước sóng tương đối lớn làm cho da bị cháy nắng . Thật may mắn là những tia tử ngoại có bước sóng ngắn, tức tia tử ngoại cứng (năng lượng cao) không xuyên qua được khí quyển Trái Đất.
Trong môi trường khí, chẳng hạn như trong không gian giữa các vì sao, các lượng tử tủ ngoại cứng ion hoá các nguyên tử của những nguyên tố khác nhau. Khi đó năng lượng của lượng tử được truyền sang cho một trong các êlectron và nó tách ra khỏi nguyên tử thân thuộc để đi "chu du đây đó".
Nguyên tử trung hoà sau khi mất êlectrôn đã trở thành có điện tích và biến thành ion dương. Êlectron "bỏ trốn" có thể lại nhập vào một nguyên tử ion hoá nào đấy và nguyên tử này lại trở nên trung hoà.
Khí được tạo bởi không phải các nguyên tử trung hoà mà là bởi các hạt điện tích dương và điện tích âm (thông thường đó là ion và êlectron), gọi là plasma. Plasma dẫn điện và từ trường có ảnh hưởng rất lớn đến sự chuyển động của nó. Các nhà bác học đã xác định được rằng Vũ Trụ gồm phần lớn là plasma. Chỉ có các hành tinh, bụi giữa các hành tinh bụi các sao và khí trong những "xó xỉnh" lạnh lẽo của vũ trụ, nơi mà bức xạ sóng ngắn ion hoá không lọt tới được mới chứa vật chất ở những trạng thái khác.
Mây khí bị ion hoá bởi ánh sáng tử ngoại của những ngôi sao nóng sẽ trở thành những nguồn bức xạ cực mạnh. Chúng được gọi là tinh vân khí sáng hoặc là vùng khí hyđrô bị ion hoá. Nơi nào có sự hiện diện của chúng chắc chắn nơi đó sẽ có mặt các ngôi sao trẻ nóng; do nhiệt độ cao của mình những ngôi sao này sẽ phát xạ phần rất lớn năng lượng trong vùng tử ngoại của phổ.
Tóm lại thiên nhiên đã giao phó cho bức xạ tử ngoại một sứ mệnh quan trọng: làm "thiết bị ion hoá cơ bản" vật chất khuếch tán (tức là vật chất không tập trung trong các ngôi sao).