CẬU HỌC SINH TRUNG HỌC PHÁT HIỆN MỘT NGÔI SAO MỚI
Buổi tối ngày 8-2-1901 (theo lịch cũ, chậm 13 ngày so với lịch mới áp dụng sau Cách mạng Tháng 10 Nga), cậu học sinh trường trung học số 5 thành phố Kiep (nay thuộc Ucraina) Anđrây Bôrixiac trở về nhà sau khi học nhóm cùng với bạn bè. Anđrây là người hoạt động thiên văn nghiệp dư. Cậu thường xuyên đặt mua "Lịch thiên văn Nga". Cho nên không có gì lạ việc tối hôm đó cậu lại quan sát bầu trời.
Cậu chú ý đến một ngôi sao sáng ở chòm sao Dũng Sĩ mà chưa một bản đồ sao nào ghi cả. Anđrây hiểu rằng đây là một ngôi sao mới. Đám bạn bè cùng ba chân bốn cẳng chạy ra trạm điện báo. Anđrây đã đánh điện đến Pêtecbua cho giáo sư Xecgây Paplôvic Gladenap. Trong lúc ấy ngôi sao bùng cháy, độ sáng của nó đạt đến cấp 0 (như các sao Vega, Capella, Arcturus). Nhiều nhà thiên văn chuyên nghiệp và nghiệp dư thông báo về sự xuất hiện của ngôi sao này. Nhưng Bôrixiac là người đầu tiên (theo dấu ghi trên điện báo) và vinh dự phát hiện ra sao mới chòm Dũng Sĩ thuộc về cậu.
Ngày 22-3-1901, giáo sư Gladenap đã báo cáo về phát hiện này tại phiên họp của Hội thiên văn Nga. Ít lâu sau Anđrây Bôrixiac được bầu làm hội viên chính thức của hội này. Hoàng đế Nicôlai II (cũng là hội viên danh dự của hội này) đã tặng cậu học sinh trung học chiếc kính thiên văn. Phát hiện của Bôrixiac được công bố trong một bài báo trên tập san "Tin tức của Hội thiên văn Nga".
Số phận sau này của người phát hiện ra sao? Ông đã trở thành một nhà nghiên cứu âm nhạc và nhà sư phạm âm nhạc xuất sắc: Ông đã dạy nhạc ở Khaccốp rồi sau ở Matxcơva.