SAO NỔ
Ai chăm chú theo dõi các sao đêm này qua đêm khác thì trong đời sẽ có cơ hội khám phá một ngôi sao mới, xuất hiện dường như ở chỗ trống. Độ sáng của ngôi sao này dần dần tăng lên đạt đến cực đại rồi vài tháng sau yếu đi đến nỗi không thể nhìn thấy bằng mắt thường và biến mất.
Một hiện tượng trên trời còn kỳ vĩ hơn, nhưng cực kỳ hiếm, có tên gọi là sao siêu mới, đã được ghi lại trong sử sách của nhiều dân tộc. Độ sáng của sao siêu mới, cũng bùng nổ dường như ở chỗ trống, đôi khi mạnh đến mức có thể nhìn nó vào cả ban ngày!
Các hiện tượng sao mới đã được phát hiện từ thuở xa xưa. Ở thế kỷ XX, khi các quan sát thiên văn đã mang tính chất thường xuyên, còn cảnh tượng bầu trời sao đã được "đưa vào biên bản" bằng phim ảnh, thì người ta đã biết rằng ở chỗ các sao "mới" thực ra đã có các ngôi sao mờ yếu. Chẳng qua bất thình lình độ sáng của nó tăng vọt đến cực đại rồi lại giảm đến mức bình ổn. Hơn nữa đôi khi hiện tượng sao mới lại lặp lại ít nhiều thường xuyên ở cùng một chỗ, tức là vẫn ngôi sao ấy vì những lý do nào đó hàng trăm năm một lần hoặc hơn tăng mạnh độ trưng của nó.
Với các sao siêu mới thì thực sự khác hẳn. Nếu như ở chỗ của chúng trước khi xảy ra vụ nổ có thấy rõ ngôi sao đi nữa (chẳng hạn như trường hợp sao siêu mới rất sáng năm 1987 ở đám Mây Magienlăng Lớn), thì sau vụ nổ nó thực sự biến mất, còn lớp vỏ mà nó phóng ra còn nhìn thấy rất lâu về sau dưới dạng tinh vân lấp lánh.
Việc nghiên cứu các sao siêu mới nổ ra trong Thiên Hà của chúng ta gặp khó khăn vì các thiên thể này cực kỳ hiếm khi quan sát được. Trong toàn bộ lịch sử khoa học, người ta chỉ bắt gặp chúng vài lần. Tuy nhiên, việc quan sát thường xuyên vô số các thiên hà khác cũng cho phép hàng năm phát hiện được vài chục sao siêu mới trong các hệ sao xa xôi. Người ta đã tính được rằng trung bình trong mỗi thiên hà vụ nổ của sao siêu mới chỉ xảy ra một lần trong vài thiên niên kỷ. Hơn nữa vào lúc sáng nhất, nó có thể rực chói bằng cả hàng trăm tỉ ngôi sao còn lại của cả thiên hà gộp lại. Các sao xa nhất trong số sao siêu mới mà ngày nay chúng ta đã biết trong các thiên hà cách Mặt Trời hàng trăm parsec.
Như lần đầu tiên vào những năm 1930, Vante Baađơ và Phrit Xvicky đã phỏng đoán, kết quả một vụ nổ sao siêu mới có thể là sự hình thành sao nơtron siêu đặc. Giả thuyết này đã được xác định sau khi phát hiện ra punxa, tức là sao nơtron quay cực nhanh với chu kỳ 33 miligiây, ở giữa tinh vân Cua đã biết trong chòm sao Con Trâu; nó đã xuất hiện tại chỗ xảy ra vụ nổ sao siêu mới năm 1054.
Như vậy, các hiện tượng sao mới và sao siêu mới có bản chất hoàn toàn khác nhau. Vậy thì quan niệm hiện đại về chúng là như thế nào?