Tài liệu: Sao biến quang

Tài liệu
Sao biến quang

Nội dung

SAO BIẾN QUANG

 

Ngay từ thời cổ, con người đã nhận thấy rằng tương quan vị trí phân bố của các sao và độ sáng của chúng hầu như không thay đổi, do đó đã đi đến triết luận về tính bất biến của thế giới phía trên Mặt Trăng, ngược lại với thế giới từ Mặt Trăng trở xuống. Kết luận này tuy thế cũng mâu thuẫn với một vài hiện tượng đã biết từ lâu, tuy không hay gặp lắm trong quan sát. Thỉnh thoảng trên trời lại xuất hiện những ngôi sao mới: chúng bừng lên, đôi khi sáng rực khác thường (thậm chí sáng hơn cả sao Sirius), rồi trong vài tuần hoặc vài tháng sau đó tắt lịm. Có thể cho rằng chính sự biến mất của những "kẻ phạm thượng" đã làm yên lòng các triết gia cổ đại, cho phép họ coi chúng không phải là những ngôi sao "thực sự".

Những gì mà người xưa gọi là sao mới (người Trung Quốc gọi là "sao khách"), bây giờ thuộc vào một trong hai biến thể của sao biến quang: sao mới (nova) hoặc sao siêu mới (supernova). Cho tới thế kỷ XVI các nhà bác học vẫn chưa biết tới các sao biến quang nào khác. Tuy vậy, có truyền thuyết rằng tên gọi sao  Persei là Angol (theo tiếng Arập nghĩa là "sao Quỷ") xuất phát từ việc hình như người Arập xưa kia đã biết đến tính biến quang của nó. Năm 1596, nhà thiên văn Đức Đavit Phabrixiut đã phát hiện ra một ngôi sao mới cấp 2 trong chòm sao Cá Voi. Ông theo dõi nó một thời gian rồi như thường lệ, ngôi sao mới biến đi bặt tăm bặt tích. Nhưng bất ngờ vào năm 1609, Phabrixiut lại tìm thấy nó trên trời! Vậy là, lần đầu tiên đã phát hiện được một sao biến quang thay đổi rất lớn độ sáng của nó: có khi nó vô hình đối với mắt thường, có khi lại bừng sáng lên, mà không biến mất hoàn toàn. Điều thú vị là 1 trong thời gian giữa hai lần phát hiện của Phabrixiut, vào năm 1603, ngôi sao này đã được một nhà thiên văn Đức khác tên là Iôhan Bayec, tác giả của atlat sao đầy đủ đầu tiên 1 phát hiện ra. Ông không nhận ra tính biến quang của nó và đã đưa ngôi sao này vào bản đồ sao trong atlat của mình với tên gọi là ômicrôn của chòm Cá Voi. Một tên gọi khác của nó là Mira chòm Cá Voi, hay đơn giản là Mira (theo tiếng La tinh nghĩa là "lạ lùng").

Như vậy, sao biến quang (còn gọi là biến tinh - tiếng Anh: variable (star); tiếng Pháp: (étoile) variable) là những ngôi sao có độ sáng biến thiên. Cho đến giờ các nhà thiên văn cũng chưa nhất trí xác định xem độ sáng phải thay đổi tối thiểu ở mức nào để xếp nó vào loại này. Vì thế trong các danh mục sao biến quang bao gồm tất cả các sao mà người ta thấy chắc chắn chúng có thay đổi độ sáng dù chỉ tí ti. Hiện nay, trong Thiên Hà chúng ta có đến vài vạn sao biến quang (điều lý thú là khoảng một vạn trong số đó do một người phát hiện ra: nhà thiên văn Đức Cunô Hôpmâyxtơ), và con số này đang tăng lên rất nhanh nhờ các phương pháp quan trắc chính xác, hiện đại.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/458-02-633329848896806250/Sao-bien-quang/Sao-bien-quang.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận