Tài liệu: Thiên thể độc đáo SS 433

Tài liệu
Thiên thể độc đáo SS 433

Nội dung

THIÊN THỂ ĐỘC ĐÁO SS 433

 

Đối tượng thuộc chòm sao Đại Bàng này có mặt trong nhiều danh mục sao. Trong "Tổng danh mục sao biến quang" do các nhà thiên văn Nga lập ra, nó có ký hiệu là V1343 chòm Đại Bàng; trong danh mục các nguồn X quang do vệ tinh Uhuru của Mỹ phát hiện, nó là 1908 + 05, nhưng tên gọi phổ biến nhất của nó là SS 433 - đó là số hiệu của nó trong danh mục sao có các vạch phát xạ sáng của các nhà thiên văn Mỹ K. Xtiphenxơn và N. Xanđiulic (SS là các chữ đầu họ của hai người). Cho đến năm 1978, đối tượng này vẫn chưa gây sự chú ý nào, vì nó chỉ là một sao biến quang nhỏ và yếu có cấp sao 14, thường bị che khuất: Các phát hiện ra đặc tính khác thường của nó diễn ra vào các năm 1979 - 1980 và tiếp tục cho đến bây giờ.

Các nhà thiên văn Mỹ và Italia khi quan sát SS 433 qua nhiều đêm, đã ghi được trong phổ của nó ba hệ vạch phát xạ của hyđrô và hêli. Ngoài các vạch chính sáng và bất động, chúng còn có hai hệ vạch vệ tinh, "rong ruổi" trong phổ với chu kỳ 163 ngày. Những dịch chuyển này trong phổ nói cho ta biết về chuyển động của vật chất theo hai hướng đối nghịch nhau với vận tốc đạt tới 1/4 vận tốc ánh sáng (78000 km/s).

Các quan sát chi tiết đã chỉ ra rằng SS 433 là hệ sao đôi che khuất sát nhau có chu kỳ quay bằng 13,1 ngày. Một sao thành phần là ngôi sao nặng có nhiệt độ khoảng 30.000 kenvin và độ trưng vào khoảng 1 triệu lần lớn hơn độ trưng Mặt Trời.

Sao chính to đến nỗi không thể giữ nguyên tính toàn vẹn trong trường hấp dẫn của sao thứ hai rất gọn nhỏ (nén chặt), nên vật chất của nó không ngừng chảy sang sao kia. Về chuyện đó là ngôi sao nén chặt (có tỉ trọng rất lớn) thì sự thiếu vắng các vạch phổ của nó đã nói hộ điều đó. Thế nhưng quanh nó lại hình thành một đĩa bồi tích (tiếng Anh: accretion disc) từ vật chất chảy sang.

Phát hiện bức xạ tia Rơnghen của SS 433 đã hoàn toàn xác nhận giả thuyết về sự tồn tại của các vật nén chặt là sao nơtron hoặc lỗ đen, chỉ khi bồi tích vào nó mới xảy ra phát xạ X quang. Nguồn nén chặt này được bao bởi đám mây plasma không trong suốt và rất sáng có nhiệt độ lên tới hàng trăm nghìn độ. Phổ tia Rơnghen do các dụng cụ trên các vệ tinh nhân tạo của Trái Đất "Exosat" (Cơ quan Vũ trụ Châu Âu) và "Ginaa" (Nhật Bản) thu được. Đã cho thấy sự ion hoá cao độ của các nguyên tử sắt đến các trạng thái giống như hêli và hyđrô. Điều này có nghĩa là thay vì có 26 êlectrôn, trong nguyên tử sắt chỉ còn lại 2 hoặc 1 êlectrôn. Các êlectron còn lại bị bật ra khỏi quỹ đạo vì các cú va đập của các êlectron siêu nhanh có tốc độ có thể so với tốc độ ánh sáng và các lượng tử X quang. Theo dữ liệu hiện có, có thể vẽ ra "chân dung" SS 433. Hệ sao này gồm một sao kềnh có nhiệt độ và độ trưng cao cùng một sao đồng hành nén chặt. Từ sao quang sang sao nén chặt có dòng vật chất thường xuyên chảy, tạo thành các đĩa bồi tích. Chính cái đĩa này cứ sau 13 ngày lại che khuất ngôi sao chính. Theo hướng vuông góc với đĩa có hai dòng tia mạnh mà trục của chúng xoay đảo thành hình nón tiến động (như trục Trái Đất hoặc trục con quay của trẻ con) với chu kỳ 163 ngày. Toàn bộ hệ sao chìm trong mây plasma một vầng hoa đặc sắc. Trong các dòng tia này thoát ra êlectron năng lượng cực lớn, chúng là sản phẩm ion hoá của các nguyên tử sắt (mỗi nguyên tử phóng ra 24 - 25 êlectrôn).

SS 433 là hiện tượng độc đáo trong Thiên Hà chúng ta; hiện các nhà thiên văn chưa tìm được các thiên thể khác tương tự như vậy. Hiện nay người ta đang tìm kiếm chúng trong các Thiên Hà lân cận.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/457-02-633329846356650000/Cac-cap-sao/Thien-the-doc-dao-SS-433.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận