CÁC SAO LÙN TRẮNG ĐƯỢC TẠO RA NHƯ THẾ NÀO
Trong lý thuyết tiến hoá sao hiện đại các sao lùn trắng được xem là giai đoạn kết thúc trong chặng đường tiến hoá của các sao có khối lượng trung bình và nhỏ (dưới 3-4 lần khối lượng Mặt Trời).
Sau khi ở các vùng trung tâm của ngôi sao già toàn bộ hyđrô cháy hết, nhân sao phải co lại và cực nóng. Các lớp ngoài khi đó giãn nở mạnh, nhiệt độ hiệu dụng của sao giảm xuống và trở thành sao kềnh (khống lồ) đỏ. Lớp vỏ sao loãng được hình thành liên kết rất yếu với nhân rốt cuộc nó tản mát vào không gian. Tại vị trí của ngôi sao kềnh khi trước chỉ còn lại ngôi sao nóng đặc, nhỏ gọn, bao gồm chủ yếu là hêli: đó là sao lùn trắng. Do nhiệt độ cao nên nó bức xạ chủ yếu ở dải tia tử ngoại và làm ion hoá khí của vỏ sao bẳn ra.
Các lớp vỏ giãn nở bao quanh các sao nóng đã được biết từ lâu. Chúng được gọi là các tinh vân hành tinh, do Uyliam Hecsen tìm ra vào thế kỷ XVIII. Con số quan sát được của chúng rất phù hợp với số sao kềnh đỏ và sao lùn trắng, nghĩa là phù hợp với điều khẳng định rằng cơ chế chính tạo ra sao lùn trắng là sự tiến hoá của sao thông thường với việc xả bỏ vỏ khí ở giai đoạn sao kềnh đỏ.
Trong các hệ sao đôi khăng khít, các thành phần phân bố gần nhau đến mức giữa chúng xảy ra sự trao đổi vật chất. Lớp vỏ nở phồng ra của sao kềnh đỏ thường xuyên chảy sang sao láng giềng cho đến khi sao kềnh chỉ còn là sao lùn trắng. Có lẽ các đại diện được phát hiện đầu tiên của loại sao lùn trắng - Sirius B và Procyon B - đã được tạo thành theo cách này.
Vào cuối những năm 1940, nhà vật lý thiên văn Xô viết Xamuin Arônôvich Caplan đã chỉ ra rằng bức xạ của các sao lùn trắng làm cho nó nguội đi. Điều này có nghĩa là ở các sao này không có các nguồn năng lượng bên trong. Caplan đã xây dựng cả lý thuyết định lượng về sự nguội đi của các sao lùn trắng. Vào đầu những năm 1950, các nhà khoa học Anh và Pháp cũng đi đến những kết luận tương tự. Có điều, do diện tích bề mặt rất bé nên các sao này nguội đi cực kỳ chậm.
Vậy là phần lớn các tính chất quan sát được của các sao lùn trắng đã giải thích được bằng mật độ vật chất cực kỳ cao của chúng và bằng từ trường rất mạnh trên bề mặt sao. Điều này khiến cho các sao lùn trắng trở thành các đối tượng độc đáo: tái tạo các điều kiện của vật chất sao trong điều kiện phòng thí nghiệm trên Trái Đất là điều kiện hiện nay chưa thể làm được.