Ô nhiễm
Việc tận dụng quá mức các nguồn tài nguyên cho mục đích tăng trưởng kinh tế nhanh của Hàn Quốc đã gây ra nhiều kiểu ô nhiễm. Ví dụ, về ô nhiễm không khí, Hàn Quốc đứng thứ tám trên thế giới về thải nhiều lượng khí cácbonic (loại khí chủ yếu gây hiệu ứng nhà kính) ra bầu khí quyển. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ bằng 8% lượng khí mà nước Mỹ thải ra và, nếu tính theo đầu người, lượng khí thải này vẫn thấp hơn mức của các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Do lượng xe hơi sử dụng và nhu cầu năng lượng tăng nên Hàn Quốc phải áp dụng các biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai đồng thời giảm thiểu lượng khí thải carbon tăng lên. Ví dụ, việc đầu tư vào năng lượng hạt nhân giúp tránh được lượng khí cácbonic sinh ra từ đốt than hay khí gas tự nhiên. Xe hơi cũng được chuyển sang chạy bằng auto-gas thay cho xăng hay diesel, bởi nó tạo ra ít khí thải hơn nhiều. Chính phủ cũng có kế hoạch thay thế 20.000 xe buýt chạy bằng diesel bằng xe buýt chạy bằng gas tự nhiên vào năm 2007.
Hóa chất nông nghiệp là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nguồn nước. Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu cao nhất trên thế giới. Năm 2003, mỗi kilômét vuông đất nông nghiệp sử dụng khoảng 36,9 tấn phân nitơ và 1,43 tấn thuốc trừ sâu so với tỷ lệ chưa tới 12 tấn phân nitơ và 0,25 tấn thuốc trừ sâu ở những nước như Đan Mạch, Anh và Mỹ. Trong những năm 1990, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu nhận thức được rằng ô nhiễm nguồn nước đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Hóa chất từ chất thải nông nghiệp và công nghiệp (trong đó có những kim loại nặng nguy hiểm như cadmium và thủy ngân) đã làm ô nhiễm các nguồn nước ăn và nước thủy lợi. Năm 1998, chính phủ đã đưa ra các biện pháp quản lý nguồn nước mới mà nhờ đó, đến năm 2004, chất lượng nước ở các sông chính đã không còn xấu đi nữa. Chính phủ cũng xây dựng các chính sách cho dự án bảo tồn tài nguyên nước được thực hiện trong giai đoạn 2006-2015. Dự án này sẽ giới hạn mức độ các chất gây ô nhiễm được thải vào hệ thống nước.
Đô thị phát triển bền vững
Năm 1978, quận Nanjido của Seoul được chọn làm khu chứa rác thải cho cả thành phố đang phát triển nhanh. Một khu vực trước đây đầy hoa dại (Nanjido nghĩa và “đảo hoan”), động vật hoang dã và rất nhiều hồ nước bỗng trở thành một núi rác khổng lồ với 93,5 triệu tấn rác thải công nghiệp và rác thải của thành phố (được đổ ra đó cho tới tận năm 1993). Đống rác thải này tạo thành hai ụ rác cao quá 90 mét và biến những thung lũng suối trong khu vực thành những khu đất hoang ô nhiễm, bốc mùi. Năm 1994, một sự thay đổi mạnh mẽ bắt đầu diễn ra ở Nanjido. Những ụ rác đã được san bằng, được lấp đất và trở thành khu đất cho công viên và khu thiên nhiên hoang dã. Rác thải cũng cung cấp nguồn năng lượng nhờ tận dụng khí mêtan sinh ra trong quá trình rác phân hủi. Các công nghệ bền vững như tuốcbin chạy bằng sức gió và năng lượng mặt trời cũng được sử dụng tiên phong trong khu vực này. Những phương tiện giải trí và giáo dục khuyến khích các du khách có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Một khu dân cư thân thiện với môi trường chính là kết quả của quá trình chuyển đổi của Nanjido từ một khu rác thải thành một môi trường sống trong lành.
Khu đầm lầy Saemangeum
Một trong những vấn đề về môi trường gây tranh cãi nhất ở Hàn Quốc là việc cải tạo khu đầm lầy Saemangeum nằm giữa các khu vực Gunsan và Buan ở phía tây Hàn Quốc. Khu đầm lầy này là môi trường sống quan trọng của các hoại chim và cá, trong đó có khoảng 20.000 chim di cư trú lại trong hành trình bay giữa Ôxtrâylia và Đông Á của chúng. Một số loài chim ở Saemangeum thuộc danh sách có nguy cơ tuyệt chủng, chẳng hạn như loài chim choắt có đốm. Loài này chỉ còn chưa tới 1000 con trên thế giới. Kế hoạch cải tạo Saemangeum thành vùng đất nông nghiệp được thông qua vào giữa những năm 1980 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng. Hệ thống đê ngăn nước biển, dài tới 33km, bao quanh khu đầm lầy bắt đầu được xây dựng từ năm 1991. Đến năm 2005, hệ thống này đã gần hoàn thành, với hơn 30km được xây xong. Các nhóm bảo vệ môi trường e ngại rằng hệ thống đập này sẽ phá hoại môi sinh và rằng việc tháo cạn đầm lầy sẽ phá hủy môi trường sống và ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân địa phương. Sự phản đối của những nhóm bảo vệ môi trường đã làm gián đoạn quá trình xây dựng đê ở Saemangeum và buộc chính phủ phải xem xét lại toàn bộ dự án. Tuy nhiên, chính phủ đã cương quyết rằng, dự án này hoàn toàn không phá hoại môi trường và sẽ tạo ra môi trường sống mới cho động vật hoang dã và phục vụ cho cả mục đích nghỉ mát. Chính phủ cho rằng khu đất nông nghiệp mới này rất quan trọng đối với tương lai của Hàn Quốc bởi ngày càng có nhiều khu đất nông nghiệp bị đô thị xâm lấn. Những hệ quả của dự án Saemangeum (dự án cai tạo đất lớn nhất thế giới từ trước tới nay) sẽ được giám sát chặt chẽ (nếu và khi được hoàn thành) và nó có thể sẽ quyết định số phận của những dự án cải tạo đất khác ở Hàn Quốc.