Tài liệu: Hàn Quốc - Piwon - Khu vườn “bí mật”

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Được liệt vào danh sách di sản UNESCO thế giới, cung điện Changdok nổi tiếng có nhiều khu vườn thượng uyển tuyệt đẹp, trong đó có Piwon (còn gọi là vườn “bí mật”),
Hàn Quốc - Piwon - Khu vườn “bí mật”

Nội dung

Piwon - Khu vườn “bí mật”

Được liệt vào danh sách di sản UNESCO thế giới, cung điện Changdok nổi tiếng có nhiều khu vườn thượng uyển tuyệt đẹp, trong đó có Piwon (còn gọi là vườn “bí mật”), nơi dành cho thành viên khác của gia đình hoàng gia đến nghỉ ngơi và giải trí.

Tọa lạc phía sau cung điện Changdok, vườn Piwon được ông vua thứ ba Taejong (1401 - 1418) của triều đại Chosun thiết kế. Nơi đây dành cho các vua và thái tử học hành, săn bắn, luyện võ và còn là nơi cúng tế thần thánh, đất trời. Với diện tích trên 297.000m2, vườn Piwon có nhiều nhà nghỉ mát, hồ nhỏ, dòng suối với hơn 165 loài cây và khoảng 40 loài chim.

Vườn có tên gốc là vườn Trở Lại, sau đó đổi thành vườn Piwon hay còn gọi là vườn Bí Mật. Vườn Piwon được chia thành ba phân khu gồm: nhà nghỉ mát Puyongjong và thư viện Chuhamnu; hồ Aeryonji và trang viên Yon-gyeongdang và dòng suối Ongnyuchon. Các lối dẫn vào khu vườn thỉnh thoảng được lát đá, giúp du khách thoải mái đi dạo trong khu vườn rộng lớn để thưởng thức cảnh đẹp lộng lẫy của thiên nhiên.

Một trong những ngôi nhà nghỉ mát ấn tượng nhất ở Piwon là thư viện hai tầng Chuhamnu được xây dựng vào năm 1776 trong triều đại vua Chonjo (1776 - 1800). Tọa lạc trên một ngọn đồi trông xuống hồ hoa sen tuyệt đẹp, một trong những đặc trưng ở nhà nghỉ mát này là những hàng cột vuông và tròn đan xen nhau thể hiện sự hài hòa giữa trời và đất. Nhà nghỉ mát này còn có tên gọi “Hài hòa Vũ trụ” và là nơi dành cho các nhà trí thức thời Chosun gặp nhau để học hỏi những lễ nghi chung, trau dồi nhân cách và chuẩn bị cho họ những nguyên tắc cai trị quốc gia.

Một trong những nơi mà du khách không thể bỏ qua là nhà nghỉ mát Puyongjong. Tòa nhà hình chữ T này cũng được xây ở triều đại vua Chongjo. Nhà nghỉ mát Puyongjong tạo nên phong cách đặc trưng riêng là xây nổi trên hồ (hay còn gọi là thủy tạ). Tiếp tục vào sâu trong khu vườn, giữa hai hồ Pandoji và Aeryonji là một cổng đá. Đây là cổng đá duy nhất được xây dựng để thể hiện nền tảng vững chắc của mọi thời đại.

Một số khu vực ở vườn Piwon đã bị đóng cửa và vừa được mở cửa lại, trong đó có dòng suối nhân tạo Ongnyuchon được đào năm 1636 ở triều đại vua Injo, bắt nguồn từ thác Eojong dẫn vào trung tâm khu vườn. Các nhà nghỉ mát bên cạnh dòng suối Ongnyuchon được xây dựng hài hòa với sự tráng lệ và tĩnh lặng của khu vườn, là nơi dành cho các vị vua sáng tác thơ và thưởng thức rượu. Gần suối Ongnyuchon có ba nhà nghỉ được bao bọc bởi vô số cây có tuổi đời trên hàng trăm năm và trang hoàng đơn sơ phù hợp với khung cảnh thiên nhiên.

Ba phân khu thư viện Chuhamnu, nhà nghỉ mát Puyongjong và hồ Aeryonji được các nhà điều hành du lịch khai thác và thiết kế chương trình tua tham quan thường xuyên. Còn du khách muốn khám phá sâu bên trong khu vườn Piwon thì phải đăng ký trước và giới hạn đoàn dưới 50 người nhằm tránh phá vỡ không khí tĩnh lặng và làm ô nhiễm môi trường ở nơi đây.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2928-02-633556231827198750/Thu-do-Seoul/Piwon---Khu-vuon-bi-mat.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận