Trị thủy sông Mississippi
Sông Mississippi là hệ thống sông lớn nhất ở Mỹ, với 250 nhánh sông bao gồm cả sông Missouri rộng lớn. Nó chảy qua 31 bang và mang 400 triệu tấn trầm tích xuống Vịnh Mêhicô mỗi năm. Con sông này là nguồn cung cấp nước cho những thành phố dọc theo các nhánh sông và là phương tiện đường thủy quan trọng nhất ở Mỹ.
Đồng bằng ngập nước rộng lớn Mississippi đã được khai phá để canh tác nông nghiệp và định cư. Dòng sông Mississippi luôn được theo dõi để nâng cao khả năng kiểm soát lũ, trữ nước và giao thông đường thủy.
Châu thổ sông Mississippi nằm trong số châu thổ rộng lớn nhất thế giới, tuy nhiên nó đang dần thu hẹp lại. Hiện tại các biện pháp trị thủy con sông này (xem bảng) đã kiểm soát được phần nào vấn đề lũ lụt, lượng trầm tích đổ vào đồng bằng ngập nước và châu thổ thấp hơn.
Tại cửa sông, sóng ở Vịnh Mêhicô cuốn đi mọi vật và tàn phá đất canh tác.
Việc phát triển dọc theo con sông đã gây ra một số vấn đề. Khu vực thành thị sử dụng sông làm nơi chứa các chất thải sinh hoạt và công nghiệp trong khi sông vẫn và nguồn cung cấp nước. Một số khu vực sông Mississippi đã bị ô nhiễm nặng. Quá trình tách dầu và khí ở khu vực châu thổ cũng gây ra ô nhiễm. Điều này đã có tác động xấu đến một số loài động thực vật sinh sống tại khu vực đó.
Nông dân sinh sống dọc theo sông đã phải sử dụng phân bón hóa học để làm giàu cho đất canh tác, vì nó không còn được phù sa bồi đắp từ những lần sông gây lụt. Nitrat dư thừa từ phân bón hóa học được rửa trôi vào sông, khiến tảo và các loài thực vật khác phát triển. Thực vật sử dụng hết khí oxy có trong nước, khiến cho động vật sống dưới sông bị thiếu dưỡng khí. Nông dân cũng tháo hết nước ở các vùng đầm lầy bên cạnh sông để tăng diện tích đất canh tác của mình. Điều này có nghĩa là khi xảy ra lụt lội, không có đủ đất tự nhiên để thấm hút nước.
Trận lụt sông Mississippi năm 1993
Năm 1993 xảy ra chiều trận mưa bão lớn tại khu vực Trung Tây. Cả một vùng rộng lớn bằng nước Anh nơi hợp lưu của sông Ohio và Mississippi bị nhấn chìm trong nước, và hậu quả là hơn 1.000 đoạn đê bị vỡ. Phần lớn những con đê bằng bê tông do nhà nước xây dựng để bảo vệ các thành phố lớn vẫn đứng vững, trong khi 80% đê đập bằng đất đều bị vỡ. Tổng số có 50 người thiệt mạng và 75.000 người phải đi sơ tán. Nhiều khu trồng trọt rộng lớn bị tàn phá. Việc cho xây dựng đê và những biện pháp kiểm soát lũ khác khiến người dân cảm thấy an toàn, vì thế nhiều nhà ở và khu công nghiệp được xây dựng trên các đồng bằng ngập nước. Người dân cảm thấy an toàn nên nhiều người thậm chí không cần đóng bảo hiểm nhà, do vậy, họ đã mất trắng tay khi bị lũ tàn phá.
Tháng 4 năm 2001, một trận lũ khác đổ vào lưu vực sông Mississippi, nạn lụt gây thiệt hại nghiêm trọng thứ tư kể từ thảm họa năm 1993. Các kỹ sư giờ đã nhận ra rằng, chỉ riêng những biện pháp kỹ thuật thôi thì không thể ngăn nổi các trận lũ, và vì thế những biện pháp kiểm soát lũ cần phải phối hợp nhịp nhàng với quá trình biến đổi của sông không đi ngược lại các quá trình đó. Gần đây, có một số ý kiến cho rằng, cần khôi phục lại một số khúc sông cong để giảm tốc độ dòng chảy. Ở một số khu vực, nhiều kế hoạch được triển khai để ngăn diễn biến tiếp theo trên đồng bằng ngập nước. Nông dân được đền bù để một phần đất đai của họ được trả lại tình trạng đầm lầy, vì nếu sông chảy tràn nước, thì khu vực đất đầm lầy sẽ có tác dụng giống như bọt biển và thấm hút một phần nước thừa.