Khai thác rừng như thế nào?
Rừng thường được xem như là một quà tặng của thiên nhiên, là nơi để dạo chơi, là một công viên tự nhiên và trước tiên là một cánh đồng của cây cối. Rừng thuộc về một người chủ (là nhà nước đối với rừng công cộng hoặc một tập thể hay tư nhân).
Người trồng trọt trên cánh đồng lúa mì được trả công hàng năm cho sự khó nhọc của mình bằng những vụ mùa. Những người trồng rừng vì phải chi trả các phí tổn và không thể đợi thu hoạch sau vài trăm năm đã phải dự kiến một hệ thống khai thác khác. Người ta có thể chọn những loại cây phát triển nhanh như dương hoặc các loại thông và đợi…ba mươi hoặc năm mươi năm. Người ta cũng có thể khai thác rừng theo kiểu “bãi cây nhỏ” (taillis). Những bãi cây nhỏ, được hình thành bởi những cây thấp, mọc một cách tự nhiên và tự phát trên các gốc hay rễ, có thể được bán cứ 15 năm hoặc 20 năm một lần làm gỗ sưởi hoặc để làm giấy.
Những cây thuộc loại thông chỉ được tái tạo bằng cây giống, không thể khai thác được theo kiểu này. Rừng cũng có thể được khai thác theo kiểu “cây to” (futaie). Những rừng cây to được tạo nên bởi cây to có một giá trị lớn được trồng, gieo hạt hoặc tái sinh. Người ta có thể chia nó thành hàng trăm khoảnh và khai thác để bán hàng năm.
Có rất ít người chủ có thể cáng đáng được những chi phí duy trì và nuôi dưỡng rừng. Trên thực tế không chỉ có nuôi trồng mà còn phải duy trì dải đất trống phòng cháy và mở những con đường để công nhân, những người đốn củi, những người kéo gỗ ra vào khu khai thác.