LÝ ĐẠI CHIÊU, NGƯỜI TRUYỀN BÁ CHỦ NGHĨA MARX Ở TRUNG QUỐC
Lý Đại Chiêu – một trong những người sáng lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, sinh năm 1889 mất năm 1927, tên chủ là Thủ Thường, người ở Lạc Đình, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Thời trẻ ông học tập rất chăm chỉ, tiếp thu các loại tri thức, nghiền ngẫm chân lí cứu nước cứu dân. Năm 24 tuổi ông du học ở Nhật Bản, học ở khoa chính trị trường đại học “Hạn Đạo Điền”, bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa Marx. Năm 1916 sau khi về nước, ông từng làm các công việc: tổng biên tập Thần chung báo Bắc Kinh, giáo sư kinh tế học Đại học Bắc Kinh kiêm chủ nhiệm thư viện và biên tập của tạp chí Tân thanh niên, chủ biên Bình luận hàng tuần, Trung Quốc trẻ, tuyên truyền chủ nghĩa Marx; ông là người truyền bá chủ nghĩa Marx sớm nhất ở Trung Quốc.
Sau khi cuộc cách mạng tháng Mười năm 1917 ở nước Nga thắng lợi, Lý Đại Chiêu phát biểu bài “So sánh hai cuộc cách mạng Pháp – Nga”, lần đầu tiên trình bày một cách đúng đắn với nhân dân Trung Quốc tính chất xã hội chủ nghĩa của cách mạng tháng Mười. Ít lâu sau ông lại phát biểu trên Tân thanh niên hai bài: “Thắng lợi của nhân dân đen” và “Thắng lợi của chủ nghĩa Bolchevich”, vạch trần bản chất đế quốc của Đại chiến thế giới lần thứ nhất, ca ngợi thắng lợi của cách mạng tháng Mười, tuyên truyền chủ nghĩa Marx Lenin. Năm 1919 ông tham gia lãnh đạo phong trào Ngũ Tứ yêu nước. Sau đó Lý Đại Chiêu mở chuyên mục “Nghiên cứu Karl Marx” ở phụ trương của tờ Thần báo, và phát biểu luận văn “Nhận thức của tôi về chủ nghĩa Marx” trên báo Tân thanh niên, giới thiệu tương đối có hệ thống lí luận cơ bản của chủ nghĩa Marx.
Tháng 1 năm 1920, Lý Đại Chiêu và Trần Độc Tú ước hẹn với nhau cùng xây dựng đảng Cộng Sản Trung Quốc ở hai nơi, miền Bắc và miền Nam Trung Quốc. Tháng 3, Lý Đại Chiêu tổ chức “Hội nghiên cứu học thuyết Marx” ở đại học Bắc Kinh, tháng 9 lại tổ chức nhóm mác xít của Bắc Kinh, ông toan chỉ đạo các nơi xây dựng các nhóm mác xít, làm một khối lượng lớn các công việc tổ chức cho việc thành lập đảng.
Tháng 7 năm 1921 sau khi đảng cộng sản Trung Quốc thành lập, Lý Đại Chiêu làm công tác đảng ở khu vực miền Bắc, lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào quần chúng ở khu vực miền Bắc, là ủy viên trung ương từ khóa 2 đến khóa 4.
Để thúc đẩy Quốc Cộng hợp tác, từ năm 1922 trở đi, Lý Đại Chiêu đảm nhiệm trọng trách liên lạc với Tôn Trung Sơn Tổng lí Quốc Dân Đảng. Ông không nề gian khổ đã 4 lần vượt Trường Giang, 3 lần tới Thượng Hải, hai lần xuống Quảng Châu, đã đóng vai trò chính trong công việc giúp Tôn Trung Sơn xác lập ba chính sách lớn “Liên Ngã, Liên Cộng, giúp đỡ công nông” và cải tổ Quốc Dân Đảng. Tháng 1 năm 1924, trong đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Quốc Dân Đảng, ông được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Trung ương Quốc Dân Đảng với tư cách là đảng viên cộng sản. Được ít lâu, ông đại biểu cho đảng Cộng sản Trung Quốc tham gia đại hội đại biểu lần thứ 5 của Quốc tế cộng sản.
Tháng 4 năm 1927, Lý Đại Chiêu bị tướng quân phiệt Trương Tác Lâm bắt tại sứ quán Nga Xô Viết ở Trung Quốc. Ngày 28 tháng 4 năm 1927, đứng trước giá treo cổ của quân thù ông hô to: “Chúng bay có thể giết chết ta, song không thể giết chết được người Cộng sản!” Ông đã anh dũng hy sinh.