Lệnh cấm sử dụng Amiăng
đã khiến nhiều người thiệt mạng
Vào đầu thời kỳ xây dựng Trung tâm Thương mại Thế giới (Mỹ), các kỹ sư đã được lệnh cấm sử dụng amiăng làm vật liệu chống cháy. Nhưng nay, sau thảm họa đổ sập của toà tháp đôi vĩ đại, một số nhà khoa học tỏ ý hoài nghi về quyết định này: Phải chăng các vật liệu thay thế amiăng không thực sự hiệu quả trước thần lửa?
Amiăng là một loại khoáng silicat có sợi, được đặc biệt chú ý trong việc chống cháy vì nó có điểm nóng chảy cao và chống chịu tốt với ăn mòn hoá học. Khả năng dẫn nhiệt kém cộng với sự có mặt của các sợi khiến nó có thể tạo ra các vật liệu bền vững và dẻo dai.
Vào cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70, khi Trung tâm Thương mại Thế giới được khởi công, các nhà khoa học bắt đầu cho rằng sợi amiăng dùng làm áo cách nhiệt cho xà rầm thép có thể gây ung thư cho những người thường xuyên tiếp xúc với nó, đặc biệt là tại các hầm mỏ và các nhà máy chế biến amiăng. Lường trước một lệnh cấm, các kỹ sư xây dựng đã ngừng sử dụng vật liệu này khi toà tháp phía Bắc đạt tới tầng thứ 40. Và đến năm 1971, New York đã cấm hoàn toàn amiăng trong các công trình xây dựng.
Để thay thế “chất gây ung thư này”, vào thời điểm đó người ta đã sử dụng sản phẩm Blaze-Shield, không chứa amiăng, nhưng chứa nhiều khoáng sợi hơn. Các nhà khoa học thông báo rằng, thử nghiệm cho thấy vật liệu này chịu lửa không kém gì amiăng.
Nhưng, rủi thay, đó chỉ là các thử nghiệm trong các đám cháy thông thường, nơi giấy và các đồ gia dụng bốc hoả. Nhiệt độ ở đó thấp hơn nhiều so với đám cháy do một Boeing 767 khổng lồ chứa vài chục nghìn lít nhiên liệu gây ra. Việc “không thử nghiệm vật liệu mới trong các đám cháy quy mô lớn và mãnh liệt” là một sai lầm nghiêm trọng, không thể chấp nhận được.
Theo nhận định của các kỹ sư và nhà khoa học, ở tình huống như đã xảy ra hôm 11l9 tại New York, không một loại thép, amiăng hay vật liệu nào khác có thể ngăn ngừa được sự sụp đổ của toà tháp trong cái nóng ghê người và ngọn lửa dữ dội ấy. Tuy nhiên, điều ám ảnh họ là: Nếu amiăng được dùng làm vật liệu cách nhiệt trong toà nhà, có thể nó sẽ trụ vững lâu hơn nữa, đủ thời gian để có thêm nhiều người thoát ra ngoài. Và điều quan trọng hơn, thảm họa vừa rồi đã bộc lộ một chỗ trống trong hiểu biết của họ về vật liệu chống cháy.
Tiến sĩ Langer, người đã nghiên cứu ảnh hưởng của amiăng trong không khí, dù vẫn tin rằng quyết định thay thế vật liệu này là “đúng đắn vì nó dựa trên sức khỏe cộng đồng” cũng cảm thấy áy náy về hiệu quả chống cháy của vật liệu mới. Dù lập trường của mọi người như thế nào chăng nữa, từ thảm hoạ này người ta sẽ phải tìm ra các vật liệu hiệu quả hơn cho những cao ốc trong tương lai.
Trung tâm thương mại Thế giới chỉ được thiết kế để chịu được sự va chạm của một chiếc Boeing 707, loại máy bay phản lực lớn nhất thời bấy giờ. Đó là cú va chạm tốc độ chậm, do một máy bay mất phương hướng trong mây gây ra. Nhưng sau thảm họa vừa qua, người ta đã phải kinh ngạc trước sức bền của chúng: Hai toà tháp này đã kiên cường đứng vững khá lâu trước cú đâm xuyên tốc độ cao của loại máy bay lớn hơn nhiều, Boeing 767. Toà phía Nam trụ được 57 phút, còn toà phía Bắc trụ được 1h43 sau khi bị tấn công.
(Theo The New York Times)