La bàn cơ thể giúp rùa caretta định hướng di cư
Vừa chào đời, những chú rùa Caretta bé nhỏ đã nhanh chóng nhập vào lộ trình di cư dài vòng quanh vùng Bắc Đại Tây Dương. Nếu chúng lạc khỏi hệ thống hải lưu khép kín này, chắc chắn chúng sẽ chết. Nhưng, một “la bàn” trong cơ thể đã giúp chúng canh chính xác đường đi.
Và nhờ thế, chúng có thể sống sót nhiều năm trên biển, bắt đầu một vòng đời mới: sinh sản - di cư. Phát hiện này được một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Bắc Carolina, Mỹ, đưa ra mới đây, sau những nghiên cứu trên rùa biển Caretta, một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Về nguyên tắc, từ trường trái đất biến thiên từ điểm này sang điểm khác theo hai kiểu sau: Mạnh hơn ở gần hai cực và yếu hơn gần xích đạo; bề mặt từ trường gần như song song với bề mặt trái đất tại xích đạo và càng về hai cực càng uốn cong xuống thấp hơn. Như thế, tại các vị trí khác nhau trong hành trình của rùa, từ trường trái đất biến thiên liên tục. Bằng cách nào những sinh linh mới nở này nhận ra điều đó để bơi đúng hướng?
Kenneth J Lohmann và đồng nghiệp đã lần theo dấu vết của những chú rùa mới nở. Khi cuộc hành trình bắt đầu, chúng chỉ dài khoảng 5 cm và hoàn toàn không có khả năng tự vệ, chúng cũng chưa hề ra biển. Thí nghiệm cho thấy, khi thả rùa xuống bất kỳ vị trí nào trên chu trình Bắc Đại Tây Dương, theo từ trường tương ứng tại đó, chúng đều định vị chính xác đường đi.
“Kết quả này cho thấy rùa biển non có thể lợi dụng từ trường tại các điểm khác nhau giống như nhà đi biển lành nghề vậy”, Tiến sĩ Lohmann nói. Ông tin chắc trong cơ thể rùa Caretta phải có một cơ cấu với chức năng tương tự như của “la bàn”. Cơ cấu này giúp chúng phát hiện ra sự biến thiên của từ trường trái đất tại những nơi đi qua, và kịp thời điều chỉnh hành trình di cư.
Gian nan đường ra biển.
Ngoài việc định hướng, rùa biển Caretta còn phải đối mặt với rất nhiều rắc rối. Dù đã ra khỏi tổ, thoát khỏi nanh vuốt của cua biển, gấu, cáo, chồn, hay chó, nhưng chúng văn dễ dàng trở thành mồi ngon cho thú và chim biển, cua và cá săn mồi. Các nhà khoa học tin rằng đó chính là động cơ thúc đẩy chúng di cư khỏi chỗ ở đầu tiên.
Vùng nước gần bờ có thể rất nguy hiểm cho rùa non. Vì thế, chúng phải tiến hoá theo chiến lược đi xa khỏi các vùng tối 5 đến 10 năm đầu tiên là thời kỳ vô cùng khó khăn đối với chúng. Những con rùa lớn hơn có khả năng sinh tồn tốt hơn và có thể chống chọi với cá mập bằng cách sử dụng cái mai phẳng phiu của chúng. Cá mập là một trong số ít những kẻ thù mà rùa lớn gặp phải. Những con sống sót có thể thọ tới 50 tuổi hoặc lâu hơn nữa.
Tiến sĩ Lohmann và cộng sự tin rằng họ đã tìm được lời giải cho câu hỏi: Bằng cách nào rùa đáp ứng được với những biến đổi của từ trường trái đất. Nhưng những chiếc la bàn cơ thể này hoạt động như thế nào? Câu hỏi này đến nay vẫn còn là bí ẩn.
(Theo BBC)