Bí mật trong những chuyến bay dài của chim
Chim di cư có thể bay hàng nghìn cây số mà không cần dừng lại tiếp sức giữa đường. Đó là vì chúng đã nạp đầy nhiên liệu trước cuộc hành trình và bay theo hình chữ V.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Lund ở Thụy Điển đã tính toán tác động và khối lượng thức ăn lên quá trình trao đổi chất của loài chim nhỏ có tên red knot. Họ phát hiện ra rằng loài chim này bay hiệu quả hơn và lâu hơn khi mang theo một lượng lớn thức ăn dự trữ, lưu lại dưới dạng chất béo. Và như thế, trước mỗi hành trình dài ngày, thể trọng của chúng thường tăng gấp đôi so với bình thường.
Điều này đã làm thay đổi toàn bộ các quan điểm trước kia về chiến lược di cư của chim, theo đó, khi chúng càng béo và nặng nề, khả năng bay càng kém hiệu quả. Nó cũng có thể giúp giải thích tại sao chim thường thực hiện các chuyến bay dài không nghỉ, ngay cả khi chúng không phải vượt qua một đại dương hay sa mạc. “Vì khi nạp đầy năng lượng, chuyến bay dài ngày của chúng sẽ hiệu quả hơn nhiều người nghĩ”, Anders Kvist, trưởng nhóm nghiên cứu nói.
Đường bay của bồ nông
Ngoài yếu tố thức ăn, chim cũng bảo toàn năng lượng bằng cách bay theo hình chữ V. Trong một nghiên cứu độc lập đăng trên tạp chí Nature, các nhà khoa học Pháp nhận thấy khi bay theo hình chóp, nhịp tim và tần số vẫy cánh của chim bồ nông hạ xuống, tiết kiệm được 11-14% năng lượng so với chim bay đơn lẻ.
Họ cho rằng các chuyến bay theo định dạng này tạo ra một lợi thế về khí động học, cho phép chim giảm thiểu năng lượng mất mát, trong khi vẫn bay với tốc độ tương đương. Theo cách này, một dòng khí sinh ra sẽ giúp chúng lượn lâu hơn (và quá trình lượn lại tốn ít năng lượng hơn nhiều so với việc đập cánh thường xuyên).
Henri Weimerskirch, trưởng nhóm, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia ở Villiers en Bois, Pháp, nói: “Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy những con chim ở phía sau lượn nhiều hơn so với các con đầu đàn”.
(Theo Reuters, Nature)