MỌI NGƯỜI ĐỀU BÌNH ĐẲNG TRƯỚC PHÁP LUẬT
Pháp luật thừa nhận và bảo vệ quyền bình đẳng của mọi công dân trong quyền lợi và nghĩa vụ, không cho phép bất cứ ai có đặc quyền vượt trên luật pháp.
Quan điểm ''mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” có từ thời cổ đại Hy Lạp, nhưng phải đến thời kỳ cách mạng tư sản nó mới được nêu lên như một nguyên tắc quan trọng của pháp chế. Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền của nước Pháp năm 1789 đều đề cập tới nguyên tắc này. Giai cấp tư sản xác lập nguyên tắc pháp chế này là sự phủ định đối với những đặc quyền phong kiến, là bước tiến bộ to lớn trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Song, luật pháp của giai cấp tư sản xây dựng trên cơ sở của chế độ tư hữu, các gọi là ''bình đẳng trước pháp luật'' của nó che dấu một sự bất bình đẳng ghê gớm về địa vị kinh tế và xã hội giữa các thành phần trong xã hội. Còn pháp luật xã hội chủ nghĩa xây dựng trên nền tảng của chế độ công hữu, do đó, nguyên tắc cơ bản đó phản ánh và tập trung ý chí và quyền lợi của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo điều kiện để quần chúng nhân dân, với tư cách là chủ nhân đất nước, thực hiện được quyền bình đẳng trước pháp luật không chỉ trên hình thức mà cả trong thực tế.