THỜI KỲ 1511 - 1945
NGƯỜI BỒ ĐÀO NHA ĐẾN MELAKA (1511 - 1624)
Sau khi chinh phục được Goa, người Bồ Đào Nha đã phát hiện ra rằng không phải là Ấn Độ mà là vùng Đông Nam Á có thể làm giàu cho họ. Họ đã thu thập thông tín từ mọi người đi biển đến Goa và cuối cùng kết luận ''Ai cai trị được Melaka thì sẽ có đủ quyền điều khiển Venice''. Để tiếp cận được với sức mạnh của Melaka, một đoàn tàu viễn chinh đã được cử đến đó. Người dẫn đầu đã cử một viên đại uý lên bờ với bức thư của nhà vua Bồ Đào Nha và ít món quà dành cho vua Melaka. Đây là lần đầu tiên người Melaka nhìn thấy người châu Âu.
Vị tể tướng trong triều đã đứng ra nhận thư và quà. Lúc đầu những người mới đến được đối xử nồng hậu, nhưng tình hình thay đổi khi những người Ấn Độ và người Hồi giáo Ả Rập can ngăn nhà vua và tể tướng không nên tin vào người Bồ Đào Nha. Họ cho rằng người Bồ Đào Nha sẽ không thỏa mãn với phần lời của họ trong chuyện mua bán mà sẽ muốn lấy tất cả. Thế là một âm mưu được định ra để bắt những người Bồ Đào Nha và tấn công đoàn tàu. Tuy nhiên âm mưu bị bại lộ và người Malay đành bắt Ruy De Aranjo, một trong số các viên đại úy, cùng với hai mươi thủy thủ không có vũ trang đang mua bán trên bờ. Đoàn tàu không thể cứu được số người bị bắt và phải rời bến.
Sau đó người Bồ Đào Nha đã tập hợp một đoàn tàu gồm 18 chiếc và l.400 người, tiến thẳng đến Melaka vào ngày 1 tháng 7 năm 1511 để chiếm đóng và thành lập một chính quyền mới tại đây. Vua Mahmud Syah đã ra cáo lỗi và tìm cách trì hoãn thời gian để củng cố lực lượng. Người Bồ Đào Nha chờ đợi mãi và quyết định đốt một số nhà dọc theo bờ biển và tất cả các tàu buôn trong cảng ngoại trừ những tàu của Trung Hoa và Ân Độ.
Lúc này những tù nhân đã được thả ra, nhưng viên chỉ huy Bồ Đào Nha không thỏa mãn và ra lệnh tấn công thành phố. Cuộc tấn công bắt đầu ngày 25 tháng 7 năm 1511. Rất nhiều người bị thương và bị chết trong cuộc tấn công đó. Cuối cùng người Bồ Đào Nha phải rút lui, chở theo số người bị thương của họ. Cuộc tấn công đầu tiên thất bại.
Vài ngày sau người Bồ Đào Nha lại mở cuộc tấn công thứ hai và lần này Melaka rơi vào tay người Bồ Đào Nha, ngày 10 tháng 8 năm 1511. Vua Mahmud Syah cùng với gia quyến rút lui về Ulu Beltam, Pahang. Quân lính Bồ Đào Nha đã tiêu diệt mọi sự kháng cự còn lại của người Melaka. Những người Pegu ở Miến Điện và người Hindu đến từ mũi Cormorin được phép rời khỏi Melaka, nhưng phải để lại tất cả tài sản cho người Bồ Đào Nha. Người Bồ Đào Nha sau đó đã tịch thu tất cả các tài sản giá trị của hoàng gia và nhân dân Melaka, phá cung điện của nhà vua. Thế là tất cả vinh quang và bản sắc của Melaka đã tan biến sau một cuộc tấn công.
Để phòng bị quân sự, người Bồ Đào Nha đã cho xây pháo đài giữa vùng đất cao và sông Melaka. Hàng ngàn người bị bắt đi làm pháo đài. Những viên đá của các nhà thờ Hồi giáo bị phá hủy và phần mộ của các nhà quý tộc được dùng để xây tường pháo đài. Bên trong bức tường pháo đài người Bồ Đào Nha đã xây dựng các loại dinh thự cho một chính quyền riêng tại đây.
Người Bồ Đào Nha đã thành công trong việc chống trả lại mọi ý đồ lấy lại vùng đất bị chiếm đóng. Họ khuyến khích các nhà buôn mở lại việc giao thương. Họ gởi các phái đoàn ngoại giao đến Xiêm, Java, Trung Quốc và vùng đảo Moluccas. Magellan, người đầu tiên đi thuyền vòng quanh thế giới từ năm 1519 đến năm 1522 đã là một quan chức của viên chỉ huy Bồ Đào Nha tại đây. Từ đó người Bồ Đào Nha đã giữ đất Melaka trước sự tấn công của mọi kẻ thù ngoại bang trong suốt 130 năm và thành phố này vẫn tiếp tục là trung tâm mậu dịch ở phía Đông. Còn vua Mahmud thì xây dựng một đế quốc Johore-Rhio tại vùng đảo Rhio, Pahang và những phần đất còn lại của Melaka không bị người Bồ Đào Nha chiếm đóng. Mặc dù Melaka đã thất thủ, vua Mahmud và người con sau này là vua Ahmad vẫn tiếp tục cử quân đi đánh người Bồ Đào Nha trong thời gian từ 1511 đến 1526. Vua Mahmud qua đời năm năm 1528.
Người Bồ Đào Nha sau đó mở trạm giao dịch ở một số vùng của quần đảo Malay và ở Trung Hoa. Họ làm ăn thịnh vượng và các đoàn tàu của họ mạnh hơn bất kỳ đoàn tàu nào của châu Á lúc bấy giờ. Tuy nhiên, theo thời gian, họ không theo kịp sự tiến bộ về kỹ thuật đóng tàu trên thế giới, và sau đó các tàu của Bồ Đào Nha không địch lại các tàu của người Anh và người Hà Lan cũng đi về phương Đông. Trong thời gian ở đây, người Bồ Đào Nha được khích lệ lấy con gái bản xứ, và chẳng bao lâu đã có một cộng đồng Âu-Á ra đời. Ngày nay có những người lai Bồ Đào Nha ở Melaka và một số thị trấn khác ở Malaysia. Mặc dù người Bồ Đào Nha mất Melaka từ mấy thế kỷ nay, nhưng nhiều từ ngữ Bồ Đào Nha đến nay vẫn còn được người Malay sử dụng.
HÀ LAN CHIẾM MELAKA TỪ TAY BỒ ĐÀO NHA
Người Hà Lan vốn thân thiện với người Bồ Đào Nha. Tuy nhiên đến năm 1580 Bồ Đào Nha lại liên kết với Tây Ban Nha dưới triều vua Philip II, vốn lại là kẻ thù của Hà Lan. Ông ta đã cấm người Hà Lan đến các cảng của Bồ Đào Nha. Do đó họ phải tìm nguồn hàng phương Đông ở nơi khác, và đã quyết định tự đến thẳng phương Đông và cắt đứt quan hệ mua bán gia vị với Bồ Đào Nha. Người Bồ Đào Nha tìm cách ngăn cản các tàu buôn của Hà Lan đến Goa và Melaka, nhưng vô hiệu. Hơn nữa các tàu của Bồ Đào Nha không thể bì lại với những con tàu mới và trang bị tốt của Hà Lan. Ngoài ra, những người lãnh đạo của Indonesia thích tiếp đón người Hà Lan vì sự cạnh tranh giữa người Hà Lan và người Bồ Đào Nha sẽ có lợi về giá cả cho nước họ và họ có cơ hội để thu thêm tiền thuế.
Người Hà Lan dễ dàng cạnh tranh với người Bồ Đào Nha vì họ có thủy thủ giỏi hơn và tàu bè cải tiến hơn, giúp họ mang các loại gia vị về châu Âu với giá rẻ hơn. Năm 1602, Công ty Liên hợp Hà Lan Đông Ấn Độ được thành lập để hợp nhất tất cả các công ty của Hà Lan ở châu Á. Công ty này được cấp phép độc quyền của chính phủ Hà Lan và có sức ký các bản thỏa ước với các nhà cầm quyền địa phương. Tất cả các thương điếm ở vùng Đông Ấn Độ lúc bấy giờ đều về tay công ty này.
Năm 1605 lực lượng của Công ty chiếm đóng pháo đài của người Bồ Đào Nha tại Amboyna biến nơi đây thành sở hữu lãnh địa của họ ở quần đảo Malay. Lúc này người Hà Lan cảm thấy họ có thể chiếm đóng Melaka vì họ đã chiếm đóng Amboyna một cách dễ dàng. Năm 1606, người Hà Lan đã ký với vua Johor một thỏa ước với mục đích chiếm đóng Melaka. Tuy nhiên cuộc tấn công kết hợp giữa Hà Lan-Malay thất bại và Melaka tiếp tục nằm dưới quyền kiểm soát của người Bồ Đào Nha thêm 35 năm nữa. Người Hà Lan đã có mục tiêu chính là chiếm đóng Melaka. Họ muốn Batavia trở thành trung tâm mậu dịch duy nhất ở phía Đông, và để làm được điều này họ phải ngăn chặn công việc mậu dịch của người Bồ Đào Nha ở Melaka. Do đó, từ 1619 đến 1640, người Hà Lan, với quyền nắm giữ vùng biển, đã chuyển nhiều thương vụ mậu dịch từ Melaka đến Batavia. Tuy nhiên người Hà Lan cảm thấy có khả năng Melaka rơi vào tay một nước châu Âu khác và từ đó sẽ thành một điểm mậu địch đối đầu với Batavia. Cách duy nhất để ngăn chặn điều này là chiếm đóng Melaka và biến nó thành một tỉnh của Batavia.
Năm 1640 người Hà Lan liên minh với người Malay để vây hãm pháo đài Melaka và chặn đường tiếp tế lương thực vào đây. Người Hà Lan cũng dựng một số đại pháo hướng về bức tường pháo đài để dễ dàng tấn công người Bồ Đào Nha.
BỒ ĐÀO NHA DẦU HÀNG HÀ LAN (1641 - 1824)
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 14 tháng 1 năm 1641, Melaka rơi vào tay quân Hà Lan. Số chỉ huy của phía Bồ Đào Nha bị chết sau hai ngày của cuộc tấn công. Cuộc vây hãm Melaka của người Hà Lan kéo dài tám tháng và trong thời gian đó có 7.000 người dân Melaka thiệt mạng và gần 10.000 người khác rời bỏ Melaka. Phía Hà Lan bị thiệt mạng 1.500 người, phía Bồ Đào Nha bị thiệt hại 200 lính và và 500 lính khác chết vì dịch sốt rét. Sự thất bại này của người Bồ Đào Nha đã đánh dấu sự cáo chung của quyền lực của họ tại Melaka.
Melaka sau khi bị người Hà Lan chiếm đóng phải phục vụ cho Batavia như một thương điếm phụ nhằm giữ chân các đối thủ của Hà Lan ngoài vùng eo biển Melaka, và làm trung tâm thu gom các loại hàng hóa của vùng bán đảo Malay, đặc biệt là thiếc. Người Hà Lan chẳng quan tâm gì lắm đến người Malaya và để cho vương quốc đồng minh của họ, Johor-Rhio, bị suy sụp. Năm 1800, nhiều quốc gia trong vương quốc rộng lớn này nổi lên và giữ quyền độc lập.
Dưới thời của người Bồ Đào Nha, bất kỳ tôn giáo nào ngoài đạo Cơ đốc La Mã đều bị cấm đoán. Còn với người Hà Lan thì rộng rãi hơn về mặt này. Tuy nhiên họ cũng bảo thủ cho đạo Cơ đốc cho đến năm 1695. Mặt khác, là những nhà buôn, người Bồ Đào Nha cũng chẳng cảm thông gì đối với những ảnh hưởng cạnh tranh đối với mình. Vì thái độ này, người Trung Hoa đã đổi hướng, và việc giao thương đang phồn thịnh với Melaka bắt đầu suy giảm, số người Hoa ở Melaka cũng rút đi nhiều.
NGƯỜI HÀ LAN ĐẦU HÀNG NGƯỜI ANH Ở MELAKA (1824 - 1941)
Vào khoảng đầu thế kỷ thứ 18 người Bugis bắt đầu đến nhiều ở Malaya. Người Hà Lan không hề can thiệp gì với người Bugis và để cho vương quốc Johor-Riau rơi vào tay họ. Chỉ đến khi người Bugis trở thành đối thủ mậu dịch với họ trong việc mua bán thiếc thì người Hà Lan mới bắt đầu ra tay. Năm 1784, người Hà Lan chiếm Riau, kinh đô của vương quốc, và biến Johor-Riau thành thuộc địa của Hà Lan. Mặc dù Melaka vẫn thu hút sự chú ý của các nhà buôn, Riau bây giờ giữ vai trò then chốt ở vùng eo biển Melaka. Người Anh đã thâm nhập vào khu vực này, đặc biệt là trong cuộc chiến với người Hà Lan từ năm 1781 đến 1783, và đã thành công trong việc lôi kéo một số nhà cai trị địa phương về phía họ. Họ cũng đã đặt cơ sở tại đảo Penang vào năm 1786.
Cuộc Cách mạng Pháp đã tuyên bố chiến tranh với nước Anh năm 1793 và Phong trào ái quốc Cách mạng Hà Lan đã mời họ đến vào năm 1795 để tấn công vua Hà Lan, người đang tìm kiếm sự che chở của Anh. Do đó những thuộc địa của Hà Lan ở nước ngoài phải tự lo liệu lấy vì không trông chờ gì được vào chính phủ mẫu quốc. Bởi vậy chính quyền Anh đã quyết định chiếm lấy tất cả các thuộc địa của Hà Lan để khỏi rơi vào tay người Pháp.
Ngày 15 tháng 8 năm 1795, một lực lượng của quân Anh đã vào lấy Melaka từ tay chính quyền Hà Lan. Mặc dù có sự chống đối khi bàn giao Melaka nhưng việc này cũng không dẫn đến thái độ thù địch giữa hai lực lượng Melaka vẫn tiếp tục được cai trị bởi người Hà Lan, nhưng dưới sự giám sát của một viên thống sứ người Anh.
Theo Hiệp ước Vienna năm 1814, Melaka được trả lại cho Hà Lan vào ngày 21 tháng 9 năm 1818, nhưng lại được hoàn lại cho người Anh vào ngày 17 tháng 3 năm 1824 theo Hiệp ước Luân Đôn.
Phá hủy Pháo đài Melaka
Người Anh ở Penang biết rằng Melaka sẽ phải trả lại cho Hà Lan khi nước này được tự do sau chiến tranh. Nhưng họ lại miễn cưỡng trong việc giao trả lại Melaka vì e rằng nó sẽ gây nguy hại đến sự phát triển của của họ ở Penang. Do đó họ đã quyết định phá hủy tên tuổi và ảnh hưởng của Melaka bằng cách chuyển công việc mậu dịch từ Melaka đến Penang, phá hủy pháo đài Melaka và di chuyển 15.000 người dân ở đó đến Penang. Làm như vậy, Melaka sẽ không trở thành đối thủ về mậu dịch của Penang khi nó được trả lại cho người Hà Lan. Thứ hai là trong trường hợp họ cần tấn công Melaka trong tương lai, ở đó sẽ không có pháo đài để ngăn trở họ.
Chính quyền ở Penang đã hạ lệnh phá hủy pháo đài Melaka vào năm 1807 và gần như hoàn tất năm 1808. Tuy nhiên Stamford Raftles, người đã đến làm thư ký trợ lý ở Penang lúc đó đang nghỉ bệnh ở Melaka đã tìm cách ngăn trở công việc này. Stamford rất thích thành phố cổ Melaka và rất quan tâm đến con người, ngôn ngữ, lịch sử và phong tục của Malay. Cuối cùng Raffles chỉ giữ lại được chiếc cổng của pháo đài Melaka, hiện vẫn còn cho đến ngày nay. Việc phá hủy pháo đài Melaka tiêu tốn 70.000 bảng Anh và huy động đến mấy trăm công nhân.
Sự Suy tàn của Melaka
Nền kinh tế Melaka bắt đầu suy sụp từ giữa thời kỳ người Hà Lan chiếm đóng, khi thành phố này bị suy thoái thành một dạng nhà kho của Batavia. Việc bàn giao Melaka cho người Anh còn làm cho tình hình tệ thêm nữa vì chính sách của họ lúc bấy giờ là phá hủy Melaka để nó khỏi cạnh tranh với Penang. Tuy nhiên, khi Melaka được giao lại cho người Anh lần thứ hai vào năm 1824, họ đã tìm cách làm phát triển lại thành phố này, nhưng không được thành công cho lắm. Phạm vi của Melaka bị thu hẹp lại và việc sản xuất từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên như vàng và thiếc, đã đi xuống. Chính quyền nước Anh đã hạn chế sự phát triển của Melaka và người dân địa phương thì không đủ nguồn lực để chống lại sự suy thoái về kinh tế. Cảng Melaka không còn sầm uất nữa vì nó đã mất sức thu hút đối với các nhà buôn.
Vùng Định Cư Eo Biển (1826)
Năm 1826, Penang với tỉnh Wellesley, Melaka và Singapore được nhập với nhau để hình thành Vùng Định Cư Eo Biển. Penang là nơi có dân định cư lâu đời nhất, làm thủ đô. Qua thời gian, Melaka suy thoái về ảnh hưởng nhưng Penang thì lại phát triển dần. Tuy nhiên Singapore đã phát triển về dân sô và mậu dịch đến độ năm 1832 thủ đô được dời về đấy. Vùng Định Cư Eo Biển nằm dưới sự kiểm soát của một bộ phận chính quyền đóng ở Calcutta. Tuy nhiên đến năm 1867 Vùng Định Cư Eo Biển được tách khỏi Ấn Độ và trở thành một thuộc địa riêng dưới sự kiểm soát của Văn phòng Thuộc địa ở Luân Đôn.
SỰ THÀNH LẬP PENANG (1786)
Công ty Đông Ấn Độ đang tìm một nơi thích hợp ở vùng eo biển Melaka để làm cảng ghé cho những chiếc tàu của họ trên đoạn đường dài giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Họ cần tìm một hải cảng để thay thế Melaka của người Hà Lan, để làm trung tâm mậu dịch của vùng Malay. Công ty này đã chọn Kedah để làm trạm trong vùng biển Malaya. Năm 1785, Công ty đã có một thỏa thuận với vua Kedah, theo đó Công ty sẽ giữ đảo Penang với một khoản phí thuê đất hàng năm và sự trợ giúp nhà vua chống lại các kẻ thù, chẳng hạn như người Xiêm ở phía Bắc và người Bugis ở Selangor.
Penang chẳng bao lâu sau đã trở thành một nơi định cư đông đúc vì các nhà buôn người Trung Hoa và người Ấn Độ đã nhanh chóng thấy được những ích lợi của việc đến Penang vì đây là một cảng tự do và không bị đánh thuế cao. Dân số ở đây tăng từ 1.000 người năm 1788 lên đến 12.000 người năm 1804, trong đó người Malay chiếm phần lớn, sau đó đến người Ấn Độ và người Trung Hoa.
CÁC NƯỚC LIÊN BANG MALAY (1896)
Người đứng đầu Vùng Định Cư Eo Biển đã đến đây vào năm 1873 và trong vòng một năm ông đã đưa các bang Perak, , Selangor và Sungei Ujong vào dưới sự bảo hộ của chính quyền Anh. Các nhà cai trị địa phương đã ký kết các thỏa ước trong đó họ đồng ý công nhận một viên công sứ người Anh để làm cố vấn cho mọi vấn đề, ngoại trừ lĩnh vực tôn giáo và tập quán của Malay. Đến năm 1888 sự bảo hộ của người Anh đã được đặt tại Pahang.
Trước khi nằm dưới sự bảo hộ của người Anh, các nước Malay còn lạc hậu và chưa phát triển. Không có hệ thống chính quyền và mỗi một thủ lĩnh cai trị vùng đất của mình như một lãnh chúa phong kiến. Ông ta thu thuế và tiêu xài. Không có đường sá, dinh thự công cộng, trường học hay tòa án. Khi các công sứ của Anh đến Perak, Selangor, Sungei Ujong và Pahang, họ đã cùng với sự giúp sức của người dân địa phương thành lập một chính quyền. Lúc đầu có sự phản kháng và khó khăn, nhưng rồi các viên công sứ cũng đã vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 1889, Swettenham đến nhậm chức công sứ ở Perak, nhận thấy rằng nếu như bốn nước Perak, Selangor, Negeri Sembilan và Pahang hợp lại thành một liên bang thì sẽ rất tiện cho việc phát triển. Chính quyền Vùng Định Cư Eo Biển đã trao quyền cho ông thành lập liên bang này. Những nhà cai trị Malay và dân chúng cũng chấp nhận ý kiến này và năm 1896 bốn nước Malay dưới sự bảo hộ của chính quyền Anh trở thành Liên bang Các nước Malay. Kuala Lumpur được chọn làm thủ đô của Liên bang.
Sau khi Liên bang được thành lập đã có rất nhiều tiến triển. Dân số của bốn nước tăng từ 424.000 năm 1891 lên đến 860.000 năm 1905. Malaya trở thành nơi cung ứng thiếc chủ yếu cho thế giới. Sau năm 1900, các đồn điền cao su được mở ra khắp nước, đem lại thịnh vượng cho người dân. Lợi nhuận từ thiếc, cao su và những sản phẩm khác tạo nguồn tiền cho chính quyền xây dựng đường sá, cầu cống, đường sắt, trường học và bệnh viện.
CÁC NƯỚC MALAY KHÔNG LIÊN BANG
Năm 1906 có cuộc bùng nổ về nhu cầu cao su vì xe hơi đã được phát minh và người ta cần cao su để chế tạo bánh xe ở khắp các nhà máy trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Giá cao su lên đều đều và ngành trồng cao su trở thành một ngành công nghiệp quan trọng ở Malaya.
Do đó người Anh muốn đưa phần còn lại của Malaya vào sự kiểm soát của mình và họ muốn xác định một biên giới giữa Xiêm và các nước Malaya thuộc Anh. Một hiệp ước đã được ký với Xiêm năm 1909 và Kelantan, Terengganu, Kedah và Perlis được đưa vào sự bảo hộ của chính quyền Anh. Những nước này hình thành một nhóm riêng, được gọi là Các nước Malay Không Liên bang. Năm 1914, Johor ký với Anh một thỏa ước, chấp nhận công sứ của Anh đến nước này và cũng trở thành một Nước Không Liên bang.
Như vậy, sau năm 1914, Malaya được chia thành 3 đơn vị chính trị:
Vùng Định Cư Eo Biển là thuộc địa của Anh, bao gồm Singapore (có cả đảo Christmas và đảo Cocos), Penang và tỉnh Wellesley, Melaka và Labuan.
Các nước Liên bang Malay, bao gồm Perak, Selangor, Negeri Sembilan và Pahang.
Các nước Không Liên bang Malay, bao gồm Kelantan, Terengganu, Kedah, Perlis và Johor.
THẾ CHIẾN THỨ l (1914 - 1918)
Chiến tranh nổ ra ở châu Âu vào năm 1914 giữa một bên là Đức và một bên là Anh và các nước đồng minh. Chiến sự lan tràn từ nước nọ sang nước kia cho đến khi gần như cả thế giới vào cuộc. Tuy nhiên Malaya bị ảnh hường rất ít bởi Thế chiến thứ I vì nhiều lý do. Trước hết, Pháp và Nhật là đồng minh của Anh, do đó Malaya được hưởng sự bảo hộ của những nước thân thiện, từ người Anh ở Ấn Độ đến người Pháp ở Đông Dương. Thứ hai, người Hà Lan đứng trung lập nên Malaya không có gì để e ngại đối với Ấn Độ và các vùng lân cận thuộc Hà Lan. Thứ ba, không có một căn cứ nào của quân Đức ở gần để để tấn công hay xâm chiếm đất nước.
Malaya tiếp tục sản xuất cao su và thiếc để gởi cho quân Đông minh. Mặc dù Thế chiến thứ I là một sự kiện khá xa vời đối với Malaya, nhưng người dân ở đây cũng chia sẻ nỗi kinh hoàng khi chiến hạm Emden của Đức đánh đắm một chiến hạm Nga và một tàu phóng ngư lôi của Pháp ở Penang năm 1914. Thêm vào đó và cuộc nổi dậy của một binh đoàn Ấn Độ ở Singapore vào tháng 2 năm 1915.
THẾ CHIẾN THỨ II (1941 - 1945)
Ngày 13 tháng 12 năm 1941 quân Nhật đã đến Kedah và đã bất đầu cuộc tiến công Singapore. Quân lực Nhật đổ bộ bên Singapore vào ngày 8 tháng 2 và Singapore đã đầu hàng ngày 15 tháng 2 năm 1942.
Người Nhật đã đặt chế độ quân quản ở Malaya, kéo dài trong thời gian bốn mươi hai tháng. Cuộc chiếm đóng này là một sự đè nén đối với hầu hết dân chúng. Sự chiếm đóng của người Nhật chấm dứt khi họ đầu hàng vào tháng 8 năm 1945.
Lực lượng của người Anh dưới sự chỉ huy của Louis Mountbatten đã tái chiếm đóng Malaya vào ngày 5 tháng 9 năm 1945 và một bộ chỉ huy quân sự của Anh đã được thành lập tại đây để điều hành đất nước.