Tài liệu: Malaysia - Thời kỳ tiền sử

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Malaysia bao gồm bán đảo Malaysia, vùng đất cực Nam của châu Á, và các bang Sabah và Sarawak, nằm cách đó 530km về phía Đông, xuyên qua biển Đông ở Bắc Borneo.
Malaysia - Thời kỳ tiền sử

Nội dung

THỜI KỲ TIỀN SỬ

            Malaysia bao gồm bán đảo Malaysia, vùng đất cực Nam của châu Á, và các bang Sabah và Sarawak, nằm cách đó 530km về phía Đông, xuyên qua biển Đông ở Bắc Borneo.

            Thời kỳ tiền sử của Malaysia bắt đầu với những dấu vết được biết đến của con người khoảng 40 thiên niên kỷ về trước, và kéo dài cho đến ngày thành lập vương quốc Melaka vào năm 1400, thời điểm được coi như bắt đầu cho thời kỳ tín sử. Vì có rất nhiều tài liệu đã viết về Melaka, nên thời kỳ lâu dài trước nó, tức là thời kỳ tiền sử vẫn còn bị lu mờ. Việc nghiên cứu lịch sử cổ đại của Malaysia đã bị tác động bởi hai yếu tố, đó là địa lý tự nhiên và khí hậu. Những nhà nghiên cứu có khuynh hướng tập trung việc tìm hiểu của họ, hoặc là vào vùng Bán đảo, hoặc là các bang Sabah và Sarawak, dẫn đến kết quả không được toàn diện về thời kỳ tiền sử của Malaysia. Khí hậu khô nóng của Malaysia cùng với rừng mưa nhiệt đới dày đặc đã chẳng để lại di vật gì ngoài các loại đồ đất, đồ đá và dụng cụ kim loại của những thời kỳ trước. Hầu hết những di vật này, kể cả các phần mộ, đã được tìm thấy trong môi trường được bảo vệ của các hang động. Những di vật kiến trúc duy nhất còn sót lại là nền đá của những tòa nhà từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 13 của thời kỳ vương quốc ở Kedah và ở Santubong thuộc Sarawak.

            Dấu tích xưa nhất về sự cư ngụ của con người tại Sarawak là chiếc sọ người 38.000 ngàn năm ở hang Niah, trong khi dấu tích lâu đời nhất ở vùng Bán đảo là một bộ xương 11.000 ngàn năm ở Gua Gunung Runtuh thuộc Perak. Những di vật lâu đời nhất ở Kota Tam pan, Perak là những chiếc ghế đẩu bằng đá thời kỳ Đồ đá Cũ, có niên đại 34.000 ngàn năm về trước; trong khi đó di vật cổ nhất ở Tingkayu, Sabah là những dụng cụ bằng đá được chế tạo cách đây 28.000 và 18.000 năm. Cuộc sống săn bắt và hái lượm của con người ở đây đã thay đổi đột ngột khoảng 5.000 năm trước đây khi họ biết chế tác các vật dụng bằng đồ đá mài và các loại đồ đất. Những chứng tích về nền văn hóa thời kỳ Đồ đá Mới có thể được tìm thấy độc lập hoặc chen lẫn trong các điểm Đồ đá Giữa, tại các hang động Niah ở Sarawak, tại Gua Cha ở Kelantan và Gua Kechil ở Pahang.

            Các điểm khai quật của thời kỳ đồ Kim loại ở vùng Bán đảo đều tập trung ở phía Bắc, chỉ trừ ngoại lệ là việc khám phá chiếc chuông đồng ở Muar, Johor (thuộc miền Nam). Những phát hiện ở bờ biển phía Đông thường nằm gần các  vùng khai thác vàng, trong khi những phát hiện ở bờ biển phía Tây thường gần các vùng khai thác thiếc. Nền văn hóa thời kỳ đồ Kim loại cũng được tiêu biểu bằng các món đồ sắt, trong đó có các dụng cụ có tay cầm dài mà người Malay gọi là tulang mawas, hoặc xương loài hầu, chỉ được tìm thấy ở vùng Bán đảo Malaysia. Sự hiện diện của đồ đồng ở miền Bắc Việt Nam đã cho những bằng chứng hiển nhiên về việc đi biển tầm xa và việc thành lập các mối giao thương đường biển với lục địa Đông Nam Á. Những chuỗi hạt Ấn Độ được tìm thấy trong những di chỉ thời kỳ đồ Kim loại như ở Kuala Selingsing và Changkat Menteri - cả hai đều thuộc Perak - là những bằng chứng của mối giao thương với vùng Nam Á.

THỜI KỲ CƠ SỞ MALAYSIA

            Vương quốc sớm nhất được xác định ở vùng thung lũng Bujang thuộc Kedah đã có từ thế kỷ thứ 5, trong khi đó một xã hội có tổ chức đã được thành lập ở Santubong, Sarawak và một cái nữa ở Chitu thuộc Kelantan vào thế kỷ thứ 7. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 14, việc định cư đã được hình thành ở Johor, Perak, Pahang, Kelantan và Terengganu. Những mối quan hệ ngoại giao với Trung Hoa và việc giao thương với Trung Hoa và Ấn Độ cũng như với các nước khác ở Đông Nam Á đã được thiết lập từ thời kỳ vương quốc đầu tiên. Những đi tích tìm được ở thung lũng Bujang và thung lũng Kinta ở Perak, và ở Santubong đã cho thấy những bằng chứng là đạo Hindu và đạo Phật đã có ảnh hường rất lớn đối với nền văn hóa Malaysia cho đến thế kỷ thứ 14. Trong cùng thời đó, nền văn hóa cự thạch đã được tìm thấy ở thung lũng Bernam vùng Perak và ở Sabah và Sarawak. Bằng chứng xác thực đầu tiên về một xã hội có tổ chức là một hòn đá có khắc chữ năm 1301 được tìm thấy ở Terengganu.

SỰ ĐỊNH CƯ BAN ĐẦU

            Maiaysia và một trong những ngôi nhà đầu tiên của loài người. Các dụng cụ bằng đá tìm thấy ở Lenggong thuộc Perak và những phát hiện đáng kể ở hang Niah tại Sarawak đã cung cấp bằng chứng cho sự kiện này. Những con người đầu tiên thuộc cư dân Malaysia là người Orang Asli của vùng Bán đảo và những người như người Penan của Sarawak và người Rungus của Sabah. Sự hiện diện của họ trong nước có lẽ đã từ hơn 5.000 năm về trước. Những người định cư đầu tiên này có lẽ là những người tiên phong di dân về phía Nam từ Trung Hoa và Tây Tạng qua lục địa Đông Nam Á và Bán đảo Malay để đến quần đảo Indonesia. Những cư dân Malay đầu tiên, hay còn gọi là người Proto-Malay, có lẽ đã định cư tại đây từ trước năm 1000. Họ là đại biểu của làn sóng thứ hai và thứ ba trong phong trào di dân. Sự di dân này được tiếp nối bởi những làn sóng nhập cư khác chẳng hạn như của người Deutero-Malay sau đó vài thế kỷ. Họ được trang bị với các kỹ thuật làm nông tiên tiến hơn và những kiến thức mới về kim loại. Những người Malay cũng lan tràn ra các đảo trong quần đảo, hình thành những cộng đồng độc lập, từ đó tạo thành mô hình dân tộc phức tạp và đa dạng của Malaysia và Indonesia.

            Người Malay ở Bán đảo có mối quan hệ gần gũi nhất với người Malay ở Sumatra, qua nhiều thế kỷ eo biển Melaka không làm thành đường ngăn cách giữa hai quốc gia mà ngược lại làm một thứ hành lang kết nối những phần khác nhau của cùng một gia đình. Người Malay cùng với người Orang Asli hình thành người bản xứ của Malaysia ngày nay, và được mệnh danh là ‘những người con của đất’, hay Bumiputera. Ngoài những khác biệt giữa các nhóm Bumiputera khác nhau, họ đều có những đặc điểm chung, làm thành đặc trưng của nền văn hóa bản xứ Đông Nam Á. Những đặc điểm này bắt nguồn từ nền kinh tế ruộng-biển và được phán ánh trong một xã hội làng mạc trong đó sự lãnh đạo hầu như đều thông qua sự đồng tâm nhất trí của mọi người. Mặc dù nền văn hóa của người Malay có thể bị che phủ bởi đạo Hindu, và sau đó khỏa lấp bởi đạo Hồi, những yếu tố của nền văn hóa cơ bản vẫn còn tồn tại.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2002-02-633471464655937500/Lich-su/Thoi-ky-tien-su.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận