ĐẠI HỌC HOA KỲ TẠI ROME (AUR)
Được thành lập năm 1969, Trường Đại học Hoa Kỳ tại Rome là cơ sở giáo dục đại học lâu đời nhất tại thành phố này.
Mỗi học kỳ nhà trường thu nhận từ 450 đến 500 sinh viên, đến từ Italia và nhiều nước khác trên thế giới. Trong năm học 2003-2004, số sinh viên học tại đây xuất thân từ 35 quốc gia khác nhau, trải ra trong khắp 5 châu lục.
Mục tiêu của Trường là cung ứng một nền giáo dục đại học có chất lượng xuất sắc và xúc tiến sự trao đổi liên văn hóa. Nhà trường đã hỗ trợ cho sự thành đạt về học thuật của các sinh viên, và tiến hành giảng dạy theo một chương trình được thiết kế nhằm đạt những chuẩn mực cao về giáo dục, đảm bảo cho sinh viên một môi trường học tập năng động, với một tỉ lệ lớn về giáo viên so với sinh viên.
Hiện nay Đại học Hoa Kỳ tại Rome có chương trình ở cấp đại học, với 6 ngành học khác nhau.
CÁC NGÀNH HỌC CỦA NHÀ TRƯỜNG
Ngành Văn học & Nhân văn
Ngành Nghiên cứu Kinh doanh
Ngành Truyền thông và Tiếng Anh
Ngành Quan hệ Quốc tế
Ngành Nghiên cứu Tiếng Italia
Ngành Toán & Khoa học
THỦ TỤC TUYỂN SINH
Việc tuyển sinh vào Trường mang tính cạnh tranh rất cao. Hồ sơ của các ứng viên sẽ được xem xét bởi một ủy ban tuyển sinh. Việc tuyển sinh này không phân biệt tuổi tác, dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, quốc tịch, hay người bị thiểu năng. Ứng viên trúng tuyển vào Trường phải có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học hay tương đương.
Hồ sơ dự tuyển bao gồm: .
+ Một đơn xin dự tuyển, kèm theo 50 Euro lệ phí tuyển sinh
+ Sổ điểm cấp trung học
+ Một thư giới thiệu của hiệu trưởng hay giáo viên phụ trách đã dạy ứng viên đó
+ Một bản tường trình dài từ 200 đến 500 chữ, nêu rõ lý do vì sao ứng viên chọn học tại Trường. Trong bản tường trình này ứng viên có thể nêu lên bất kỳ vấn đề gì cần thu hút sự chú ý của ủy ban tuyển sinh.
Các ứng viên sẽ được xem xét từng trường hợp một. Những tiêu chí mà ủy ban tuyển sinh quan tâm nhiều nhất trong quá trình xét tuyển là: khả năng lãnh đạo, động cơ học tập, trình độ học thuật, mức độ khó của chương trình trung học mà ứng viên đã trải qua, việc tham gia vào các hoạt động xã hội và tiềm năng phát triển của ứng viên đó.
HỌC PHÍ
Học phí và các khoản lệ phí khác, được tính bằng đồng Euro:
Phí hoạt động và công nghệ /học kỳ : 180
Phí đăng ký lần đầu : 55
Học phí/học kỳ : 5.460
Lệ phí du khảo : 1.365
Học phí ngoài giờ/khóa học : 800
Phí kiểm toán/khóa học : 90
Phí tốt nghiệp : 5
Những khoản phí này, nếu được trả bằng thẻ tín dụng, sẽ phải tính thêm mức phụ phí 2,5%.
HỌC BỔNG
Học bổng hội ái hữu AUR
Nhà trường dành một số học bổng cho các sinh viên gặp khó khăn về tài chính và có thành tích xuất sắc trong học tập. Trị giá mỗi học bổng sẽ không vượt quá mức học phí mà sinh viên phải nộp.
Sinh viên muốn xin cấp phát học bổng này cần nộp cho nhà trường những hơ sơ sau đây:
+ Đơn xin cấp phát học bổng (theo mẫu trên website của nhà trường)
+ Giấy xác nhận tình hình tài chính của gia đình sinh viên
+ Một lá thư xin học bổng gửi cho ủy ban Học bổng
Học bổng này được cấp theo từng học kỳ. Để có thể duy trì học bổng cho học kỳ tiếp theo, sinh viên cần đạt điểm trung bình tối thiểu là 3,0.
Học bổng của tổ chức Sons Of Italy
Học bổng này chỉ dành cho các sinh viên người Mỹ gốc Italy.
Học bổng của tổ chức quốc gia Italy Hoa Kỳ
Mỗi năm tổ chức này dành ra 2 học bổng để cấp phát cho những sinh viên có điểm thi GPA và là người Mỹ gốc Italia hoặc đang theo học các ngành về ngôn ngữ và văn hóa Italia.
Học bổng có trị giá từ 2.000 USD đến 5.000 USD.
Sinh viên muốn xin cấp học bổng cần nộp những hồ sơ:
+ Đơn xin học bổng (nộp trực tuyến)
+ Bản đánh giá học tập của giáo viên (nộp trực tuyến)
+ Bảng điểm (nộp qua đường bưu điện)
Sinh viên có thể nộp hồ sơ và xem thêm chi tiết trên website www.niaf.org/scholarships.
MỘT SỐ CHUYÊN NGÀNH CỦA TRƯỜNG
KINH DOANH
Trong chuyên ngành Kinh doanh, sinh viên sẽ học các môn học chính sau đây:
Các Nguyên lý Kinh doanh
Môn học bao gồm lịch sử và xuất xứ của các hệ thống kinh doanh, các hình thức khác nhau của việc sở hữu cá nhân và sở hữu tập thể, các chức năng trong một cơ sở kinh doanh (tiếp thị, tài chính, điều hành, v.v...).
Luật Kinh doanh
Môn học cung ứng cho sinh viên những khái niệm về tác động của pháp lý, đạo đức và qui tắc trong một tổ chức kinh doanh. Những chủ đề cụ thể trong môn học này bao gồm: lý thuyết về pháp lý, luật hợp đồng, các hình thức kinh doanh, qui định tuyển dụng lao động và tài sản trí tuệ.
Dẫn luận về Kinh doanh Quốc tế
Giới thiệu về các khía cạnh của kinh doanh quốc tế. Các chủ đề cụ thể bao gồm: nền tảng kinh doanh quốc tế, lý thuyết về thương mại và đầu tư, môi trường tài chính thế giới, mối quan hệ giữa các chính quyền, v.v...
Luật Kinh doanh Quốc tế
Cung cấp các khái niệm về luật kinh doanh trên toàn cầu, cùng với những qui định dành cho các tổ chức kinh doanh tư nhân và những cá nhân đứng ra giao dịch kinh doanh.
Thương mại Điện tử
Môn học liên ngành này chú trọng vào các mặt: kinh tế, pháp lý, kỹ thuật và tài chính. Các chủ đề bao gồm trang web như một thị trường ảo, cơ sở pháp lý cho dạng thương mại này, cùng với những tiêu chí an toàn trong thanh toán và những loại thuế gián tiếp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử.
Các Tổ chức Kinh tế Quốc tế
Sinh viên sẽ học về các cấu trúc, cơ chế điều hành, và những điểm được qui định bởi luật pháp dành cho các tổ chức này.
Thực tập về Kinh doanh Quốc tế
Một kỳ thực tập kéo dài 135 giờ sẽ được tiến hành với sự giám sát của các giáo viên. Sau đợt thực tập này sinh viên sẽ viết báo cáo tường trình về những điểm đã thực hành được.
ĐIỆN ẢNH
Trong chuyên ngành Điện ảnh, sinh viên sẽ học các môn học chính sau đây:
Lịch sử Điện ảnh
Lịch sử điện ảnh đan xen với lịch sử thế giới. Môn này sẽ khảo sát về lịch sử điện ảnh thế giới, chú ý đến những nhân vật nổi bật đã giúp phát triển ngành nghệ thuật này, cùng với những ảnh hưởng xã hội đã góp phần định hình sự nghiệp của họ.
Các Thể loại Điện ảnh
Các thể loại điện ảnh được phát triển qua thời gian và có liên quan mật thiết với nền văn hóa nuôi dưỡng nó. Trong môn này, sinh viên sẽ học về lịch sử các thể loại điện ảnh của Mỹ như phim nhạc, phim kinh dị, phim đen, phim viễn Tây, v.v...
Văn hóa Mỹ trong Điện ảnh
Môn này sẽ khảo sát về những vấn đề mà điện ảnh phản ánh cũng như làm thay đổi các mặt xã hội, chính trị và văn hóa trong từng thập kỷ của thế kỷ 20. Qua nhiều cuốn phim tài liệu, sinh viên sẽ có dịp so sánh những gì xảy ra trong thực tế với những gì diễn ra trong phim ảnh, từ đó rút ra được những tác động qua lại giữa cuộc sống và điện ảnh.
Điện ảnh Italia sau Chiến tranh
Môn học này sẽ điểm qua điện ảnh của Italia trong thời gian từ thập kỷ 1940 đến nay, tập trung vào phong trào Tân hiện thực. Sinh viên sẽ dịp biết thêm về những mối quan hệ giữa điện ảnh và những ngành nghệ thuật khác trong cùng một thời kỳ lịch sử.
Phim Tài liệu
Sinh viên sẽ được cung cấp những kiến thức về việc làm phim tài liệu, trong đó tập trung vào những đạo diễn của thể loại này.
Điện ảnh châu Âu
Giới thiệu về điện ảnh của châu Âu từ thập kỷ 1930 đến nay, thể hiện những đóng góp vào sự tiến triển của ngành này. Môn học này nhấn mạnh vào những trào lưu, xu hướng và chủ đề của những khuôn mặt nổi bật trong điện ảnh thế giới như Jean Renoir, Wim Wenders, Ingmar Bergman ...
Những Đạo diễn Nổi tiếng
Môn này cho sinh viên cái nhìn vào thế giới của những đạo diễn nổi tiếng, khảo sát về phong cách, chiến lược, cá tính và chủ đề của từng đạo diễn, được thể hiện qua từng cuốn phim họ đã làm.
Những Diễn viên Nổi tiếng
Khảo sát về sự nghiệp của những diễn viên nổi tiếng trong thời đại ngày nay qua các bộ phim, những cuộc phỏng vấn và các loại tư liệu khác.
Nước Mỹ trong Phim ảnh châu Âu và Châu Âu của Hollywood
Môn này trả lời câu hỏi về cách một số nhà làm phim hàng đầu châu Âu dùng nước Mỹ làm bối cảnh cho phim của họ. Ngược lại, chương trình cũng phân tích về những cuốn phim của Hollywood đã đặt trọng tâm vào châu Âu. Nội dung của môn này cũng đánh giá tầm quan trọng của những đạo diễn xuất thân từ châu Âu, đã có những ảnh hưởng đối với phim ảnh và văn hóa Mỹ.
Làm phim Kỹ thuật số
Môn học cung ứng những kiến thức thực tế trong việc làm phim kỹ thuật số. Những bài giảng cùng với phần thí nghiệm thực hành sẽ giúp sinh viên làm quen với kỹ thuật hình ảnh và âm thanh, khâu chuẩn bị, khâu sản xuất và khâu hậu kỳ của một bộ phim.
KINH TẾ HỌC
Trong chuyên ngành Kinh tế học, sinh viên sẽ học các môn học chính sau đây:
Các Nguyên lý về Kinh tế vĩ mô
Môn học sẽ giới thiệu cho sinh viên về tầm nhìn thế giới của nhà kinh tế, qua các khái niệm về giá cả, việc ra quyết định, tính hiệu quả và lợi nhuận của thương mại. Nội dung chương trình tập trung vào kinh tế quốc gia, với sự phân tích về tổng sản lượng nội địa, cung và cầu, nạn thất nghiệp, sự tăng trưởng kinh tế và các chính sách về tiền tệ và tài chính.
Các Nguyên lý về Kinh tế Vi mô
Môn học này tập trung vào những yếu tố “vi mô” của nền kinh tế: người tiêu dùng, người sản xuất, cùng với quan hệ qua lại của học trên thị trường. Nội dung chương trình sẽ phân tích về những chủ đề như cung và cầu, thuế và qui định của thị trường, sản xuất và chi phí: giá cả, v.v...
Mậu dịch Quốc tế
Sinh viên sẽ được tiếp thu về các phương thức của mậu dịch quốc tế, với những minh hợp được rút ra từ những trường hợp thực tế. Các chủ đề bao gồm: cơ sở của mậu dịch quốc tế, các điều khoản về mậu dịch, biểu thuế và hạn ngạch, thỏa thuận mậu dịch đa phương, v.v...
Các nền Kinh tế trong Quá trình Chuyển tiếp
Chương trình sẽ phân tích về nguyên nhân và các mối quan hệ của những thay đổi quan trọng ở các quốc gia Trung và Đông Âu, cùng với sự chuyển tiếp của họ đến một nền kinh tế thị trường. Trọng tâm sẽ đặt vào vai trò của những tổ chức tài chính thế giới như IMF, Ngân hàng Thế giới, v.v...
Nền Kinh tế Italia
Môn này sẽ cho sinh viên những kiến thức chi tiết về nền kinh tế của Italia. Sinh viên cũng sẽ được biết về tỉ trọng giữa nhà nước và tư nhân trong nền kinh tế của đất nước này, cùng với những nỗ lực tư hữu hóa trong kinh tế.
Kinh tế học Môi trường
Môn Kinh tế học Môi trường cung cấp cho sinh viên một cái nhìn lịch sử về mối quan hệ tương tác giữa con người với thiên nhiên, nhằm giải quyết những vấn đề về quản lý môi trường và xác định các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Kinh tế Vĩ mô Trung cấp
Môn này sẽ khảo sát một số lý thuyết, mô hình và kỹ thuật sử dụng trong việc phân tích kinh tế vĩ mô, với trọng tâm là phân tích kinh tế của Mỹ và châu Âu. Những phân tích này chú trọng vào vào hiện tượng lạm phát, thất nghiệp và tăng trưởng trong bối cảnh một nền kinh tế mở.
Kinh tế Vi mô Trung cấp
Những vấn đề được đề cập đến trong môn học này: thói quen của người tiêu dùng, sản xuất và chi phí, thị trường.
Kinh tế học Quản lý
Trong môn này, sinh viên sẽ phân tích về sự cân bằng của nhu cầu, qua đó giải thích và tiên đoán thói quen của người tiêu dùng, hầu có thể hiểu rõ hơn tác động của những chiến lược giá cả khác nhau.
TIẾP THỊ
Trong chuyên ngành Tiếp thị, sinh viên sẽ học các môn học chính sau đây:
Các Nguyên lý về Tiếp thị
Qua môn học này sinh viên sẽ có một cái nhìn tổng quát về chức năng tiếp thị, tầm quan trọng của nó đối với việc ra các quyết định chiến lược trong kinh doanh, cùng với mối quan hệ thực tiễn với các hoạt động khác.
Các Nguyên lý về Quản lý Mua bán
Các chủ đề của môn này bao gồm: bản chất của việc bán hàng, thói quen mua hàng, phong cách bán hàng, v.v… Sinh viên cũng thảo luận về các yếu tố trong việc thúc đẩy kinh doanh như quảng cáo, tiếp thị trực tiếp và các mối quan hệ cộng đồng.
Quảng cáo
Môn học này tập trung vào những yếu tố làm cho công tác quảng cáo trở nên có hiệu quả. Sinh viên cũng được học về những điều kiện để tổ chức thành công một chiến dịch quảng cáo: hiểu biết sắc bén của thị trường và người tiêu dùng, cách tổ chức quảng cáo, nghiên cứu chiến lược quảng cáo, lập kế hoạch quảng cáo.
Thói quen của Người tiêu dùng
Giúp sinh viên những hiểu biết về lý thuyết tâm lý và xã hội để hình thành nền tảng cho việc nghiên cứu thói quen của người tiêu dùng.
Phát triển và Quản lý Sản phẩm mới
Trong môn này sinh viên sẽ khảo sát về các vấn đề: thiết kế và thử sản phẩm, phân tích kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm, quản lý vòng đời sản phẩm, đổi mới sản phẩm.
Các kênh Phân phối
Chương trình tập trung và cách thức những cơ sở kinh doanh hình thành chiến lược phân phối của họ song song với những hoạt động khác trong chiến lược tiếp thị.
Nghiên cứu Tiếp thị
Trong môn học này sinh viên sẽ khảo sát vai trò của nghiên cứu tiếp thị trong nỗ lực tiếp thị nói chung, quá trình nghiên cứu và các kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất.
Tiếp thị Quốc tế
Sinh viên sẽ khảo sát những lý thuyết, mô hình và hiện tượng khác nhau của hoạt động tiếp thị trong môi trường thế giới. Trung tâm được đặt vào những công ty bán các loại hàng hóa và dịch vụ tại những quốc gia đa dạng về mặt văn hóa, chính trị và kinh tế.
Quản lý Tiếp thị
Môn này cung cấp cho sinh viên một cách tiếp cận thực tế đối với chiến lược phát triển và thực hiện việc tiếp thị. Các chủ đề bao gồm: quá trình tiếp thị, cơ hội tiếp thị, kế hoạch tiếp thị, các mô hình và việc nghiên cứu tiếp thị.
CÁC PHƯƠNG TIỆN CỦA NHÀ TRƯỜNG
THƯ VIỆN
Thư viện của nhà trường có một bộ sưu tập sách ngày càng đa dạng và phong phú, phục vụ cho việc học tập của từng khoa. Các tư liệu ở đây được sự bổ sung của những thư viện lớn tại Ro ma. Thư mục được tổ chức trực tuyến trên mạng, giúp cho độc giả có thể tra cứu nhanh gọn.
Ngoài ra thư viện còn có một nguồn tư liệu lớn bao gồm các đĩa DVD và các loại băng vi deo, phục vụ cho các lớp về ngôn ngữ và múa ô-pê-ra.
Thư viện của nhà trường còn có một Trung tâm Tư liệu Điện tử, vốn là một kho tư liệu phong phú về đủ các lĩnh vực. Sinh viên có thể truy cập đến những tư liệu này qua mạng Internet. Ở dây còn tổ chức các buổi hội thảo về thông tin, giúp cho sinh viên tăng cường kỹ năng nghiên cứu và sử dụng các loại tư liệu trong thư viện.
DỊCH VỤ MÁY TÍNH
Nhà trường cung cấp đầy đủ các phương tiện ứng dụng từ máy tính cho các hoạt động dạy và học.
Hoạt động Giảng dạy
Để đáp ứng cho hoạt động này, nhà trường có các máy tính xách tay, máy chiếu hình, hệ thống kết nối mạng vô tuyến, trang web, các địa chỉ e-mail.
Hoạt động Học tập
Các phương tiện dành cho sinh viên bao gồm:
Phòng máy Vi tính
Có 2 phòng máy vi tính, với các máy PC chạy hệ điều hành MS Windows XP, có kết nối với mạng Internet và máy in.
Phòng nghe nhìn
Phòng này trang bị máy chiếu phim kỹ thuật số, dành cho những chương trình học có nhu cầu xem phim.
Kết nối Mạng Vô tuyến
Hệ thống kết nối mạng vô tuyến cũng được dành cho các sinh viên sử dụng.
Hộp thư
Mỗi sinh viên được cung cấp một hộp thư e-mail để tiện việc trao đổi với nhà trường trong các sinh hoạt học tập của mình.
Máy Scan
Trong phòng máy tính có máy scan, giúp sinh viên có thể quét lại các hình ảnh để đưa vào file, sử dụng trong mục đích học tập.
PHÒNG TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN
Phòng truyền thông đa phương tiện của nhà trường được trang bị với những thiết bị công nghệ cao, sử dụng chủ yếu cho việc sản xuất những cuốn phim nhỏ. Trong phòng này có:
+ 2 máy tính Apple G4 với các chương trình phục vụ cho việc làm phim
+ 1 máy tính Apple iMac sử dụng cho các dự án video nhỏ
+ Hệ thống kết nối Internet
+ Đầu máy video có chức năng công tiếng
+ Tivi màu 21 inch dùng để chiếu lại các cuốn phim
+ Thiết bị ghi đĩa DVD
+ 5 máy quay phim
+ Những dàn đèn chuyên nghiệp dành cho việc làm phim
PHÒNG NGÔN NGỮ TIẾNG ITALIA
Phòng Ngôn ngữ Tiếng Italia được thành lập đầu năm 2005, đặt tại Trung tâm Nghiên cứu Tiếng Italia của Trường. Tại đây có 5 phòng máy tính, được trang bị những thiết bị cần thiết cho việc học ngoại ngữ.
Sinh viên có thể sử dụng headphone vô tuyến để nghe các mẩu đối thoại cũng như nghe lại tiếng của chính mình khi lập lại các lời đối thoại đó. Một máy in laser giúp cho sinh viên in lại các bài tập để mang về. Tại đây, sinh viên cũng có thể xem các đoạn băng video từ các chương trình dạy ngoại ngữ. Với những phương tiện trang bị riêng cho từng cá nhân, sinh viên có thể thực hành phát âm, mở rộng vốn từ và ứng dụng các cấu trúc câu vừa được học.
Địa chỉ của Trường:
American University of Rome
Via Pietro Roselli, 4 00153 Rome, Italy
Tel: (+39) 06.58330919
Fax: (+39) 06.58330992
e-mail: aurinfo@aur.e du