Núi Athos
Từ năm 1054, núi Athos trở thành một trung tâm tinh thần của người Hy Lạp. Núi Athos được mệnh danh là “núi linh thiêng” và vì thế từ thời Byzantine, Hoàng đế Constantine Monomaque hồi đầu thế kỷ XI đã ban sắc chỉ (đến nay vẫn còn hiệu lực): “cấm tất cả các con vật gương cái, tất cả phụ nữ và hoạn quan và những người không để râu không được đến núi Thánh Athos”. Nhưng bất cứ du khách nào cũng có thể giương thuyền đi vòng bán đảo dài khoảng 50 km, để có thể nhìn ngắm hầu hết 20 tu viện nằm chênh vênh trên vách núi Thánh Athos hùng vĩ.
Núi Athos là khu vực nghệ thuật nổi tiếng với cách bố trí các tu viện như nghệ thuật trang trí và kiến trúc. Hiện khu vực này có khoảng 1400 nhà tu hành đang hoạt động.
Trong số các tu viện trên núi Athos, đáng chú ý là thư viện Simon Petra, nằm nhô ra biển, chênh vênh trên vách núi. Tu viện Gregerios và Donyos cũng nằm chơi vơi trên vách núi thẳng đứng. Đó quả là một sự thách thức về kiến trúc. Nhưng chính lối kiến trúc cheo leo ấy đã bảo vệ an toàn tối đa cho các tu sĩ trước sự tấn công của hải tặc và quân của Thổ Nhĩ Kỳ. Còn đối với các vị tu sĩ tìm đến nơi “cheo leo” ấy cũng là một cách hành xác khổ tu.
Hơn một ngàn năm nay, Núi Athos là vương quốc độc lập của các nam tu sĩ, là trung tâm tôn giáo của đạo chính thống. Muốn tới thăm các tu viện, du khách phải trải qua nhiều thủ tục hành chính rắc rối. Trước hết du khách phải là tín đồ của đạo Chính thống, phải có sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao Hy Lạp, giấy giới thiệu của tổng giám mục Athenes, sau cùng phải được phép ủy ban làng Karyes để được nghỉ lại trong tu viện, vì về mặt hành chính các tu viện này thuộc làng Karyes. Tu sĩ giữ cửa sẽ đón du khách có đủ thủ tục vào lúc trước khi trời tối. Tại đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức bích hoạ tuyệt tác, được xem những bộ sưu tập sách quý và những báu vật có một không hai trên đời này.
Núi Athos được ghi vào danh sách Di sản văn hoá thế giới năm 1988 của UNESCO.