Thành phố Pécs
Thành phố Pécs nằm về phía Nam Hunggari, dưới chân núi Mecsek, do người La Mã thành lập từ đầu thế kỷ II, với tên gọi Sopiane, đến thế kỷ IV đã trở thành một trung tâm thịnh vượng và là thủ đô quan trọng của thiên Chúa giáo của Hunggari thời sơ khai. Thánh Stephen, vị vua đầu tiên của Hunggari đã lập một tòa giám mục tại đây vào năm 1009 và trường đại học đầu tiên hoạt động vào năm 1367. Các tượng đài kiến trúc xây dựng từ thời bị Thổ chiếm đóng 150 năm, các ngôi đền Hồi giáo, các nhà tắm kiểu Thổ và mộ của ông Hoàng Idris vẫn còn nguyên vẹn là những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách thập phương. Ngày nay Pécs vẫn là một trong không nhiều trung tâm văn hóa lớn của vùng và của cả đất nước Hunggari với những cung điện mang dáng vẻ kiến trúc La Mã, bảo tàng lễ hội. Đặc biệt nổi tiếng ở Pécs là 16 hầm mộ thời La Mã cổ đại vào thế kỷ IV, nằm dưới những nhà thờ, nhà nguyện, được phát hiện đầu tiên vào thế kỷ XVIII. Từ 200 năm nay, các nhà khảo cổ đã tìm ra hàng trăm ngôi mộ và nhiều táng vật cổ. Những hầm mộ này được trang trí bằng hình vẽ mô phỏng trong kinh thánh ở quảng trường. Điều đó càng chứng tỏ rằng Sopiane từng là Thánh địa của Thiên Chúa giáo. Số hầm mộ tìm thấy ở đây nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới vì thế mà Pécs được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2000.
Hiện nay các nhà khảo cổ học đang tiếp tục khai quật ở khu trung tâm thành phố, dưới chân quảng trường nhà thờ Domter ở độ sâu 5-6 m, để vén lên bức màn bí mật lịch sử phát triển của nhân loại.