Nước Nga trước cách mạng
Triều đại Sa hoàng cuối cùng, Nicholas Đệ nhị, là một triều đại rối ren. Chiến tranh với nước Nhật không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ phía nhân dân. Chính những thất bại và hạn chế quyền công dân đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình phản đối trên khắp đất nước. Ngày Chủ nhật, 22 tháng 1 năm 1905, quân đội đã nã súng vào đoàn biểu tình hòa bình trước cung điện Mùa đông ở Xanh Pêtecbua. Khoảng 1000 người biểu tình trong đó có cả phụ nữ và trẻ em đã bị chết. Sự kiện ''Ngày Chủ nhật đẫm máu'' đã bị nhân dân toàn thế giới lên án. Các cuộc nổi dậy của nông dân, bãi công, biểu tình, ám sát và binh biến diễn ra liên tiếp, cho đến khi Sa hoàng Nichoias miễn cưỡng chấp nhận yêu sách của những người phản đối. Tháng 10 năm 1905, Sa hoàng Nicholas đã ký một văn kiện hứa đảm bảo quyền tự do ngôn luận và thành lập một hạ viện thông qua bầu cử Viện - Đuma.
Tháng 8 năm 1914, nước Nga tuyên chiến với Áo và Đức. Quân Nga thiếu quân nhu trầm trọng - một triệu lính không có súng, và trong vòng có hai tháng, quân Nga đã phải chịu hai thất bại to lớn: Sa hoàng quyết định ra mặt trận, giao quyền cai quản cung điện cho vợ là hoàng hậu Alexandra. Hoàng hậu Alexandra vốn không được lòng dân vì bà đã gây sức ép đối với Sa hoàng và có mối quan hệ bất chính với Rasputin, một linh mục khét tiếng tham nhũng và trụy lạc đã làm khuynh đảo cả chính phủ Sa hoàng khiến mọi người dân vô cùng bất bình. Về sau, Rasputin đã bị một nhóm quý tộc ám sát vào năm 1916. Đến năm 1917 tình hình còn trở nên tồi tệ hơn. Lính tráng đảo ngũ, giá thức ăn tăng gấp bốn lần. Sự bất mãn lan rộng rất nhanh.