NAPOLÉON, MỘT QUÁI KIỆT QUÂN SỰ
Mùa xuân năm 1779, một thiếu niên đến từ đảo Corse vào học ở một trường quân sự của nước Pháp. Ông người thấp bé giọng đặc nhà quê, gia cảnh nghèo nên bị nhiều bạn học coi khinh. Không ai ngờ rằng sau này 5 cậu thiếu niên đó lại trở thành Hoàng đế nước Pháp, xưng hùng cả châu Âu. Cậu thiếu niên đó chính là Napoléon Bonaparte người được gọi là ''quái kiệt quân sự''.
Napoléon (1769 - 1821) sinh ra trong một gia đình quí tộc nhỏ sa sút ở đảo Corse. Năm 1779 vào học trường quân sự, năm 1784 sau khi tốt nghiệp, do có thành tích xuất sắc, được chọn đưa vào trường sĩ quan Paris. Được một năm, cha mất, cậu thiếu niên Napoléon 16 tuổi vì gánh vác cuộc sống gia đình phải bỏ học giữa chừng và trở thành viên thiếu uý pháo binh. Trong thời kì đóng quân ở các nơi, Napoléon đọc rất nhiều trước tác của các nhà tư tưởng khai sáng, trong đó tác phẩm của Rousseau ảnh hưởng đến cậu rất sâu sắc, khiến cậu manh nha tình cảm bất mãn với nền thống trị phong kiến. Khi đó, cuộc sống của Napoléon rất gian khổ, phần lớn tiền phụ cấp cậu phải gửi về cho mẹ.
Trong bão táp của cuộc đại cách mạng Pháp, Napoléon đã thể hiện được tài năng của mình. Năm 1792 người của đảng Bảo hoàng được quân Anh giúp, đã chiếm được Toulon, Napoléon dẫn đội dự bị ra trận Napoléon chiến đấu dũng cảm chỉ huy xuất sắc, tạo cơ sở cho việc nhanh chóng chiến lại được Toulon, được chính phủ đặc cách phong lên thiếu tướng. Năm 1795, đảng Bảo hoàng nổi loạn ở Paris, Napoléon quyết đoán kiên nghị chỉ huy 5.000 binh sĩ tấn công hơn 20.000 quân phản loạn. Napoléon rút kiếm đeo bên mình nói to: ''Chỉ sau khi mọi sự kết thúc ta mới tra kiếm vào vỏ!” Dưới những làn pháo kích dữ dội, chưa đầy một ngày đã trấn áp được cuộc phản loạn. Napoléon nhiều lần lập chiến công, liên tục thăng tiến, danh tiếng ngày một tăng, và dã tâm cá nhân cũng ngày một lớn dần. Năm 1799, Napoléon làm đảo chính nắm lấy chính quyền quốc gia. Năm 1804, ông lại lên ngôi Hoàng đế, lập nên đế quốc France (sử gọi là đế quốc France thứ nhất), quyền thế của ông lên tới đỉnh điểm.
Dựa theo đòi hỏi của giai cấp tư sản Pháp, Napoleon củng cố thành quả cơ bản của cuộc đại cách mạng Pháp, phát triển kinh tế tư bản, thúc đẩy mạnh mẽ sự tiến bộ của xã hội Pháp, đặt ra bộ Luật Napoleon, xoá bỏ chế độ phong kiến, củng cố cơ sở kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Chiến tranh với bên ngoài là hoạt động quan trọng trong cả cuộc đời của Napoleon. Thoạt đầu, do thế lực phong kiến châu Âu vũ trang can thiệp vào nước Pháp mưu toan tiêu diệt thành quả của cuộc đại cách mạng, nên chiến tranh với bên ngoài có tính chất chống can thiệp vũ trang bảo vệ thành quả cách mạng Pháp. Trong thời kỳ Napoleon chấp chính các nước Anh, Nga, Phổ, Áo nhiều lần hợp nhau thành liên minh chống Pháp, đánh nhau với Pháp. Napoleon là một vị thống soái quân sự kiệt xuất Năm 1805 trong chiến dịch Austerlitz, Napoleon chỉ huy 8 vạn quân Pháp đánh bại 9 vạn liên quân Nga áo, quân Pháp chỉ thiệt 9.000 người. Trong một thời gian dài quân đội của Napoleon đi đến đâu thắng đến đó, đánh bại hầu như tất cả các nước lớn ở châu Âu, buộc kẻ thù phải cúi đầu cầu hoà giáng những đòn nặng nề vào thế lực phong kiến các nước. Napoleon trở thành chúa tể của châu Âu. Song chiến tranh của Napoleon cũng mang tính chất cướp đoạt và tranh giành bá quyền.
Năm 1812, Napoleon xâm lược nước Nga, song bị giáng trả mạnh mẽ buộc phải rút lui, quân đội hầu như bị tiêu diệt toàn bộ. Thất bại này trở thành bước ngoặt trong cuộc đời huy hoàng của Napoleon. Năm 1814, quân Pháp lần thứ sáu đánh nhau với liên minh chống Pháp nhưng bị thất bại, Napoleon bị buộc thoái vị. Năm 1815 Napoleon lại vùng dậy lên ngôi Hoàng đế, cuối cùng như hoa quỳnh vừa nở đã tàn Napoleon lại bị liên minh chống Pháp đánh bại trong trận Waterloo. Napoleon bị đày ra hòn đảo nhỏ Saint Helena ở nam Đại Tây Dương, rồi qua đời vào năm 1821.