Tài liệu: Người Bru - Vân Kiều

Tài liệu
Người Bru - Vân Kiều

Nội dung

NGƯỜI BRU – VÂN KIỀU

 

            Hiện có 55.559 người. Địa bàn cư trú ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình. Thuộc ngữ hệ Môn - Khơme (ngữ hệ Nam Á), gần gũi với tiếng Tà Ôi, Cơ Tu. Là một trong những cư dân được coi là có nguồn gốc lâu đời nhất ở vùng Trường Sơn. Ở Lào họ cư trú ở tỉnh Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt. Nhóm Vân Kiều có mặt ở Việt Nam từ lâu, được ghi trong sách Ô châu cận lục của Dương Văn An (thế kỷ XVI). Tên gọi tộc người được đặt cho tên huyện Vân Kiều thời Minh Mạng.

            Người Bru- Vân Kiều sinh sống chủ yếu bằng canh tác rẫy và ruộng. Nông cụ gồm có: rìu, dao quắm, gậy trỉa, cái nạo cỏ có lưỡi cong. Cách thức sản xuất: phát rừng, đốt, chọc lỗ gieo hạt giống, làm cỏ, tuốt lúa bằng tay. Họ canh tác đa canh lẫn xen canh trên từng đám rẫy. Nghề thủ công chỉ có đan lát như đan chiếu lá, đan gùi, mâm tương đối phát triển. Quan hệ trao đổi hàng hóa chủ yếu với người Lào và người Việt.

            Họ thích các món nướng, canh thường nấu lẫn với rau với gạo và cá hoặc ếch nhái. Cơm tẻ là món ăn thường ngày. Vào dịp lễ hội, cơm nước thường được nấu trong các ống tre tươi; quen ăn bốc, uống nước lã, rượu cần. Nam  nữ đều hút thuốc lá, tẩu bằng đất nung hoặc làm từ cây le.

            Nam đóng khố, nữ mặc váy, áo không có tay, mặc đầu chui. Vải chủ yếu mua ở Lào. Đồ trang sức thường đeo các loại vòng ở cổ, tay, khuyên tai. Nhuộm môi  vào ngày lễ hội; tục cưa răng, xăm mặt khi nam nữ thanh niên đến tuổi trưởng thành.

            Người  Bru-Vân Kiều cư trú theo kiểu quần tụ từng làng một. Các nhà trong làng thường được xếp đặt chiều dài của các đoạn sông suối, có nơi được bố trí theo (roòng hoặc khoan). Mỗi gia đình có nhà riêng, ở nhà sàn, bếp lửa bố trí ngay trên sàn nhà, kiêng nằm ngang sàn.

            Trong hôn nhân, con trai cô lấy con gái cậu được khuyến khích. Việc kết hôn giữa vợ góa với anh hoặc em chồng cũng như giữa chồng góa với chị em vợ đều được chấp thuận. Phụ nữ mang thai kiêng ăn thịt các con vật sa bẫy, không bước qua cây nằm ngang đường. Tên các thành viên trong gia đình được đặt cùng vần với nhau. Người chết sau 2-3 ngày mới đưa ma, chôn vào bãi mộ chung của làng.

            Người Bru-Vân kiều chú trọng thờ cúng tổ tiên, rất tin vào các thần linh như: thần Lúa, thần Bếp lửa, thần Núi, thần Đất, thần Sông nước… Ma gia đình đằng vợ cũng được con rể thờ cúng. Lễ cúng có đâm trâu là lễ quan trọng nhất. Tết đến từng làng nhưng đều vào thời gian sau khi tuốt lúa. Lịch nông nghiệp Bru - Vân Kiều gồm 10 tháng, tiếp đến thời kỳ nghỉ ngơi, vui chơi trước khi bước vào mùa rẫy mới.

            Kho tàng văn nghệ dân gian của người Bru-Vân Kiều rất phong phú, đặc biệt là truyện cổ, kể về sự tích các dòng họ, nguồn gốc dân tộc. Dân ca có các loại hát như: hát giao duyên, hát chúc vui, hát ru trẻ con. Trong đám ma và lễ hội đâm trâu có múa kết hợp với hát. Nhạc cụ phổ biến là: cồng, chiêng, đàn Achung, Plưa, Talư, kèn Aman, Taral, khèn Pi, nhị, đàn môi, trống, sáo..

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349648762735000/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-Bru--...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận