Người Myanmar trên đất nước chùa vàng
Người Myanmar (trước đây gọi là người Miến Điện) mỗi tuần đều có thể làm lễ sinh nhật. Họ lấy tên các con vật để gọi năm tháng, ngày sinh, gọi là sinh tiêu (giống như cách gọi 12 con giáp ở Việt Nam) . Có những sinh tiêu sau: Chim cánh vàng, Sư tử, Voi hai ngà, Voi không ngà, Chuột, Chuột Thiên Trúc, Rồng. Một người không chỉ có sinh tiêu chỉ ngày tháng năm sinh mà còn có sinh tiêu chỉ ngày thứ mấy trong tuần bảy ngày nữa. Vì vậy mà họ mỗi tuần đều có thể có một lần sinh nhật. Tên gọi người Myanmar cũng lấy chữ cái đầu của ngày thứ mấy trong tuần để ghép thành tên.
Người Myanmar là dân tộc đông nhất ở nước Myanmar nằm ở Tây bắc bán đảo Trung - Ấn, chủ yếu phân bố ở đồng bằng và vùng tam giác châu sông Irawadi, thuộc đại chủng Mongoloid loại hình Nam Á, khoảng hơn 30 triệu người. Ngôn ngữ thông dụng là tiếng Myanmar.
Tổ tiên người Myanmar là từ ở Hymalaya và vùng cao nguyên Đông nam Tây Tạng Trung Quốc thiên di đến bán đảo Trung - Ấn, lúc đầu cư trú ở vùng thượng du sông Nộ Giang, sông Mekong và sông Irawadi. Thế kỷ XI đã lập nên nước Pagan mà di tích còn lại ngày nay là Kinh thành cổ Pagan nằm trên bờ sông Irawadi. Thế kỷ XV, họ lại tiếp tục di chuyển xuống vùng tam giác châu và đồng bằng trung hạ du sông Irawadi.
Người Myanmar chủ yếu làm nghề nông, trồng bông, lạc, lúa nước. Nghề dệt, nghề thủ công làm đồ trang sức vàng bạc khá phát đạt.
Người Myanmar tôn thời Phật giáo. Chùa và tháp được xây dựng rất nhiều, nên nước Myanmar còn có tên gọi là đất nước chùa và tháp. Mỗi nhà đều có bàn thờ Phật. Con trai đến một tuổi nhất định đều phải đến chùa làm sư trong một thời gian. Tháp Phật có tám mặt tương ứng với tám sinh tiêu, mọi người đến lễ thường tụng niệm trước hướng sinh tiêu của mình.
Phong tục cưới xin của người Myanmar rất đặc biệt. Hai bên trai gái sau khi được các bậc gia trưởng đồng ý, có thế đến cùng ở chung với nhau một thời gian sau đó sẽ quyết định có kết hôn hay không. Sau khi cưới hai bên vợ chồng vẫn giữ quyền quyết định về tài sản riêng của từng người, bình đẳng về mặt kinh tế, vì thế mà Myanmar còn được gọi là nước nữ quyền thứ nhất châu Á.
Lễ hội dân gian của người Myanmar có rất nhiều. Trung tuần tháng Tư lịch Myanmar là lễ hội té nước, trung tuần tháng mười là lễ ăn chay, sau lễ ăn chay là hội thả đèn, đó đều là những lễ hội quan trọng. Trong ngày hội mọi người thường khoác những tấm sa mỏng màu trắng hay khăn lụa màu phấn hồng, buộc múi ở bên tai phải. Phụ nữ thường búi tóc, cài hoa làm trang sức. Nam nữ đề mặc áo ngắn tay dài, không cổ, hai vạt, hoặc mở ở bên phải, phía dưới đều mặc váy, nam giới thắt nút ở giữa, nữ giới thắt nút ở bên, không dùng thắt lưng. Váy của nam giới thường dùng vải kẻ ô vuông, váy của nữ giới thường dùng vải hoa. Người Myanmar khi vào chùa hay vào trong nhà đều phải tháo giầy, cũng có người đi chân trần trên đường phố. Con trai có tục xăm mình.
Văn hóa của người Myanmar chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Ấn Độ và Phật giáo, thích kịch, nhảy múa và âm nhạc.