Tài liệu: Người Nhật Bản dung hợp văn hóa Đông Tây

Tài liệu
Người Nhật Bản dung hợp văn hóa Đông Tây

Nội dung

Người Nhật Bản dung hợp văn hóa Đông Tây

Người Nhật Bản tự gọi là dân tộc Đại Hòa, là cư dân của nước Nhật ở Đông bộ châu Á, thuộc đại chủng Mongoloid, loại hình Đông Á, có khoảng hơn 125 triệu người, chủ yếu tập trung ở những vùng có ba thành phố trung tâm là Tokyo, Osaka, Nagoya. Người Nhật Bản sử dụng ngôn ngữ Nhật, lại dùng những nét của chữ Hán sáng tạo ra thứ chữ ghép vần.

Trong thời đại đồ đá cũ, đất Nhật Bản còn nối liền với đại lục châu Á, cư dân nguyên thủy Nhật Bản là từ đại lục theo đường bộ ra ở quần đảo, con cháu của họ ngày nay là dân tộc thiểu số Ainu, sống lui về phía Bắc lạnh lẽo, có ngôn ngữ và phong tục riêng. Hơn 1 vạn năm trước, các đảo Nhật Bản tách rời với đại lục - hàng loạt người Tuncus từ Siberica và Đông bắc Trung Quốc, người Mã Lai từ Nam Dương, người ở bán đảo Trung Ấn, người Ngô - Việt ở hạ lưu sông Trường Giang đã theo đường biển lần lượt kéo vào quần đảo Nhật Bản, trải qua mấy nghìn năm hỗn hợp lâu dài với người Triều Tiên, người Hán di cư đến từ sau Công nguyên mà hình thành người Nhật Bản hiện nay.

Mấy nghìn năm trước Công nguyên, cư dân trên các đảo Nhật Bản sống bằng săn bắn hái lượm hoặc nghề nông nguyên thủy. Thế kỷ III - IV, nước Đại Hòa lấy Nara làm trung tâm đã thống nhất được các đảo Nhật Bản. Tên gọi dân tộc Đại Hòa bắt nguồn từ đây.

Người Nhật Bản là một dân tộc giỏi hấp thụ, văn hóa Nhật Bản chính là sự dung hợp giữa văn hoá tự thân và văn hoá ngoại lai mà hình thành. Từ rất sớm Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng lớn của Trung Quốc, đồng thời cũng hấp thụ văn hóa Triều Tiên và văn hóa ấn Độ. Năm 1868, sau Minh Trị duy tân  (Cải cách Meiji), người Nhật Bản lại ra sức hấp thụ văn hóa Âu Mỹ, hình thành nền văn hóa Nhật Bản dung hợp được nhiều dòng văn hóa ĐôngTây.

Người Nhật Bản là một dân tộc có tín ngưỡng song trùng. Cư dân Nhật Bản từ sớm theo tín ngưỡng đa thần. Thế kỷ VI, Phật giáo từ Trung Quốc qua Triều Tiên truyền vào Nhật Bản đã nhanh chóng phổ biến. Sau Minh Trị duy tân, Thần đạo giáo shinto), tôn giáo lâu đời nhất, tôn giáo bản địa của Nhật Bản được tôn làm quốc giáo, thành phố làng quê đâu cũng có đền thờ Thần. Rất nhiều người Nhật Bản vừa thờ Thần vừa thờ Phật, có khi còn thờ kèm các tôn giáo khác. Nói chung về các mặt tang lễ, luật lệ, tu dưỡng đạo đức thì tuân theo tín ngưỡng Phật giáo; về các chuyện sinh đẻ, cưới xin, lễ tết thì tuân theo nghi lễ Thần đạo giáo.

Người Nhật Bản từ sớm đã lấy việc sản xuất nông nghiệp là chính. Từ sau Minh Trị duy tân, công nghiệp phát triển rất nhanh. Sau đại chiến thế giới II, Nhật Bản nhanh chóng trở thành nước đại công nghiệp phát triển. Tuy có nền văn minh công nghiệp hiện đại nhưng người Nhật Bản vẫn giữ được nhiều tập tục truyền thống. Các ngày lễ  tết của Nhật Bản rất nhiều, có nguồn gốc từ Trung Quốc như tết Đoan ngọ, tết Trùng dương, tết Xuân mới, lại có lễ tết riêng theo truyền thống Nhật Bản, trong đó tết Hoa Anh Đào là đặc sắc nhất. Người Nhật Bản có trang phục dân tộc truyền thống, đặc biệt là phụ nữ có bộ đồ kimônô. Cư dân nông thôn phần lớn vẫn ở trong các ngôi nhà gỗ phẳng, trên nền nhà trải chiếu dùng khi ngủ, vào nhà phải bỏ giầy dép. Trà đạo, nghệ thuật cắm hoa cũng là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Nhật Bản.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/761-02-633366101384027500/Cu-dan-dai-luc-chau-A-sang-tao-nen-van-min...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận