Nghe nhạc cổ điển tốt hơn khi phẫu thuật
Hãy hy Vọng rằng người phẫu thuật cho bạn đang nghe nhạc Mozart chứ không phải Metallica khi bạn đang nằm dưới lưỡi dao của họ. Một nghiên cứu tại Australia cho thấy trong phòng mổ, bật nhạc cổ điển tốt hơn là nhạc rock.
Giáo sư Penelope Sanderson tại Đại học Queensland đã tìm thấy nhịp tim và hô hấp của bệnh nhân được theo dõi tốt hơn khi nhạc cổ điển được bật lên. Nhạc jazz mang lại kết quả tốt thứ 2 và kém nhất là rock.
Việc các bác sĩ nghe nhạc trong phòng mổ là điều bình thường, đặc biệt ở những công đoạn ít phức tạp hoặc khi bệnh nhân đang được chuẩn bị phẫu thuật. Và trong khi các bác sĩ thường có sở thích nghe nhạc riêng, nghiên cứu này cho thấy có thể lựa chọn của họ không phải là lợi nhất.
Chẳng hạn, 20 trên 36 người trong nghiên cứu cho biết họ thích nghe nhạc rock. Nhưng sau nghiên cứu, 25 người công nhận việc theo dõi bệnh nhân sẽ dễ dàng hơn khi họ nghe nhạc cổ điển.
Sanderson thừa nhận có thể việc lựa chọn các bài hát đã ảnh hưởng tới kết quả. “Chúng tôi chọn những bản nhạc rock tồi vào thập kỷ 1980, trong đó có Bryan Adams. Còn với nhạc cổ điển chúng tôi chơi Bach. Jazz đứng ở giữa. Hầu hết mọi người thích jazz hơn rock nhưng lại không đánh giá cao bằng cổ điển”. Sanderson cho rằng nhạc rock có chứa những lời lẽ khiến người ta dễ sao nhãng.
Các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm 36 sinh viên và yêu cầu họ theo dõi các tín hiệu sự sống của một số bệnh nhân giả. Các sinh viên vừa phải theo dõi bệnh nhân vừa làm những nhiệm vụ khác như làm tính hay sắp xếp. Cuộc thử nghiệm diễn ra trong im lặng, với nhạc nền là rock, cổ điển và Jazz. Kết quả là họ thực hiện nhiệm vụ tốt nhất với nhạc cổ điển.
Nghiên cứu sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên những người gây mê có kinh nghiệm.
(Theo ABC Online)