Trao giải Ignobel cho những phát minh kỳ quặc nhất
Đại học danh tiếng Harvard đã trao giải IgNobel cho 10 phát minh “vô bổ” nhất. Từ năm 1991, giải này thường được trao vào hôm thứ năm, trước khi Nobel thật được công bố. Dưới đây là vài nét về IgNobel và một số gương mặt mới.
IgNobel - đọc lái là Ignoble - có nghĩa là điếm nhục, vô bổ, không dùng được vào việc gì. Đó cũng là tên của giải thưởng khoa học dành cho những ý tưởng “điên rồ” hoặc “không tưởng” nhất.
Tuy nhiên, từ 11 năm nay, giải IgNobel đã trở thành một sự kiện quan trọng trong giới khoa học. Điều này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, những công trình được trao giải dù điên rồ thế nào đi nữa, cũng đều thể hiện những ý tưởng kỳ lạ và xét về lý thuyết, rất khoa học. Thứ hai, những cá nhân tham gia phần lớn là các nhà khoa học danh tiếng, nhiều người nằm trong danh sách ứng cử viên giải Nobel. Cuối cùng, với giải IgNobel, giới khoa học muốn thể hiện rằng, họ cũng hiểu thế nào là sự hài hước của cuộc sống. Và đây mới chính là ý nghĩa của giải.
Để giới thiệu về phát minh của mình, như thông lệ, các nhà khoa học phải làm một bài diễn thuyết 24/7, nghĩa là: Trong vòng 24 giây, nhà khoa học phải tìm được một câu gồm 7 từ, tóm tắt được nội dung của phát minh. Tiếp theo, Hội đồng IgNobel lần lượt công bố danh sách những người được giải.
- Giải Vật lý được trao cho David Schmidt, Đại học Massachusetts (Mỹ), vì những ý tưởng “xuất sắc” trong công trình “Tại sao rèm che trong bồn tắm luôn bị thổi vào trong”.
- Người vinh dự nhận giải Văn chương năm nay là John Richards, người sáng lập hiệp hội “Bảo vệ hô ngữ” (tức dấu móc lửng trong tiếng Anh, ví dụ như Mary's husband). Richards đã được đăng quang nhờ tác phẩm “Bảo vệ và phát triển sự khác biệt giữa số nhiều và sở hữu cách”.
- Giải Y học năm nay được trao cho Peter Barss, Đại học McGill (Mỹ), vì ý tưởng độc đáo trong công trình “Nghiên cứu những thương tật do dừa rụng vào người gây ra”.
- Giải Sinh học được trao cho Buck Weimer, một chủ doanh nghiệp nước hoa ở Colorado (Mỹ). Với phát minh “Quần si líp kín hơi - được lọc bằng một lớp than chì”, Weimer hy vọng có thể giúp các quý bà và quý ông “giữ không khí trong sạch” trong các phòng họp.
- Giải Tâm lý học năm nay lại rơi vào tay một người Mỹ: Lawrence Shermans, Đại học Ohio. Ông này hy vọng, với công trình “Tìm hiểu hạnh phúc của trẻ em dưới khía cạnh sinh thái học”, sẽ đem lại nhiều niềm vui cho các em nhỏ trên thế giới.
- Giải Kinh tế được trao cho Joel Slemrod, Đại học Kinh tế Michigan (Mỹ) với phát hiện “Con người có xu hướng kéo dài sự sống, mong tiết kiệm thuế từ việc thừa hưởng gia tài”.
- Giải về Sức khoẻ cộng đồng được trao cho hai nhà khoa học Ấn Độ Chittaranjan Andrade và B.S. Srihari với phát hiện thanh thiếu niên thường dùng tay ngoáy mũi”.
Tiếp theo, giải Vật lý thiên văn được trao cho Jack Van Impe, Michigan (Mỹ). Ông này phát minh ra học thuyết “Lỗ đen thoả mãn mọi định luật vật lý để có thể trở thành địa ngục thực sự”.
- Giải Công nghệ được trao cho nhà khoa học đến từ Australia: John Keogh. Ông đã “phát minh ra chiếc bánh xe một lần nữa”, đồng thời đệ đơn xin Hội Khoa học Australia cấp bằng sáng chế.
Cuối cùng, hội nghị gồm trên 1.000 người nín thở khi Marc Abrahams, chủ tờ báo “Jornal of Improbable Results”, người chủ trì lễ trao giải, đọc tên người nhận giải IgNobel Hoà bình. Người vinh dự nhận giải lần này là Viliumas Manilauskus, chuyên gia thiết kế trò chơi người Lithuania, với tác phẩm “Thế giới Stalin”.
(Theo dpa, bdw, BBC)