Nhà thờ cột gỗ ở Urnes
Tại một vịnh nhỏ của biển Bắc, nằm sâu vào bờ biển phía Tây của Na Uy, người ta thấy có một làng nhỏ tên là Urnes. Tại đây, trên một khoảnh đất khá rộng, một nhà quý tộc vào khoảng năm 1150 đã thuê những người thợ mộc bậc thầy xây dựng một ngôi nhà thờ bằng gỗ, gọi là nhà thờ cột gỗ. Sở dĩ gọi như vậy vì khung nhà thờ làm bằng những cột gỗ thẳng đứng trông rất lạ ở châu Âu.
Những cột gỗ thẳng đứng ở đây cao tới 35 feet (khoảng 10 mét) từ sàn nối với xà ngang của mái hiên tạo thành các bộ khung của nhà thờ. Mái nhiều tầng dốc đứng và lợp ván mỏng, nằm trên đỉnh các bộ khung đỏ đó. Cũng như các tấm kính lắp ở các ngôi nhà chọc trời, ở những bức tường của các nhà cột gỗ được ghép bằng ván gỗ nhẹ. Bên trong nhà thờ là những hàng ghế được sắp xếp thành từng vòng tròn trên một diện tích khoảng 100 m2
Loại kiến trúc kỳ lạ này, có thể bắt nguồn từ truyền thống xây dựng bằng gỗ lâu đời ở Bắc Âu, hoặc là từ những ngôi đền tà giáo (Pagan Temple) hoặc từ những con tàu của Viking. Bởi bên trong những nhà thờ cột gỗ này tối và hẹp, giống như những khoang thuyền lật úp. Hoặc cũng có thể là ý tưởng xây dựng bằng những cột gỗ này đến từ nước Anh thời Anglo - Saxon.
Nhưng dù thế nào đi nữa thì những người thợ tài hoa của Urnes cũng đã tiếp thu nhiều yếu tố thiết kế của các đền thờ bằng đá của người Norman vào việc xây dựng các nhà thờ cột gỗ của mình. Mười sáu cây cột dựng đứng bên trong nhà thờ từ sàn lên mái trông tựa như những hàng cột của các đền thờ của người Norman. Những nghệ nhân điêu khắc đã chạm trổ vào các cột gỗ, các bệ cột và đầu cột, đồng trời trang trí các hình cung tròn giữa các cột với những rãnh máng. Họ đã vận dụng những nét trạm trổ của các cấu trúc vốn có trước kia vào các công trình kiến trúc này một cách nhuần nhuyễn, hài hòa, đậm đà bản sắc dân tộc. Hình các con vật uốn mình được chạm nổi làm cho bức tường ở phía Bắc và đầu hồi nhà thờ trông sinh động hẳn lên. Viền quanh cửa lớn ra vào có ổ khóa là những bản gỗ rộng và hẹp đen chen nhau tạo thành hình một con rắn.
Nhà thờ cột gỗ ở Urnes được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hoá thế giới năm 1979.