Horyu - ngôi chùa cổ nhất của Nhật Bản
Cách Nara khoảng 10 km về phía Tây Nam là chùa cổ Horyu (Hôliu), chùa cổ duy nhất còn lại đến ngày nay.
Năm Bính Ngọ (586), Thiên hoàng Yomei lâm bệnh nặng. Người đã vời em gái (sau lên ngôi, lấy hiệu là Suiko Tenno) cùng với thái tử (vào năm 593 làm nhiếp chính, lấy hiệu là Thánh Đức Thái tử) đến, rồi sai sắc tứ cất chùa mới và tạc tượng Dược Sư lên thờ để cầu siêu cho bệnh của người mau thuyên giảm. Thái tử vâng mệnh liền dự trù vật liệu. Tuy nhiên, ngay năm sau Nhật hoàng đã qua đời, vật liệu được chuẩn bị mãi cho đến năm Đinh Mão (607), chùa mới được khởi công. Ngôi chùa đã được các sứ giả Nhật Bản ca ngợi: ''Kể đến ngày nay, đến cả nước Trung Quốc và thế giới chưa có ngôi chùa thứ hai nào khả dĩ sánh kịp với sự cổ kính, to lớn và bền chắc như chùa Horyu. Quả xứng danh vô tiền khoáng hậu''.
Các kiến trúc gỗ quan trọng nhất của chùa Horyu là toà Kim Đường. Tháp năm tầng, có cổng Trung môn và các hành lang, toà Kim Đường và ngọn tháp 5 tầng nằm trong khuôn viên hình vuông được tạo bởi dãy hành lang chung quanh. Cửa Trung môn ở chính giữa mặt Nam, đối diện là toà Giảng đường ở mặt Bắc. Mặc dầu kiến trúc chùa Nhật Bản chịu ảnh hưởng của nền văn hoá nhà Tuỳ (Trung Quốc) nhưng cách bố trí cảnh chùa hoàn toàn sáng tạo, cái nọ không che lấp cái kia, tạo ra sự phong quang, thoáng đãng. Hơn nữa, nền cát trắng sạch tinh trong khuôn viên chùa đã gây một cảm giác thanh bình, siêu thoát trong tâm linh của mọi du khách đến viếng thăm.
Toà Kim Đường được dựng trên nền đá hai bậc, mặt tiền có 5 gian, mặt bên 4 gian và lợp ngói kiểu 4 mái. Những cây cột vút lên đỡ lấy các con sơn thanh nhã hình mây cuộn. Ở chính giữa có một bệ xây bằng đất nung đặt tượng Phật và điện thờ. Trên bệ là ba pho tượng Phật bằng đồng. Pho chính giữa ngồi xếp bằng cao 1,37 mét, có hai vị Bồ tát thị giả đứng hai bên. Phía sau ánh hào quang có khắc tên của Tori cùng ngày tháng và một bài cầu nguyện nói về Phật pháp vô biên của lòng tin không giới hạn. Pho thứ hai bên cạnh là Thích Ca tam tôn cũng do Tori tạo tác bằng đồng vào năm 632, đến nay vẫn còn rực rỡ sắc vàng. Pho thứ ba là tượng Dược Sư được làm sớm hơn một chút, ngay từ năm 607.
Bên trên các pho tượng là những bức gỗ treo từ trên xuống với nhiều hoạ tiết hình hoa lá, tiên thánh, chim phượng rất đặc sắc và sinh động. Phía sau các tượng đồng có pho tượng Quan Âm, là một trong những bức tượng gỗ được tạc sớm nhất của Nhật Bản.
Cùng ở trên bệ thờ còn có pho tượng nhỏ độc đáo A Di Dà tam tôn. Tương truyền, pho tượng này do mẹ của Thái hậu Komyo dâng cúng vào cuối thế kỷ VII. Tất cả còn rực rỡ sắc vàng và được đặt trên toà sen có cuống hoa mọc từ mặt hồ cũng bằng đồng. A Di Đà cao 34 cm, ngồi xếp bằng trên toà sen lớn nhất ở giữa, cặp mắt từ bi hé mở nhìn thẳng ra không gian phía trước. Giữa đôi lông mày cong thanh tú của ngài là một lỗ nhỏ trong có biểu tượng của ''mắt thần'', có thể là một viên bảo châu được gắn vào. Phía sau đầu tượng là vòng hào quang độc đáo được đúc bằng đồng có tính thẩm mỹ rất cao. Vầng hào quang này gắn vào phần trên của tấm bình phong, thể hiện sự vinh quang của Đức Phật A Di Đà toả sáng muôn đời.
Hai bên tượng chính có Quan Âm Bồ Tát (bên trái) và Thế Chí Bồ Tát (bên phải). Đài sen của hai vị Bồ Tát nhỏ hơn đài sen của tượng chính A DI Đà.
Trên bốn góc bệ thờ có Tứ Thiên Vương đứng trấn. Mỗi tượng được tạo tác ra từ các phiến gỗ long não. Mỗi pho cao 1,33 mét, mặc áo giáp và đứng trên lưng một con quỷ. Vách chung quanh toà Kim Đường trang trí những bức hoạ nổi tiếng vẽ Phật và Bồ Tát. Tranh được vẽ vào đầu thế kỷ thứ VIII. Các bức bích hoạ lại chia thành 12 mảng, có 4 mảng lớn hơn các mảng khác, mỗi mảng cao 3 mét, rộng 2,5 mét, tạo thành bố cục hình tứ giác. Cách thể hiện Phật và Bồ Tát theo phong cách Ấn Độ.
Toà tháp 5 tầng cũng xây trên nền đá hai bậc cao khoảng 32 mét. Bên trong tháp, chính giữa dựng một cột cái để nâng đỡ toàn bộ khối kiến trúc. Ở giữa tầng một, xây bệ thờ bằng đất sét, trên bốn mặt có hình tượng thể hiện bốn cảnh có liên quan đến cuộc đời của Đức Phật: Ở giữa là một nhóm Niết Bàn, phía nam một nhóm Di Lặc, phía đông một nhóm Đuy Ma, phía tây là cảnh phân phát xá lị Đức Phật. Tấy cả đều được tạo tác vào năm 711. Ở chùa Horyu có tới 100 hiện vật có giá trị nghệ thuật cao được bảo tồn là bảo vật quốc gia, trong đó có rất nhiều hiện vật có từ những ngày đầu Phật giáo du nhập vào Nhật Bản. Đã hơn nghìn năm, có biết bao đổi thay của đất nước nhưng ngôi chùa Horyu vẫn giữ nét cổ kính của nó.