Saga - vùng đất giàu truyền thống
Tỉnh Saga có diện tích vào khoảng 2.400 km2 với dân số là 880.000 người. Saga nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên, có tới 6 công viên cấp quận và một công viên cấp quốc gia được xây dựng để bảo tồn của môi trường tự nhiên nơi đây. Khí hậu ở đây rất ôn hoà, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 16oC. Nông hải sản phong phú cùng với những sản phẩm thủ công truyền thống như đồ gốm sứ, đồ thêu là những niềm tự hào của người dân Saga.
Tỉnh Saga nằm ở vùng tây bắc của đảo Kyushu, phía đông giáp với tỉnh Fukuoka, phía tây giáp với tỉnh Nagasaki, phía bắc giáp với biển Genkai và phía nam là biển Arikae – nơi mà chênh lệch mực nước biển khi thuỷ triều lên và xuống tới 6 mét. Vì thế, Saga là một trong những huyết mạch giao thông vận tải quan trọng của vùng Kyushu, thu hút đầu tư của nhiều công ty vận tải như Kyushu Expressway, Trans-Kyushu Superhighway...
Cây long não và chim ác là là hai tượng trưng tiêu biểu nhất của Saga. Từ lâu, cây long não được trồng khắp nơi ở Saga và hiện có cây đã 3.000 năm tuổi. Hoa long não nở vào dịp đầu mùa hè, có 6 cánh màu trắng và được khắc trên con dấu của chính quyền, tượng trưng cho sự công bằng và trung thực. Chim ác là chỉ tìm thấy ở miền bấc Kyushu, có giọng hót quyến rũ và dáng vẻ đáng yêu, luôn đem lại niềm vui cho mọi người.
Saga cũng là cái nôi trao đổi văn hoá quốc tế của Nhật Bản. Khoảng 400 năm trước CN, việc trồng lúa nước được du nhập từ lục địa vào miền bắc Kyushu, trong đó có cả Saga. Theo truyền thuyết Jofuku, khoảng 2000 năm trước, sau khi thống nhất được Trung Hoa, quốc vương Phi Huangdi ra lệnh cho thầy phù thuỷ Jofuku tìm kiếm cho mình một phương thuốc trường thọ - một thứ nước thần mà được nói là có trên núi Kinryu. Trên đường đi tìm núi Kinryu, Jofuku cùng với hàng nghìn chàng trai và cô gái đã vượt qua biển Arikae và Morodomi-cho, và cuối cùng dừng chân tại vùng đất mà ngày nay là Saga. Ngoài ra còn có rất nhiều những mốc lịch sử quan trọng khác có liên quan đến Saga như 400 năm trước Công nguyên - du nhập kỹ thuật làm gốm sứ và luyện thép, năm 1456 - việc uống trà được du nhập từ Trung Quốc, năm 1608 - các thầy tu dòng Đo-mi-ních đã xây dựng nhà thờ đầu tiên tại Saga... Ngày nay có rất nhiều những lễ hội quốc tế được tổ chức hàng năm tại Saga như triển lãm đồ gốm sứ, lễ hội khinh khí cầu...
Một trong những điểm thu hút khách du lịch đến với Saga đó là những lễ hội truyền thống. Dưới đây giới thiệu một số lễ hội chính được tổ chức hàng năm tại Saga.
1) 1 - 5/4: Hội chợ đồ gốm xuân Imari - Mở đầu cho lễ hội lớn ở Arita vào cuối tháng.
2) 18/4: Lễ kỷ niệm Taku Sechyo - Lễ hội mùa xuân ở đền Taku thờ Đức Khổng Tử, một trong những số ít đền thờ Nho giáo ở Nhật Bản.
3) 29/4 - 5/5: Hội chợ đồ sứ Arita - Hội chợ lớn với khoảng 650 cửa hàng.
4) Tuần đầu tiên của tháng 6: Lễ hội kéo co Yobuko – Được tổ chức theo nghi lễ để cầu mong một năm may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng.
5) 20 - 21/7: Lễ hội Hamasaki Gion- Gồm những đám rước kiệu lớn nhiều màu sắc rực rỡ.
6) 22 - 24/10: Lễ hội Imari Ton-Ten-Ton - Là lễ hội ''Bùm cắc bùm'' lớn nhất ở Nhật. Các nhóm khênh kiệu thờ chen đẩy xô lẫn nhau với những cú va đập kinh hồn trên sông Imari.
7) 1 - 3/11: Lễ Hội trà và suối nước nóng – Là lễ hội bày tỏ lòng cảm ơn đối với trà, onsen và đồ gốm sứ.
8) 2 - 4/11: Lễ hội Karatsu Kunchi - Trình diễn những chiếc kiệu có hình dáng động vật và sinh vật biển, được trang trí rất lộng lẫy.
9) Cuối tháng 11: Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế - Bên cạnh cuộc thi khinh khí cầu còn có rất nhiều cuộc thi đấu thể thao sôi nổi khác.
Du khách cũng có thể tham quan một số danh thắng nổi tiếng của Saga như Lâu đài Nagoya (1591), làng cổ Yoshinogari hay tắm Onsen tại một số địa điểm như Ureshino, Takeo, Furuyu, Kumanokawa, Kawakamikyo, Imari, Sari...