Tài liệu: Nhật Bản - Lễ hội Obon

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Hàng năm, cứ vào dịp tháng 8, các gia đình ở Nhật Bản thường quây quần lại với nhau trong một đợt nghỉ khá dài gọi là kỳ nghỉ Obon (theo tiếng Nhật).
Nhật Bản - Lễ hội Obon

Nội dung

Lễ hội Obon

Hàng năm, cứ vào dịp tháng 8, các gia đình ở Nhật Bản thường quây quần lại với nhau trong một đợt nghỉ khá dài gọi là kỳ nghỉ Obon (theo tiếng Nhật). Trong dịp này, hầu hết các con cái đang ở xa đều về thăm gia đình, hoặc đi viếng mộ của những người thân trong gia đình đã khuất. Kỳ nghỉ này thực sự là của gia đình đối với những người Nhật Bản.

Lễ hội Obon mang ý nghĩa là linh hồn của những người đã khuất sẽ quay trở lại nơi trần thế từ ngày 14 tháng 8, nó cũng giống như ngày Rằm tháng bảy là ngày xá tội vong nhân (hay còn gọi là Lễ Vu Lan) ở nước ta. Các đồ thờ cúng của người Nhật Bản trong dịp này là những chiếc bánh như bánh khảo, làm từ bột gạo màu xanh, đỏ, vàng... trông rất đẹp mắt, có thể có nhân đậu đen (thường là hình hoa sen, tiếng Nhật gọi là Hasu-Okashi), cùng với những giỏ hoa quả gồm nhiều chủng loại với những màu sắc khác nhau. Trong dịp lễ Obon, nhiều lễ hội pháo hoa lớn cũng được tổ chức ở các nơi trên đất nước Nhật Bản.

Nhiều hoạt động tín ngưỡng được người Nhật Bản tổ chức để kỷ niệm Lễ hội Obon này. Sự kiện dâng lửa vào đêm ngày 16 tháng 8 hàng năm để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về Trời (sau khi ghé về thăm lại nơi trần thế trong dịp Obon) bằng 5 đám lửa lớn được đốt lên lần lượt ở trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng 1 giờ đồng hồ chính là quanh cảnh tuyệt vời của Cố đô Nhật Bản trong mùa hè và thu hút rất nhiều người Nhật Bản cũng như người nước ngoài đến đây.

Các đám lửa được sắp xếp theo hình dạng của các chữ Hán ở năm ngọn núi, bắt đầu bằng ngọn núi chữ Đại (Daimonji), Diệu (Myo), Pháp (Ho), Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở một đỉnh núi nhỏ hơn gọi là Hidari- Daimonji, gần với Chùa Vàng, và kết thúc bằng đám lửa có hình Torii có nghĩa là Cổng lên Trời. Mặc dù có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc Lễ Dâng lửa này, nhưng đa số cho rằng phong tục này bắt đầu vào thời Muromachi (1336 - 1573).

Vào 8 giờ tối ngày 16 tháng tám, hàng ngàn người sẽ đổ về Kyoto và tập trung đông nhất ở khu vực xung quanh trường Đại học Kyoto để xem ngọn lửa đầu tiên được thắp sáng từ chữ Đại trên ngọn núi Daimonji. Mỗi đám lửa sẽ được thắp sáng trong vòng 30 phút theo thứ tự lần lượt kể trên. Trong khi dâng lửa, cả những người tham gia đến lửa và những người đi xem đều gửi những lời cầu chúc thành kính và lời cầu nguyện tới tổ tiên qua ánh sáng của ngọn lửa.

Sau khi các đám lửa đã cháy hết, các điệu múa của Lễ hội BON sẽ được tổ chức ở Chùa Yusen-ji dưới chân các ngọn núi. Các điệu múa Daimoku và Sashi bắt đầu từ 9 giờ và thường diễn ra trong khoảng 1 tiếng đồng hồ.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2918-02-633556026140958487/Cac-le-hoi-truyen-thong/Le-hoi-Obon.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận