Ngày của biển - Umi no Hi
Ngày của Biển - (Umi no Hi), đã được chọn làm ngày quốc lễ của Nhật kể từ năm 1996. Trong ngày này, tất cả các công sở đều nghỉ làm việc, ở các công viên nước quốc gia sẽ tổ chức nhiều sự kiện đặc biệt, tất cả các hoạt động kinh tế và văn hóa liên quan đến biển đều được tập trung chú ý và nhiều cuộc trình diễn thể thao dưới nước sẽ được diễn ra.
Mục đích của ngày lễ này là nhằm nâng cao nhận thức của người dân Nhật về tầm quan trọng của biển đối với sự tồn tại và phát triển của đảo quốc này. Nhật Bản có chiều dài bờ biển khoảng hơn 29 nghìn km, diện tích thềm lục địa khoảng 304 nghìn km2, diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên biển khoảng 3,7 triệu km2 và trong khoảng cách 100 km dọc theo bờ biển tập trung đến 93,6% dân số.
Về mặt lịch sử, ngày 20 tháng bảy là ngày kỷ niệm sự kiện Nhật Hoàng Minh Trị trở về cảng Yokohama sau chuyến hải hành lên phía bắc đến Hokkaido vào năm 1876. Việc tổ chức kỷ nệm sự kiện này đã được bắt đầu từ năm 1941 với tên gọi là ''Ngày Tưởng niệm Biển'' (Umi-no-kine).
Vào năm 1874, Triều đình Minh Trị đã đặt hãng đóng tàu Robert Napier & Son của Scotland đóng một chiếc tàu tên là Meiji-Maru, loại tàu 2 cột buồm chạy bằng hơi nước. Bằng con tàu này, nhà vua đã thực hiện chuyến hải trình để thị sát vùng phía Bắc nước Nhật năm Aomori đến Hakodate và trở về Yokohama an toàn vào ngày 20/7. Tàu Meiji-Maru được cải tạo vào năm 1898 và được sử dụng tiếp trong hơn 50 năm như mô hình để dạy tại Trường Hàng hải Tokyo. Năm 1978, con tàu được công nhận là “Di sản văn hóa quan trọng'' của Nhật.
Những lâu đài nguy nga bằng tuyết
Ngày nay, con tàu được gìn giữ như là biểu tượng của công nghệ đóng tàu và nghề đi biển Nhật vào thời kỳ cải cách Minh Trị. Ngày 20 tháng 7 còn là ngày bắt đầu kỳ nghỉ hè của học sinh Nhật.
Từ năm 1996, ngày Tường niệm Biển đã được đổi tên là Ngày của Biển. Sau đó, theo Tu chính án của Luật về Quốc lễ, Ngày của Biển được quy định lại là ngày thứ hai của tuần thứ ba tháng bảy, áp dụng kể từ năm 2003.