Thư pháp Nhật Bản
Nhật Bản là một quốc gia rất coi trọng nghệ thuật thư pháp, lĩnh vực có ảnh hưởng rất lớn với nền mỹ thuật của nước này. Trong số 127 triệu người, Nhật Bản có đến gần 10 triệu đang tham gia viết thư pháp, bao gồm cả những nhà thư pháp nổi tiếng và người đang học viết thư pháp.
Thư pháp được coi là một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo của xứ sở hoa anh đào. Tuy nhiên, không có bất cứ tiêu chuẩn nào đối với những người muốn trở thành nhà thư pháp, cũng không có sự phân biệt giữa nam và nữ. Vấn là ở chỗ họ có khả năng, đủ kiên trì và cái tâm để theo đuổi loại hình nghệ thuật thanh tao này không.
Các nhà thư pháp Nhật Bản chú ý tới yếu tố tạo hình hơn là để người xem hiểu ý nghĩa của những chữ mình thể hiện. Một trong những nét đặc trưng của nghệ thuật thư pháp là mang đến cho người xem những xúc cảm khác nhau. Họ có thể hiểu hoặc không hiểu, có thể thấy đẹp hoặc không đẹp... Đó cũng là chủ ý của các nhà thư pháp.
Nghệ thuật thư pháp Nhật Bản xuất hiện sau Trung Quốc và cũng bị ảnh hưởng bởi thư pháp nước này rất nhiều. Nếu như thư pháp Trung Quốc có lịch sử hình thành và phát triển hơn 2000 năm thì thư pháp Nhật Bản mới chỉ xuất hiện từ thế kỷ IV, tức là cách đây khoảng 1500 năm. Mặc dù đã có nhiều sự cách tân nhưng về cơ bản thư pháp Nhật Bản vẫn chịu ảnh hưởng tương đối lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, người Nhật vẫn có sự sáng tạo riêng mà bằng chứng rõ ràng nhất là hệ thống chữ Ca-na, chữ đặc trưng chỉ xuất hiện trong thư pháp Nhật Bản. Nếu như chữ Hán được viết trên giấy trắng thì chữ Ca-na được thể hiện trên nền giấy nhiều màu để phân biệt nét đặc trưng của nghệ thuật thư pháp Nhật Bản. Các nhà thư pháp có cách thể hiện trên các chất liệu khác nhau, dùng mực viết trên giấy và khắc chữ trên gỗ và đá sau đó phủ nhũ lên... Hiện tại, có một số tên tuổi nổi tiếng về thư pháp của Nhật Bản như: Mashiko Tetsushu, Miyake Soshu, Nagamori Soshu, Tanagi Hekien và Kanagawa Michiko...