J-văn học
Nhật Bản đã đóng góp cho thế giới hai nhà văn đạt giải Nobel: Yasunari Kawabata (1899 - 1972) và Kenzaburo Oe (sinh 1935). Nhưng từ cuối những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi, văn học Nhật Bản xuất hiện một trào lưu mới được gọi tên là ''Văn học'' hoặc ''Văn học Shibuyal”.
Chữ ''J'' ở đây là ''Japan'' (Nhật Bản), giống như trong các tên gọi dòng nhạc nội địa ''J- pop'', giải bóng đá nội địa ''I-league'', hay điện thoại nội địa I-phone. Nhưng một số người Nhật lại cho “J” ở đây là ''junk'' (tạp nham), vì họ đã đọc quen các loại văn học trước đây, và vì chủ đề chính của nhiều tác phẩm thuộc ''J- văn học'' là cuộc sống thành thị vốn bị coi là không nghiêm túc, không đáng chú ý.
Shibuya là một quận mới ở Tokyo trở thành trung tâm văn hóa của giới trẻ thủ đô Nhật Bản từ nửa sau những năm 1990. ''Văn học Shibuya'' có nét chung với ''Âm nhạc Shibuya''. Làn sóng nhạc này bắt đầu vào những năm 1980, khi những đĩa CD đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản. Các loại nhạc từ thập nên năm mươi đến thập niên bảy mươi thế kỷ trước được sao lại vào các đĩa CD bày bán rộng khắp tại các cửa hiệu nhạc cũ. Giới trẻ yêu nhạc đến các cửa hàng này được nghe những loại nhạc mà họ chưa từng nghe bao giờ, họ thấy chúng mới mẻ và họ chấp nhận tất cả, không cần biết đến các thứ bậc đẳng cấp của chúng. Từ đó, các ban nhạc ở Shibuya cấu trúc lại các thể loại và thời kỳ âm nhạc mà họ đã được nghe tạo ra loại ''Âm nhạc Shibuya''. J-văn học cũng phát triển theo mô hình tương tự. Nó không nằm trong cái khung đã có sẵn của văn học Nhật Bản. Thay vào đó nó vay mượn từ các tác giả quá khứ, từ phim ảnh, nhạc pop, hội họa, cho đến cả những dạng văn hóa ngầm ở Shibuya để tạo nên mình.
Một đặc điểm đáng chú ý của các tác giả thuộc J-văn học là họ sống biệt lập ngoài giới văn học, tức là họ không phải thuộc giới nhà văn. Komachida là một ca sĩ từ những năm 1970 có nhiều người hâm mộ, ngoài ra anh còn là một diễn viên điện ảnh. Masaya Nakahara là một nhạc công có ban nhạc riêng, đồng thời là một nhà phê bình phim. Mai Akasaka là chủ một gallery ở ga tàu điện ngầm Tokyo. Seigo Suzuki làm việc cho hãng thời trang Comme den Garcons.
Theo Harumasa Abe, nguyên chủ bút tạp chí Văn nghệ (Bungei), tên gọi ''J-văn học'' khởi thủy không phải để chỉ các tác giả hoặc tác phẩm theo một xu hướng nào, mà là để nói về các tác giả bắt đầu viết hoặc có bước đột phá vào những năm 1990. Bản thân các tác giả cũng không tự nhận mình là thành viên của bất kỳ hội nhóm hay xu hướng nào, và họ đặc biệt tránh bị dán nhãn hiệu này nọ.
Tiền J-Văn học
''J-văn học'' không phải là sự thay đổi bất thường, mà đã được chuẩn bị từ trước trong sáng tác của ''hai Murakami và một Banana'': Ryu Murakami, Haruki Murakami và Banana Yoshimoto. Ba tác giả này có một điểm chung là cắt đứt với lịch sử của loại văn học thuần túy Nhật Bản. Không người nào viết kiểu ''truyện cái tôi'' (một kiểu tự truyện hoặc truyện hư cấu lấy tác giả làm nhân vật chính) vốn là dòng chính của văn học Nhật Bản hiện đại. Thay vào đó họ chịu ảnh hưởng mạnh của thứ văn hóa ngoài văn học, nhất là văn hóa pop.
Ryu Murakami sinh 1952 tại Sasebo, một thành phố ở tây nam Nhật Bản nơi có căn cứ quân sự của Mỹ đóng, do vậy anh đã lớn lên trong bầu không khí văn hóa Mỹ trên quê hương mình. Anh vào Đại học Mỹ thuật Musashino, theo học hội họa phương Tây. Năm 1976 anh xuất bản cuốn tiểu thuyết ''Gần như là trong xanh'' (Almost Transparent Blue) và được tặng giải Akutagawa, một giải thưởng văn học uy tín nhất ở Nhật Bản dành cho các tài năng trẻ. Cuốn tiểu thuyết của Ryu Murakami đã gây tranh luận trong giới văn học và công chúng. Những người phản đối thì cho tác phẩm đó chỉ mô tả lối sống và thói quen của lớp thanh niên phóng đãng. Họ coi nó không đáng gọi là văn học. Những người ủng hộ thì cho tác phẩm của Ryu Murakami là thuộc một loại văn học mới. Sự đụng độ các ý kiến như vậy cứ diễn ra suốt một phần tư thế kỷ qua mỗi khi một cuốn tiểu thuyết mới của tác giả này xuất hiện.
Haruki Murakami sinh năm 1949 và bước và làng văn năm 1979 với tiểu thuyết "Nghe gió thổi” (Hear the wind sing). Anh lớn lên ở Kobe, vào học ngành nghệ thuật sân khấu tại khoa Văn học ở Đại học Waseda (Tokyo) năm 1968. Thời gian anh vào đại học là lúc cao điểm của các cuộc biểu tình sinh viên ở các đại học Mỹ và châu Âu. Nhật Bản, cũng như trường đại học Waseda danh tiếng cũng bị cuốn vào dòng xoáy này. Nhưng Haruki Murakami ít quan tâm đến các phong trào cấp tiến đó. Anh thu mình trong thư viện, tìm đọc các Vở kịch cổ. Cũng trong thời kỳ sinh viên, anh đã cùng vợ mở tiệm cà phê nhạc jazz, tiệm này tiếp tục hoạt động ngay cả khi anh đã xuất bản cuốn sách đầu tiên. Các tiểu thuyết của Haruki Murakami chịu ảnh hưởng mạnh của văn học Mỹ hiện đại. Bản thân anh là một dịch giả văn học, đã dịch tác phẩm của các nhà văn Mỹ như Raymond Carver, Scott Fitzgerald, Truyện Capote sang tiếng Nhật. Cuốn ''Nghe gió thổi'' bản thảo đầu anh viết bằng tiếng Anh, sau đó tự dịch ra tiếng mẹ đẻ.
Banana Yoshimoto sinh năm 1964 và xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay ''Nhà bếp'' (Kitchen, đã có bản dịch tiếng Việt) năm 1987. Chị là con thứ hai của nhà triết học và nhà phê bình Takaaki Yoshimoto có ảnh hưởng lớn đến thế hệ trẻ Nhật Bản sau chiến tranh. Nhưng đường văn của Banana không phải chịu ảnh hưởng của bố mà là của truyện tranh (manga) Nhật Bản.
Tuy nhiên không thể nói là hai Murakami và một Banana hoàn toàn thoát khỏi quy chuẩn văn học Nhật Bản. Bố mẹ Haruki Murakami đều là giáo viên văn học và ngôn ngữ. Ryu Murakami lấy tên Ryu là theo tên của nhà văn Nhật nổi tiếng Ryunosuke Akutagawa. Banana Yoshimoto đã từng theo học lớp sáng tác tại trường nghệ thuật thuộc Đại học Nihon. Nhưng bất luận nền tảng văn học của họ thế nào, sáng tác của ba tác giả này được lớp trẻ đón nhận nhiều hơn là giới văn học truyền thống. Lớp trẻ thích nghe nhạc rock, đọc truyện tranh, chơi điện tử, nhảy múa tại các vũ trường thâu đêm suốt sáng là độc giả nồng nhiệt của họ. Những độc giả này rất khác với các thế hệ trước thích đọc sách trong lặng lẽ, trầm tư.
Hai Murakami và Banana cũng rất biết cách tiếp thị tác phẩm của mình. Khác với các tác giả văn học thuần túy thường bắt đầu công bố tác phẩm trên các tạp chí văn học, ba tác giả này hăng hái tung tiểu thuyết của mình lên các tạp chí thời trang, làm đẹp có đông người đọc. Hành động đó của họ như hàm ý là văn học không phải là một hình thức nghệ thuật dành riêng cho giới đặc tuyển có học, mà là một kiểu văn hóa cùng hàng với nhạc pop, truyện tranh, trò chơi điện tử và thời trang. Nói cách khác, văn học Nhật Bản rốt cuộc là thứ nghệ thuật làm vui cho tất cả mọi người. Đây là bước chuyển dọn đường cho sự ra đời J-văn học.
Hậu J-Văn học
Cuối những năm 1990, kinh tế Nhật Bản sau một thời kỳ phát triển ''thần kỳ'', bắt đầu chững lại và suy thoái. Trong hoàn cảnh đó, văn học lúc này cũng có những biểu hiện khác. Các tác giả bắt đầu viết vào cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000 đã sống qua tuổi nhỏ vào thời kinh tế trì trệ. Nếu J-văn học thể hiện cơn tức giận bị kìm nén đối với xã hội và bản thân, thì hậu J-văn học ngược lại, phơi bày một thái độ hoài nghi lạnh lùng, một nỗi chán chường mệt mỏi đối với thế giới và cuộc sống, một sự châm biếm diễu cợt. Điều này giống như xu hướng hiện thực mang tính cực tiểu và bụi bặm trong văn học Mỹ thập niên 1980.
Shuchi Yoshida (sinh 1968) là một tác giả xuất hiện năm 1977. Anh có hai tiểu thuyết được hai giải thưởng khác nhau: cuốn ''Diễu hành'' (Parade) nhận giải Shugoro Yamamoto dành cho loại văn học phổ cập, cuốn ''Đời công viên'' (Park life) nhận giải Akutagawa dành cho loại văn học nghiêm túc. ''Diễu hành” là truyện về một nhóm thanh niên không quen biết nhau nhưng do hoàn cảnh nên sống chung cùng nhau trong một căn hộ. Họ cố giữ một khoảng cách với nhau, không tỏ ra thân mật quá. Kiểu quan hệ liên cá nhân như vậy là một điều mà thế hệ bố mẹ tác giả khó lòng hiểu nổi.
Đời công viên là cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở hai công viên. Nhân vật chính ăn trưa ở công viên Hibiya, còn phần ngày còn lại thì quanh quẩn ở công viên Komazawa. Công viên Hibiya nằm trong khu vực có nhiều địa điểm nổi tiếng như Hoàng cung, khu công sở chính phủ Kasumigaseki, khách sạn Teikoku sang trọng. Ngược ljạai, công viên Komazawa nằm ở khu dân cư bình thường, nơi những người dân thường sinh sống. Nhân vật đi lại giữa công viên Hibiya, biểu tượng quyền lực xã hội, và công viên Komazawa, biểu tượng đời sống thường ngày, điều này tạo nên một sự tương phản thú vị. Cuốn tiểu thuyết không có sự kiện nào to tát, gay cấn, chỉ ghi lại những giao tiếp thường ngày của mọi người. Nhân vật chính trò chuyện với một phụ nữ không tên trong công viên và tác phẩm kết thúc lơ lửng để mặc độc giả tự đoán xem giữa hai người có tiến tới một quan hệ tình cảm hay không. Phần lớn câu chuyện giữa hai nhân vật chỉ là nói về những sự khác nhau nho nhỏ trong tình cảm, cảm xúc của nhau. Tác phẩm vì thế gây ra hai luồng ý kiến đánh giá: một số cho là tẻ nhạt, số khác lại thiện cảm với cách nhìn hoài nghi đối với cuộc sống của nhân vật chàng trai.
Cách nhìn này còn có thể thấy trong hai tiểu thuyết ''Mẹ chạy tốc lực'' (Mother at hyperspeed) của Yu Nagashima và ''Chuyến lái xe cay đắng'' (Salty driving) của Tamaki Daido.
Cả hai cuốn đều được giải thưởng Akutagawa, cuốn đầu năm 2002, cuốn sau năm 2003. ''Mẹ chạy tốc lực'' kể chuyện một cậu bé và mẹ sống ở một thành phố Nhật Bản trong những năm 1970. “Chuyến lái xe cay đắng'' là chuyện mối tình giữa một người đàn ông kiệt quệ ở độ tuổi 60 và một phụ nữ trẻ khi họ về sống với nhau. Cả hai tác phẩm đều không có biến cố gì to tát, cũng không có sự xung đột giữa các nhân vật với nhau. Do đó, những sắc thái khác biệt tinh tế trong cảm xúc, tình cảm giữa các nhân vật lại hiện ra thực hơn.
Một số tác giả hậu J-văn học tìm tòi những cách thể hiện mới. Tác giả D là một thí dụ. Chị là nhà tiểu thuyết và người vẽ truyện tranh, đồng thời còn là họa sĩ và người mẫu, mới đây lại còn thử sức trong lĩnh vực âm nhạc giải trí. Cuốn tiểu thuyết - truyện tranh mới nhất của chị là Kigurumi kể về một thị xã mà dân cư được đánh giá theo mức độ có thông minh sắc sảo hay không. Người dân nào bị coi là thiếu thông minh thì bị chính quyền địa phương bắt mặc trang phục gấu nhồi bông. Điều thể hiện cái thế giới này thông qua sự kết hợp tiểu thuyết và truyện tranh. Đây không phải đơn giản là tiểu thuyết có minh họa, mà là một văn bản đột ngột ngoặt sang lối kể chuyện của truyện tranh, sau đó lại quay lại.
Một trong những tác giả trẻ hậu J-văn học gây được chú ý nhất hiện nay là Otaro Maijyo. Anh xuất hiện năm 2001 với cuốn tiểu thuyết hư cấu giật gân “Khói, đất hay những vật hiến tế (Smoke, soil, or sacrifiices). Hiện nay anh cũng viết cả loại văn học nghiêm túc. Cuốn tiểu thuyết mới ra năm 2003 của anh nhan đề ''Cô gái Ashura'' nói về một vụ cưỡng hiếp đột ngột diễn ra trên đường phố và vụt qua nhanh được kể qua cái nhìn của một cô gái. Tác phẩm gồm những cảnh ngắn lấy từ Internet, các bản tin trên mạng và các bộ phim. Sách được đọc rất nhanh với lối viết đầy tốc độ và độ căng. Không thể không nhận thấy ở dây thái độ hoài nghi và diễu cợt của thời kỳ hậu Văn học này.