Nét đặc trưng trong giao tiếp của người Nhật
Người Nhật thường coi trọng công việc, thứ đến mới là gia đình. Họ coi trọng tính cộng đồng, tập thể hơn là cá nhân.
Người Nhật rất lịch sự và rất coi trọng lễ nghi trong khi giao tiếp. Khi chưa biết rõ nhau, họ thường gọi nhau bằng họ, tên thật chí được dùng khi đã có một mối quan hệ thân thiết. Các mối quan hệ trên dưới (senpai và kouhai) bên ngoài xã hội cũng được phân biệt rất rõ ràng. Trong trường học, những học sinh lớp dưới thường phải vâng lời những học sinh lớp trên, thậm chí đôi khi còn bị bắt nạt nữa. Còn ở công ty, cấp dưới tuyệt đối phải vâng lệnh cấp trên. Cấp trên thậm chí có quyền mắng chửi thậm tệ cấp dưới. Tuy nhiên họ làm như vậy cũng chỉ vì công việc.
Có thể nói là người Nhật lịch sự nhất thế giới. Khi nói chuyện, họ luôn tránh phải đề cập thẳng vào vấn đề, cũng như họ rất ngại phải từ chối một điều gì đó. Khi bạn nhờ vả hoặc đề nghị họ, nếu họ trả lời là ''kangae-sasete'' (có nghĩa là ''để tôi nghĩ thêm đã'') thì bạn nên hiểu đó là một lời từ chối ngầm. Chính vì thế người ta thường nói cách nói chuyện của người Nhật rất ''aimai'' (mơ hồ, lấp lửng). Ngay cả trong một việc rất quan trọng là ''tỏ tình'', họ cũng không bao giờ nói thẳng.
Ngoài ra người Nhật rất sòng phẳng. Nếu họ phải mang ơn người khác, họ sẽ tìm mọi cơ hội đề có thể đền đáp người ta. Khi đi ăn uống họ bao giờ cũng chia đều chi phí (warikan) cho dù là bạn mời họ hay họ mời bạn. Khi mời khách khứa đến dự tiệc, đám cưới, tân gia..., kèm theo thiếp mời bao giờ cũng là một mảnh giấy nhỏ để xác nhận xem việc bạn có đến dự được hay không. Dù đến hoặc không đến được, bạn buộc phải gửi báo lại cho họ biết để họ còn chuẩn bị. Khi ăn, bạn không được phép bỏ dở bất cứ món gì. Nếu không ăn được món nào, bạn phải từ chối ngay từ đầu, tránh việc nếm một vài miếng rồi lại bỏ đấy...
Một trong những điều đầu tiên mà hẳn ai cũng được dặn dò trước khi đặt chân đến nhà người Nhật là:''Nhớ chuẩn bị một món quà nho nhỏ nhé!''. Người Nhật rất thích tặng quà. Hay đúng hơn việc tặng quà đã trở thành một thói quen, một lễ nghi không thể thiếu được trong đời sống người Nhật. Trong khi việc tặng quà vào các dịp sinh nhật, đám cưới và một vài dịp lễ đặc biệt khác là bình thường ở các nước khác, người Nhật thậm chí thường đem tặng quà trong những dịp viếng thăm nhau rất bình thường và coi việc tặng quà như một cách thể hiện sự yêu mến và kính trọng lẫn nhau.
Tặng quà được xem như một cách để người Nhật xác định các mối quan hệ xã hội trong đời thường. Họ tặng quà trong nhiều dịp trong năm. Có khoảng 70 dịp tặng quà khác nhau mà phổ biến là các dịp lễ tết, lớn có Tết Dương lịch (seibou), lễ cảm tạ vào giữa năm (chugen), ngày của Cha, Mẹ (mới du nhập từ các nước phương Tây), Valentine, Giáng sinh, ngoài ra, còn các dịp như có tin vui về việc sinh con, đám cưới, lễ nhập học, tốt nghiệp, thành nhân... rồi các thay đổi như chuyển nhà, thăm bệnh nhân, mua quà lưu niệm khi đi du lịch, các ngày lễ của nhà Phật...
Việc tặng quà ở Nhật vẫn mang tính chất hình thức (theo đúng nghĩa về mặt hình thức bên ngoài lẫn nội dung món quà) với những qui phạm phức tạp. Chỉ xem các loại phong bì dành cho các dịp khác nhau hẳn bạn cũng dễ hoa mắt nhức đầu, vì cho đám cưới sẽ có loại phong bì có chữ ''kotobuki'', đám tang là phong bì có vạch đen in hình hoa sen, hay thăm người bệnh thì phong bì không trang trí hoa đỏ...
Chi phí dành cho các món quà cũng không phải là ít. Bình quân một gia đình Nhật chi tiêu 7,5% thu nhập hàng tháng cho các món quà. Hàng năm tổng trị giá các món quà trên toàn nước Nhật lên đến 7000 tỉ yên (trong đó tiêu dùng vào dịp giữa năm là 760 tỉ yên, dịp cuối năm là 830 tỉ yên), chiếm 1/7 dự toán ngân sách Quốc gia.
Có cầu thì xuất hiện cung, các dịch vụ về quà tặng ra đời. Các dịch vụ này thực hiện việc mua lại những món quà chưa mở, những món quà mà gia chủ không cần đến hoặc đã nhận được nhiều quá, rồi bán lại với giá rẻ dưới dạng discount. Ngoài ra còn có những công ty mua bán những món quà dùng rồi (used gift).