Cảnh quan
Hàng năm, khi những đợt không khí lạnh cuối cùng thổi từ lục địa ra, gây thời tiết bất thường ở bờ Thái Bình Dương vào cuối tháng 2, ấy là khi mùa xuân bắt đầu trên xứ sở hoa anh đào. Đẹp nhất là tháng 4 và tháng 5, nhiệt độ trung bình khoảng 19,120C, mùa hoa Sakura zensen - hoa anh dào - biểu tượng của nước Nhật, bắt đầu. Cả quần đảo của đất nước mặt trời mọc như bừng thức dậy sau một mùa đông giá lạnh. Hàng triệu, hàng triệu người cùng đổ đến các công viên và vườn cây để ngắm anh đào muôn sắc. Những người dân Nhật vốn quen che giấu cảm xúc, trong những ngày này, bỗng nhiên tất cả đều cởi mở hơn, sẵn sàng bày tỏ niềm rạo rực và hân hoan của mình. Với người Nhật, Sakuza zensen tượng trưng cho sắc dẹp, sự mảnh mai và trong trắng.
Phong cảnh và truyền thống Nhật Bản ở từng vùng có sự khác biệt. Về thắng cảnh lịch sử trước hết phải kể đến những ngôi chùa cổ ở Horyu-ji. Có 48 ngôi chùa ở vùng Horyu-ji, thuộc quận Na. Đây là những kiệt tác kiến trúc bằng gỗ cổ nhất ở Nhật Bản. Mười một công trình trong số đó được xây dựng trước hoặc trong thế kỷ XVIII - giai đoạn cực kỳ quan trọng trong lịch sử nghệ thuật của Nhật Bản và nước Nhật đã chấp nhận đưa kiến trúc đạo Phật của Trung Quốc vào văn hóa của mình, cũng như vào lịch sử tôn giáo.
Nằm trong danh sách Những di sản văn hóa của thế giới được UNESCO công nhận năm 1993, cùng với 48 ngôi chùa vùng Horyu-ji là Lâu đài Hemeji - Jo. Một phần lâu đài Himeji được xây dựng lần đầu vào thế kỷ XIV, gợi nhớ đến hình ảnh một con diệc trắng như tuyết.
Được xây dựng vào năm 794 sau CN, theo kiểu kinh đô Trung Hoa cổ đại là những công trình lịch sử của đô thành cổ Kyoto. Kyoto, cố đô Nhật là trung tâm văn hóa chính trị trong suốt hơn 1.000 năm. Những công trình này cho thấy nghệ thuật kiến trúc gỗ Nhật Bản thời kỳ này có những bước phát triển quan trọng, thể hiện trong kiến trúc nhà ở dân dụng, đặc biệt là kiến trúc tôn giáo và nghệ thuật làm vườn đã có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật làm vườn của thế giới. Năm 1994, UNESCO đã công nhận những công trình này là Di sản văn hóa thế giới.
Đẹp và quyến rũ vô cùng là các ngôi đền và lâu đài cổ kính ở Honshu, đặc biệt là khu vực quanh Kyoto và Nara. Không chỉ là nơi những ngôi đền đầu tiên của nước Nhật được xây dựng, Thánh địa Itsukushima Shinto Shrine làm say đắm lòng người vì phong cảnh sơn thủy hữu tình với hình thế sông núi đẹp mắt, biển rộng trời cao cùng những đền đài linh thiêng. Hãy đến Nara để tận mắt chứng kiến một di sản văn hóa khác đã được UNESCO xếp hạng năm 1998, nơi ghi dấu một thời kỳ thay đổi sâu sắc về chính trị, văn hóa của nước Nhật.
Các làng cổ Shirakawa-go và Gokayama là một địa điểm mà du khách không nên bỏ qua. Chúng nằm trong vùng rừng núi, biệt lập với thế giới bên ngoài trong một thời gian dài. Những làng mạc này tồn tại đến nay và được thế giới biết đến là nhờ dân địa phương có nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Nhà của người dân vùng này có một không hai ở Nhật Bản, mái lợp rạ nhưng rất dốc và to gấp đôi mái nhà thông thường. Mặc dầu xã hội Nhật Bản có những bước phát triển cực kỳ nhanh chóng, nhưng những ngôi làng này vẫn giữ gìn nếp sống truyền thống một cách hoàn hảo. Năm 1993, vùng Yakushima, nằm trên đảo Yaku, điểm gặp nhau giữa Bắc Cực và vùng Viễn Đông, được bổ sung vào danh sách những Di sản văn hóa thế giới trên đất Nhật. Yakushima là một vùng giàu có về các loại thực vật trong đó có khoảng 1.900 loài thực vật đặc hữu, chẳng hạn loài tuyết tùng Nhật Bản. Rừng ở Yakushima là rừng ôn đới.
Cũng có những thắng cảnh hiện đại đẹp như khu mua bán và giải trí ở Tokyo và Osaka, những lễ hội đặc biệt ở vùng Sapporo, Yokote hay Fukuoka làm say mê bất cứ du khách nào từng may mắn được viếng thăm xứ sở của hoa anh đào, trà đạo, các vở kịch rối, và búp bê Kosheki... Những lễ hội này là văn hóa Nhật, là đất nước Nhật và là những nét đẹp tinh tế trong tâm hồn Nhật, xã hội Nhật ở thời hiện đại Nhật Bản quả là đất nước thiên nhiên tinh tế trong sáng và nền văn hóa đa dạng sâu sắc.
Tại Yokote, Akita thuộc miền Bắc nước Nhật, trẻ em thường đắp những ngôi nhà bằng tuyết (kamakura)- nơi chúng vui chơi với bạn bè trong suốt lễ hội.
Không có ngoại lệ nào dành cho bất cứ phương tiện giao thông nào được qua lại khu Ginza ở Tokyo vào ngày Chủ nhật và các ngày lễ. Đây là địa điểm mua sắm - thậm chí được gọi là thiên đường mua sắm của người Nhật và du khách vào những dịp này.
Mọi trẻ em Nhật đều mơ ước được đến chơi tại khu công viên Disneyland ở Chiba, Tokyo. Người Nhật rất tự hào nhận xét, trong suốt 2 thập kỷ qua, cuộc khủng hoảng kinh tế và những hậu quả tệ hại của nó đã phải dừng bước trước cổng công viên xinh đẹp này.
Đền Kinkakuji phủ vàng ở cố đô Kyoto, được xây dựng lần đầu vào thế kỷ XIV. Đảo Nakanoshima là trung tâm hoạt động kinh doanh ở Osaka.
Công viên tưởng niệm Hòa Bình ở Hiroshima là nơi tưởng niệm những nạn nhân khi thành phố bị bom nguyên tử phá hủy năm 1945.
Cầu Seto Ohashi dài 7.016 mét, nối Honshu với Shokoku - được ví là ''nhảy cóc'' qua những hòn đảo trên biển nội địa Seto.
Chợ Nishiki: Còn được biết đến với tên gọi ''nhà bếp'' tại cố đô Kyoto, chợ này gồm chừng 140 quầy hàng bán đứng và liền kề nhau trên một đoạn hẻm nhỏ dài chỉ 400 m.
Núi Phú Sĩ: Ngọn núi duyên dáng này thu hút tuyệt đại đa số du khách tới tham quan Nhật Bản.
Các thành phố lớn của Nhật Bản phải kể đến Tokyo, Kyoto, Osaka, Nikko, Yokohama, Nara, Sendai, Sapporo, Nagoya... Yêu cầu tập trung lao động theo vùng lãnh thổ của ngành công nghiệp chế tạo đã thúc đầy việc mở rộng ngoại ô của các thành phố lớn và thúc đẩy sự phát triển những trung tâm công nghiệp mới theo các nhà máy riêng biệt. Ví dụ thành phố Kita-Kyushu mọc lên ở Bắc Kyushu gắn liền với sự phát triển công nghiệp sắt thép dọc theo vịnh Dokai. Những thị trấn nhỏ hơn và đơn lẻ có thể thấy ở khắp Nhật Bản, từ Nobeoka ở tỉnh Miyazaki, Kyushu là vùng hóa chất Asahi đến thành phố Toyota chế tạo ô tô gần Naogoya rồi xứ sở giấy Oji ở Tomakomai, Hokkaido... Các thành phố công nghiệp nhỏ khác đã phát triển xung quanh các khu vực công nghiệp mà dây chuyền sản xuất có đủ đại lý bán buôn, nguồn cung cấp phụ tùng và các xí nghiệp lắp ráp. Điển hình có xí nghiệp sản xuất túi Toyooka ở tỉnh Hyogo và trung tâm sản xuất đồ dùng ăn uống Tsubame ở tỉnh Niigata...
Một trong những điểm đặc biệt hấp dẫn du khách đến Nhật là việc miễn thuế mua hàng hóa. Nếu du khách có hộ chiếu đi kèm (chỉ áp dụng đối với những hộ chiếu ngắn ngày) và tiêu trên 10.000 yên/ngày thì sẽ được miễn 5% thuế tiêu thụ ở những trung tâm và kho hàng lớn tại những thành phố lớn. Tuy nhiên, quy định thú vị này không áp dụng đối với các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm, các đồ uống có Cồn, thuốc lá, dược phẩm, phim và pin. Ở một số kho hàng nhất định trên khắp nước Nhật, những khách hàng nói tiếng Anh thường được ưu đãi hơn khi tính hóa đơn.
Du khách có thể mang đến và mang đi bất cứ loại tiền nào, nhưng nếu quá 1 triệu yên, bạn sẽ bị thẩm vấn. 500g thuốc lá, tương đương với 400 điếu xì gà hoặc 100 điếu thuốc lá, 3 chai chất lỏng (tối đa 770cc/chai), không hơn 70ml nước hoa, quà tặng và đồ lưu niệm trị giá dưới 200.000 yên là những mặt hàng du khách được quyền mang khỏi biên giới Nhật mà không bị đánh thuế.
Là một quần đảo trải dài cả hơn ngàn cây số nên trong khi những đảo miền nam của Nhật nằm gần với Đài Loan nắng vẫn chói chang thì miền bắc tiếp giáp với nước Nga, tuyết đã rơi đầy. Theo thời tiết, các lễ hội truyền thống cũng dược tổ chức quanh năm tại các địa phương của Nhật.
Tháng 2
Ở Nhật Bản, tháng 2 là tháng lạnh nhất trong năm. Ở Hokkaido và vùng biển Nhật Bản, do tuyết rơi rất nhiều nên người ta thường tổ chức lễ hội tuyết, trong đó nổi tiếng nhất là lễ hội tuyết ở vùng Sapporo. Tại đây, người ta thường đắp những ngôi nhà và những hình người bằng tuyết cao đến vài mét. Không chỉ có người Nhật mới tham gia lễ hội này mà còn có rất nhiều khách du khách nước ngoài đến từ khắp mọi nơi trên thế giới cũng tham gia. Thời gian này cũng là lúc người Nhật nô nức kéo nhau đi trượt tuyết.
Nếu như ở Việt Nam, tháng 6 là mùa thi thì ở Nhật, tháng 2 là lúc các trường phổ thông, đại học, cao đẳng bắt đầu mùa tuyển sinh. Các kỳ thi này có tính cạnh tranh rất quyết liệt vì vậy người ta thường gọi đó là kỳ thi của địa ngục (ám chỉ một kì thi đầy khó khăn).
Ngày 3-2 được gọi là ngày trước ngày lập xuân. Đây là ngày giao mùa giữa mùa đông và mùa xuân. Theo quan niệm của người Nhật, đây là ngày xua đuổi tà ma và đón một mùa xuân mới đến, do vậy để đuổi tà ma, họ có làm một nghi lễ nhỏ. Khi trời tối, tất cả các gia đình tụ tập nhau lại và ăn đậu. Họ tin rằng nếu mỗi người ăn số hạt đậu bằng đúng số tuổi của mình, họ sẽ có được sức khoẻ dồi đào trong suốt một năm.
Ngoài ra họ còn có tục ăn sushi, đặc biệt là makisushi. Món ăn đó, ngoài cách gọi là mak-isushi, ở vùng Kansai người ta còn gọi là nori-maki, vì nó được làm từ rong biển. Phong tục này chỉ có ở vùng Kansai (Osaka). Vào ngày lễ đuổi Oni- ngày 3/2 - mỗi người cầm một ''nori-maki'', nhắm mắt lại và chĩa về một hướng, hướng này gọi là ''hướng cầu may'' để cầu mong sức khoẻ và tránh được tà ma trong suốt một năm. ''Hướng cầu may'' được qui định theo 12 con giáp nên khác nhau tuỳ theo từng năm.
Thông thường thì khi ăn sushi, người ta cắt nhỏ ra rồi mới ăn, nhưng vào ngày này người ta lại để nguyên cả chiếc, không cắt vì họ quan niệm rằng cắt sushi cũng là cắt đi may mắn, hạnh phúc. Ngoài ra, do Sushi nhìn trông giống như chiếc gậy của quỷ sứ, nên ăn cả chiếc Sushi có nghĩa là lấy mất đi ''bảo bối'' của quỷ.
Ngày 4/2 là ngày lập xuân. Hoa mai và hoa thuỷ tiên cũng bắt đầu nở. Từ trung tuần tháng 2 trở đi thì có gió nồm đầu xuân, báo hiệu một mùa xuân mới lại đến.
Tháng 3
Trong tiếng Nhật cổ, tháng 3 còn gọi là Yayoi, có nghĩa là sự trưởng thành.
Lễ hội đầu tiên trong tháng 3 là Hinamatsuri, diễn ra vào ngày 3/3. Tại các gia đình có con gái, để cầu mong sự may mắn đến cho con mình, cha mẹ thường trang trí những con búp bê trong nhà, mời gia đình họ hàng đến cùng thưởng thức những món ăn truyền thống như chirashizushi... Búp bê được làm với một kỹ thuật vô cùng cầu kỳ và tinh xảo, thường được xếp lên một chiếc giá có trải thảm đỏ và đặt tại một vị trí rất trang trọng trong nhà. Một giá có khoảng 15 con búp bê, giá trên cùng là dành cho búp bê Nhà vua và Hoàng hậu, tiếp theo là hình búp bê của 3 thị nữ, 5 nhạc công, 2 lão quản gia và 3 vệ sĩ. Ngoài ra, còn có một số đồ trang trí khác như cây hoa anh đào, cây cam, xe ngựa v.v...
Đây thực chất là một lễ hội với ý nghĩa giúp cho con người tránh được sự đe doạ của ma quỷ. Mỗi một người sẽ tự làm một bức tượng nhỏ hoặc một con búp bê có bề ngoài giống với bề ngoài của mình, sau đó đem thả trôi sông, hi vọng rằng tất cả những tà ma sẽ trôi hết đi.
Ngoài ra, ngày 3/3 còn là ngày người Nhật chọn để tất cả mọi người quan tâm hơn về đôi tai của mình. Tương tự như vậy, ngày 4 tháng 6 là ngày ''toàn dân chống sâu răng'', ngày 7 tháng 8 là ngày ''toàn dân chống bệnh về mũi''. Một năm học ở Nhật bắt đầu vào tháng 4 và kết thúc vào tháng 3, do đó vào tháng này trên khắp các trường học ở Nhật đều diễn ra lễ trao bằng tốt nghiệp cho học sinh. Sau đó các trường học sẽ bước vào kỳ nghỉ xuân.
Giống như các trường học, vào tháng này, các xí nghiệp, công ty, ngân hàng... cũng tổng kết một năm tình hình tài chính của mình. Do đó có rất nhiều người chọn thời điểm này để thay đổi hoặc bắt đầu một công việc mới.
Đêm 12/3, ở khu thành cổ Nara diễn ra lễ hội nước thiêng (có từ thế kỷ XVIII). Đây là một trong những lễ hội lớn báo hiệu mùa xuân sang ở vùng Kansai. Lễ hội bắt đầu vào khoảng 12h đêm ngày 12/3. Tại khu hành lang chính của đền thờ, các thầy tu giương cao những bó đuốc sáng rực, thỉnh thoảng lại đung đưa để những tia lửa bắn xuống hàng nghìn các tín đồ đang đứng ở phía dưới. Người ta tin rằng nếu ai '' chộp'' được một tia lửa từ các bó đuốc đó thì sẽ tránh được sự đe doạ của ma quỷ và bệnh tật trong suốt một năm. Đến khoảng 2h đêm, một thầy tu sẽ rước đuốc về phía ''Giếng Thiêng'' bên trong đền thờ. Vị thầy tu này có nhiệm vụ lấy một bình nước từ ''Giếng Thiêng'' và đem dâng lên Phật Tổ.
Ngày 21/3 là ngày ''Xuân phân''. Đây là ngày mà ban ngày và ban đêm dài như nhau. Cũng giống như ở Việt Nam, lúc này cũng là lúc người Nhật rủ nhau đi tảo mộ (Thanh minh).
Tháng 4
Thời tiết đã bắt đầu ấm dần lên, tuy nhiên một số vùng ở Hokkaido và vùng Touhoku (Đông Bắc) vẫn còn Kantou, hoa anh đào đã bắt đầu nở.
Ở Nhật tháng 4 là tháng bắt đầu một năm học mới. Các trường học tổ chức lễ khai giảng và đón các học sinh mới.
Các công ty cũng tổ chức đón tiếp các nhân viên mới. Giám đốc mỗi công ty đều có một vài lời chào hỏi, động viên đối với các nhân viên mới này. Các nhân viên mới trước và sau khi chính thức được nhận vào làm ở công ty đều phải trải qua một thời gian tập sự (ít nhất là 3 ngày, nhiều nhất là 3 tháng). Trong thời gian này, họ sẽ được tìm hiểu về bộ máy điều hành của công ty, về chế độ bảo hiểm và các nghi thức cũng như cách cư xử trong nội bộ công ty.
Tháng 4 cũng là tháng bắt đầu một mùa giải bóng chày (yakyu). Bóng chày là môn thể thao phổ biến và được ưa chuộng nhất ở Nhật. Bóng chày du nhập vào Nhật từ khoảng năm 1873. Tuy nhiên, đến năm 1937, nó vẫn chỉ là một bộ môn trong các trường học. Phải đến sau chiến tranh thế giới thứ II, khi mà nền văn hoá Mỹ ồ ạt tràn vào Nhật thì bóng chày mới thực sự phổ biến.
Lúc này, người Nhật cũng bắt đầu nô nức kéo nhau đi xem hoa anh đào nở (ohanami). Do ở phía Nam Okinawa thời tiết ấm áp nên hoa anh đào ở đây nở sớm nhất, tiếp theo là ở vùng Kyushyu, Shikoku, còn ở Hokkaido thì phải đến đầu tháng 5, hoa anh đào mới nở. Khoảng một tuần sau đó thì hoa tàn.
Tháng 5
Thời tiết tháng 5 rất đẹp, tiết trời mát mẻ. Vì vậy tháng 5 là thời điểm hợp nhất để tổ chức các hoạt động thể thao hoặc đi tham quan, du lịch.
Ngày 1/5 là ngày Quốc tế lao động. Ở khắp các công ty, xí
nghiệp, nhà máy đều diễn ra các hoạt động họp mặt, hội nghị chúc mừng.
Tiếp theo là 3 ngày lễ liên tiếp: mùng 3 là ngày Hiến pháp, mùng 4 là ngày Quốc dân, mùng 5 là ngày trẻ em.
Từ ngày ''Midorinohi'' (29/4) cho đến ngày Lễ trẻ em (5/5), do có nhiều ngày lễ liên tiếp, nên người Nhật được nghỉ luôn từ 29/4 đến hết ngày 5/5. Người ta gọi đây là tuần lễ vàng ''Golden week'' . Mọi người cùng gia đình bạn bè tổ chức đi du lịch, tham gia các hoạt động thể thao v.v.... Người Nhật rất thích đi du lịch nước ngoài. Ước tính hàng năm có khoảng hơn 10 triệu lượt người Nhật du lịch ở nhiều nước khác nhau. Họ đi trước hết là để giải toả những mệt mỏi, căng thẳng trong công việc. Hơn nữa vì giá cả ở Nhật rất đắt đỏ nên đi du lịch nước ngoài rẻ hơn nhiều so với đi du lịch trong nước.
Ngày lễ trẻ em (5/5), còn gọi là ngày tết Đoan Ngọ. Trước kia, đây là ngày lễ để cầu chúc cho sự trưởng thành của các bé trai, nhưng bây giờ đã trở thành ngày cầu chúc cho cả bé trai lẫn bé gái. Tại các nhà có bé trai, cha mẹ dựng cờ cá chép trước cổng nhà. Điều này xuất phát từ một truyền thuyết của Trung Quốc về những con cá chép vượt Vũ môn hóa rồng. Còn bên trong nhà, họ trang trí búp bê hình các chiến binh, và mũ chiến binh với hi vọng rằng lớn lên các bé trai sẽ khoẻ mạnh và dũng cảm như những chiến binh. Ngoài ra, các gia đình còn cùng nhau đi tắm ở suối nước nóng.
Ngày Chủ nhật thứ 2 trong tháng là ngày Mother's Day. Trong ngày này, con cái thường tặng mẹ hoa cẩm chướng đỏ (camation) và những món quà nho nhỏ để bày tỏ lòng kính yêu mẹ.
Tháng 5 cũng là lúc cây chè bắt đầu mùa lá mới, loại trà được chế biến từ những chiếc lá đầu tiên này có mùi vị rất thơm ngon.
Tháng 7
Cũng giống như ở Việt Nam, ở Nhật tháng 7 cũng là lúc để mọi người đi nghỉ mát, tắm biển hoặc leo núi.
Ngày 7/7 là ngày Thất Tịch. Theo một truyền thuyết có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày 7/7 là ngày duy nhất trong năm mà Ngưu Lang và Chức Nữ có thể gặp nhau trên dải Ngân Hà. Vào ngày này, trẻ em Nhật Bản cắt những mảnh giấy nhỏ đủ màu sắc, viết những điều ước của mình lên đó rồi treo lên một cành tre to.
Trong khoảng thời gian từ 1 đến 15/7, người Nhật có phong tục tặng quà để bày tỏ lòng cảm ơn đối với những người đã giúp đỡ mình. Phong tục này được gọi là Ochyugen. Những món quà được ưa dùng trong dịp này thường là đồ uống, thực phẩm, hoa quả, bánh kẹo v.v... Thậm chí, người ta còn tặng nhau cả phiếu để ăn kem hoặc uống bia.
Từ trung tuần tháng 7 cho đến đầu tháng 8, người Nhật thường gửi cho bạn bè, người thân những bưu thiếp để hỏi thăm tình hình sức khoẻ của nhau. Trong bưu thiếp thường có câu ''Thời tiết thật là nóng nực phải không? Bạn vẫn khoẻ chứ?''. Khoảng ngày 20/8, học sinh, sinh viên bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè. Nhưng đối với các học sinh sắp thi vào cấp 3 hoặc thi đại học thì đây là lúc cam go nhất. Các lò luyện thi từ sáng đến tối lúc nào cũng đông nghịt những học sinh đi luyện thi.
Tháng 8
Thời tiết trong tháng 8 nói chung rất dễ chịu và mát mẻ. Ngày 6/8 ở Hiroshima, ngày 9/8 ở Nagasaki là ngày tưởng nhớ đến 2 vụ ném bom nguyên tử của đế quốc Mỹ xuống Nhật vào cuối Thế Chiến thứ II.
Ngày 15/8 là ngày kỷ người ta tổ chức các cuộc họp mặt, hội nghị để cầu chúc hoà bình cho thế giới.
Tháng 8 là tháng có lễ hội Obon nồi tiếng của Nhật. Lễ hội Obon, theo như đạo Phật là lễ hội để đón linh hồn của tổ tiên về thăm gia đình, diễn ra khoảng từ ngày 13 đến 15. Để đón linh hồn của tổ tiên, người ta đặt ở trước cửa nhà một con ngựa được làm từ các loại rau và đất một đống lửa nhỏ gọi là mukaebi. Ngoài ra, có nơi người ta còn tổ chức nhảy múa Obonodori và bắn pháo hoa. Vào ngày XVI khi lễ hội Obon kết thúc, người ta thay mukaebi bằng okuribi để đưa tiễn linh hồn của các tổ tiên. Cũng có nơi người ta tiễn đưa bằng cách thả những chiếc đèn lồng xuống sân.
Trong khoảng thời gian diễn ra lễ hội Obon, các công ty, xí nghiệp đều được nghỉ. Các nhân viên tranh thủ về quê thăm gia đình hoặc đi du lịch đây đó.
Trong tháng 8 cũng diễn ra đại hội bóng chày của các trường cấp 3 trên toàn quốc.
Tháng 9
Hầu hết tất cả các trường học ở Nhật đều bắt đầu học kỳ 2 từ ngày 2/9, sau gần 2 tháng nghỉ hè (20/7).
Ngày 1/9 là ngày phòng tránh hoả hoạn (Bousainohi). Vào ngày 1/9/1923, một trận động đất lớn (7.9 ~ 8.2 độ) đã xảy ra ở vùng Kanto, làm 99 331 người bị thiệt mạng, 43 476 người mất tích, 103 733 người bị thương, 128 266 ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn... Kể từ đó, chính phủ Nhật đã lấy ngày 1/9 hàng năm là ngày để tất cả các trường học, công sở, thành phố, địa phương tổ chức huấn luyện lánh nạn và phòng tránh hoả hoạn khi có động đất xảy ra. Về thời tiết, tháng 9 là tháng có nhiều bão. Bão khiến cho cây cối bị đổ, mùa màng thất bát. Khoảng đầu tháng 9, do luồng khí áp cao ở biển Thái Bình Dương còn mạnh, nên các ngày nắng nóng vẫn còn, nhưng từ khoảng trung tuần trở đi, nhiệt độ buổi sáng và ban đêm đã hạ xuống.
Từ ngày xưa, người Nhật coi trăng trong khoảng thời gian này là đẹp nhất, tròn nhất trong một năm. Buổi tối, họ thường ngồi ngắm trăng ăn bánh đày, susuki, rượu nho, hạt dẻ … Phong tục này được du nhập từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ X (giống như tết Trung Thu của Việt Nam). Bên cạnh đó, không giống như quan niệm của người Việt rằng trên mặt trăng có chú Cuội, chị Hằng, người Nhật nhìn lên mặt trăng và tưởng tượng ra đó là hình ảnh một chú thỏ đang giã gạo. Gần đây, do các toà nhà cao tầng mọc lên như nấm, khó có thể ngắm trăng được, thêm vào đó cuộc sống, công việc bận rộn, không có nhiều thời gian nên số người còn giữ phong tục ngắm trăng càng ngày càng ít đi.
Ngày 15/9 là ngày lễ người cao tuổi (Keirounohi). Bắt đầu từ năm 1966, ngày này chính thức được công nhận là ngày lễ quốc gia. Mọi người cùng đến thăm ông bà, cha mẹ và những người cao tuổi mà mình biết để bày tỏ lòng cảm tạ.
Cũng giống như một số nước khác, người Nhật cũng tổ chức lễ thượng thọ cho ông bà, cha mẹ. Ngoài lễ thượng thọ vào các năm 60, 70, 80, 90 tuổi ra, người Nhật còn tổ chức kỷ niệm vào các năm 66, 77, 88, 99 vì họ tin rằng sự lặp lại của hai chữ số có nghĩa là may mắn được nhân đôi.
Tháng 10
Ngày 1/10 là ngày thay đổi từ đồng phục mùa hè sang đồng phục mùa đông. Ngoài ra, từ ngày 1/10, tại các nhà ga, công ty, trường học, phong trào quyên góp tiền cũng bắt đầu. Phong trào này được gọi là ''Akaihanekyodoubokin''. Phong trào này có nguồn gốc từ châu Âu, du nhập vào Nhật Bản năm 1948. Ở châu Âu, chiếc lông vũ màu đỏ là biểu trưng cho sự công bằng và lòng dũng cảm. Bất cứ ai bỏ tiền vào hộp quyên góp đều được tặng một chiếc lông vũ màu đỏ đeo trước ngực.
Ngày 10/10 là ngày đại hội thể dục thể thao (Taiikunohi). Ngày 10/10/1964, thế vận hội Olympic được tổ chức tại châu Âu, kể từ đó trở đi, người ta lấy ngày này là ngày diễn ra các đại hội thể thao ở các trường học và các khu phố. Khoảng từ trung tuần trở đi sẽ có giải đua ngựa và bóng chày chuyên nghiệp.
Về thời tiết, thời tiết tháng 10 nói chung là ôn hoà, không nóng cũng không lạnh. Vì thế đây là thời điểm thích hợp để đi du lịch hoặc picnic. Cả gia đình có thể cùng nhau lên núi nhặt hạt dẻ hoặc vào các vườn cây hái các loại hoa quả tươi của mùa thu như lê, hồng v.v...
Một đặc điểm nữa là tháng 10 có rất nhiều lễ cưới, nhất là vào ngày lành tháng tốt như ngày Đại An. Ngày xưa, trong lễ cưới người Nhật coi trọng việc tiếp đãi quan khách là chủ yếu vì vậy một lễ cưới thường kéo dài 3 ngày 3 đêm. Ngày nay, lễ cưới chỉ gói gọn trong vòng một ngày nhưng cũng không kém phần long trọng, có đầy đủ cả bánh gatô và nến giống như phương Tây.
Người Nhật tổ chức hôn lễ theo 3 hình thức: Theo nghi thức của Đạo Thần (47,6 %): Số người được mời đến tham dự lễ cưới tại đền thờ không nhiều, chỉ giới hạn trong họ hàng và bạn bè thân tín. Sau khi thầy tu đọc một bài kinh cầu chúc cho đôi uyên ương, hai người sẽ tiến hành một nghi lễ nhỏ gọi là “san san ku do'' - cô dâu chú rể trao đổi với nhau mỗi người 3 chén rượu sake với ý nghĩa 3 nhân 3 là chín - tức là họ sẽ bên nhau mãi mãi (vĩnh cửu). Các vị khách mời sau đó cũng làm như vậy để thắt chặt thêm mối quan hệ giữa hai gia đình.
Theo nghi thức của Đạo Thiên Chúa giáo (46,8%). Để tổ chức theo nghi thức này, không bắt buộc cả hai người đều phải theo đạo Thiên Chúa. Họ làm như vậy đơn giản chỉ vì họ muốn có một lễ cưới của riêng hai người, chứ không muốn một lễ cưới ồn ào, tốn kém. Hai người có thể tự chọn một nhà thờ nào đó, mời cha mẹ và một số ít họ hàng, bạn bè đến tham dự.
Theo nghi thức của Đạo Phật (1,8 %). Nhà sư sau khi đọc một bài kinh thì trao cho cô dâu một chuỗi tràng hạt màu trắng, chú rể một chuỗi màu đỏ. Sau đó tất cả mọi người cùng vui vẻ uống rượu sake để chúc mừng đôi bạn trẻ
Tháng 11
Vào tháng 11, thời tiết bắt đầu se lạnh. Ở các vùng, lá cây đã chuyển dần sang màu đỏ. Đi nhặt lá đỏ là một thú vui của người Nhật trong tháng này.
Ngày 3/11 là ngày hội văn hóa, mọi người đều được nghỉ. Những người đạt thành tích cao trong các lĩnh vực nghệ thuật hoặc trong học tập sẽ được trao thưởng huân chương ở Hoàng Cung. Bộ giáo dục là cơ quan xem xét và lựa chọn ra người được nhận huân chương.
Ngày 15/11 là ngày Shichigosan. Các bé trai 5 tuổi, bé gái 3 và 7 tuổi và lễ ở các đền thờ để tạ ơn trời đất và cầu mong sức khoẻ và hạnh phúc. Đối với các bé gái 3 tuổi, đây còn là ngày lễ đánh dấu việc các bé bắt đầu nuôi tóc dài. Còn đối với các bé trai 5 tuổi, và bé gái 7 tuổi, đây là dịp lễ để các bé diện những bộ áo kimono. Tất cả các bé đều cầm trên tay những chiếc kẹo Thiên Tuế (Chitoseame) đỏ hoặc trắng được làm từ bột mì tẩm đường, tượng trưng cho sức khoẻ và sự trường thọ.
Ngày 23/11 là ngày lễ Tạ ơn Lao Động, cả nước đều được nghỉ. Khoảng cuối tháng, tại các khu buôn bán ở Tokyo có hội chợ. Mọi người đến đó mua một cái cào kumade, cầu mong cho việc làm ăn buôn bán của mình được thuận buồm xuôi gió. Phong tục này bắt nguồn từ một lễ hội của người nông dân khi thu hoạch xong vụ mùa vào mùa thu. Họ mang một con gà đến các đến thờ cúng bái đế tạ ơn trời đất. Đổi lại họ sẽ nhận được một cái bồ cào bởi vì cái bồ cào khiến người ta liên tưởng tới việc gặt hái được nhiều thành công và tiền bạc. Cùng với thời gian, ý nghĩa của lễ hội dần dần thay đổi, ngày nay nó là lễ hội của những người lam kinh doanh, buôn bán.
Những chiếc bồ cào được trang trí với những biểu tượng về tiền bạc sặc sỡ được bày bán rất nhiều ở khu vực quanh đền thờ.
Tháng 12
Đầu tháng 12, các công ty Nhật Bản đều phát tiền thưởng cho nhân viên (một năm 2 lần phát thưởng, cuối tháng 6 và đầu tháng 12). Cũng giống như thói quen tặng quà ''ogenchu'' ở tháng 7, tháng 12 này, mọi người cũng gửi quà đến để cảm tạ những người đã giúp đỡ mình trong suốt năm qua. Tập tục này được gọi là Oseibo. Vào dịp này, các cửa hàng lúc nào cũng nhộn nhịp khách mua hàng cho Oseibo, Noel và cho năm mới.
Ngày 22/12 là ngày Đông Chí, người ta thường ăn bí ngô và tắm nước cây yuzu vì họ tin rằng làm như vậy sẽ tránh được cảm lạnh. Bắt đầu từ lúc này, các trường học sẽ bắt đầu bước vào kỳ nghỉ đông. Ngày 23/12 là ngày sinh nhật Thiên Hoàng, cả nước đều được nghỉ.
Ngày 25/12 là Noel. Tuy vẫn phải đi làm như bình thường nhưng rất nhiều người vẫn tổ chức các buổi tiệc hoặc đi chơi vào ngày này, mặc dù họ không hề theo đạo Thiên Chúa. Trên đường phố, trước các cửa hàng, người ta trang trí cây thông Noel, bật bản nhạc của đêm Giáng Sinh và ăn bánh Giáng Sinh.
Khoảng thời gian này, nhiều nơi cũng tổ chức ''Bonenkai''. Bonenkai là buổi họp mặt của các bạn bè, đồng nghiệp. Họ tụ tập nhau lại, tổ chức liên hoan, nhậu nhẹt, hát karaoke để quên đi những điều không may của năm cũ.
Ngày 28/12 là ngày làm việc cuối cùng của các công ty trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết. Các nhà ga, sân bay trở nên đông đúc bởi những người về quê ăn tết hoặc đi du lịch nước ngoài vào dịp năm mới. Các gia đình cũng bận rộn với việc dọn dẹp nhà cửa và mua sắm cho ngày tết.
Ngày 31/3 là ngày tất niên Oomisoka. Buổi tối họ ăn món mì Oshikoshisoba để cầu mong được sống lâu vì món mì này có sợi rất dài, tượng trưng che sự trường thọ.
Đến 12 giờ đêm, tivi truyền hình trực tiếp các lễ đánh chuông đón năm mới ở các đền thờ trên toàn quốc Zyoyanokane. Theo như một phong tục có từ thời Nara, cứ đến đúng 12 giờ, các đền thờ sẽ đồng loạt đánh 108 tiếng chuông đề xua đuổi tà ma của năm cũ.