Tài liệu: Nhật Bản - Lược sử

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Cho đến nay, chưa thể có một câu trả lời chính xác: ai là tổ tiên của người Nhật, nhưng về căn bản, họ thuộc nhóm Mongoloid, gần giống các dân tộc Đông Á khác.
Nhật Bản - Lược sử

Nội dung

Lược sử

Cho đến nay, chưa thể có một câu trả lời chính xác: ai là tổ tiên của người Nhật, nhưng về căn bản, họ thuộc nhóm Mongoloid, gần giống các dân tộc Đông Á khác. Các nhà khảo cổ học Nhật Bản đã phát hiện ra nhiều di tích thuộc trung và hậu kì đồ đá cũ (10 vạn năm về trước) nằm rải rác trên khắp đất nước. Những cư dân này đã hòa trộn với các nhóm người đến sau để trở thành người Nhật như hiện nay.

Cuộc sống của họ bấy giờ hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, săn bắn và hái lượm (nền kinh tế tước đoạt tự nhiên).

Khoảng 1 vạn năm về trước đến cuối thế kỉ III sau Công nguyên, trên quần đảo này xuất hiện hai nền văn hóa kế tiếp nhau: Jomon và Yayoi. Nền văn hóa Jomon với đặc trưng là sự phổ biến của loại đồ gốm trang trí hình vặn thừng. Tuy cách chế tạo còn thô sơ nhưng hình dáng lại đẹp và phong phú. Họ đã biết cách dựng nhà để ở (người Nhật gọi là tatteana Jukyo), nghĩa là cư trú trên những cái hố. Thay cho việc đắp nền nhà cao, họ lại đào trũng xuống rồi mới lam nhà.

Kế tiếp là nền văn hóa Yayoi (250 sau Công nguyên). Đồ gốm thời kì này đơn điệu về hình dáng nhưng người ta đã biết sử dụng bàn xoay và nung ở nhiệt độ cao hơn. Do sự tiếp xúc với người Trung Quốc và Triều Tiên nên người Yayoi đã có những bước phát triển vượt bậc về kĩ thuật canh tác nông nghiệp và làm thủ công nghiệp. Họ đã biết sử dụng mương tưới để tháo nước vào ruộng.

Vào thế kỉ II - III, ở Nhật Bản chia thành trên một trăm quốc gia bộ lạc do vua hoặc nữ hoàng cai trị. Trong số đó, mạnh hơn cả là quốc gia Yamatai do Himike, một nữ hoàng độc thân và là ni cô trong các buồi tế lễ, trị vì.

Cuối thế kỉ III, do ảnh hưởng của người Triều Tiên, Nhật Bản bắt đầu xây dựng những nhà mồ lớn bắng đất để chôn cất các tộc trưởng gọi là Kofun. Vào thời đó, mỗi thị tộc thờ một Thần riêng và dòng dõi Thiên hoàng Nhật Bản cũng bắt nguồn từ một trong các thị tộc này. Thị tộc Thiên hoàng bắt đầu ban chức tước quý tộc cho những thị tộc khác để củng cố và khẳng định uy quyền của mình. Do việc tập trung quyền lực vào thị tộc của Thiên hoàng nên vị nữ Thần của thị tộc này là Amaterasu trở thành thần tượng sùng bái của dân chúng cả nước.

Trong buổi đầu tồn tại của Hoàng gia, Thái tử Toshoku (574 - 622) là người có công trong việc nâng cao uy tín của Thiên hoàng và đặt cơ sở cho đường lối canh tân nền chính trị Nhật Bản trong những thế kỉ sau. Với tư cách là nhiếp chính của triều đình, ông tích cực truyền bá đạo Phật, định ra các chức vụ quan trọng trong triều, khởi lập hiến pháp. Danh từ Tenno (Thiên hoàng) được phổ biến từ đó. Đồng thời, ông tích cực mở rộng quan hệ và cử các phái đoàn sang Trung Quốc học tập, tiếp thu tinh hoa của nền văn minh Trung Hoa, rồi điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của Nhật Bản. Tuy chưa được chứng kiến những biến đổi của Nhật Bản, nhưng dòng họ kế tục là Fujiwara đã thi hành những cải cách theo ý tưởng của ông mà Nhật Bản gọi là Cải cách Tiaka, đánh dấu sự hình thành chế độ phong kiến ở Nhật Bản.

Năm 710, người Nhật thiết lập kinh đô đầu tiên của mình tại Nara phỏng theo kinh đô Trường An (Trung Quốc). Nhật Bản bước vào một thời kì phát triển mới.

Vì những lí do khác nhau, triều đình đã dời đô về Heian (Hâyan) vào năm 794 mà sau này gọi là Kyoto. Thành phố này trở thành kinh đô của triều đình trong suốt hơn 1.000 năm, mãi cho đến thời kì Minh Trị Duy Tân (1868).

Một trong những cải cách Taika là quốc hữu hóa và chia ruộng đất trong toàn quốc dưới hình thức ''Ban điền''. Tuy nhiên, công việc đã không thực hiện được do đất đai tập trung vào tay quý tộc, chùa chiền, hình thành nên các Shoen (trang viên). Để đương đầu với bọn trộm cướp, các trang viên võ trang cho con cháu và người phục vụ được huấn luyện võ nghệ, mở đầu sự hình thành giai cấp Samurai (võ sĩ).

Vào thế kỉ XII, do tranh chấp ngôi, Thiên hoàng kế vị đã đưa hai họ Samurai lớn nhất là Minamoto và Taira vào thế đối lập, mỗi bên ủng hộ một phái. Cuối cùng, Yoritomo của dòng họ Minamoto thắng thế, đứng ra xây dựng thế lực của mình ở Kamakura (1185) gần Yokhama, thiết lập chính quyền của giai cấp võ sĩ đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản. Đứng đầu Mạc Phủ là Shogun (Tướng quân) do Thiên hoàng bổ nhiệm. Nhưng thực tế, quyền bính trong nước tập trung trong tay Tướng quân, triều đình chỉ còn trên danh nghĩa.

Sự tồn tại song song hai chính quyền trong suốt gần 700 năm (1185 - 1868): Chính quyền của Thiên hoàng ở Kyoto và chính quyền của giai cấp võ sĩ, thường được gọi là Mạc Phủ, là điểm đáng chú ý trong lịch sử Nhật Bản.

Năm 1331, Thiên hoàng Godaigo khởi binh chống Mạc Phủ Kamakura để giành lại quyền binh. Ashikaga được Kamakura cử đi Kyoto đánh dẹp, nhưng giữa đường đem quân quay lại lật đổ Mạc Phủ Camacura (1333) rồi mới tiến về Kyoto đưa Hoàng thân khác lên ngôi Thiên hoàng. Còn Thiên hoàng Godaigo chạy về núi Yoshino (phía Nam Nana) kêu gọi Cần vương, bắt đầu thời kì Nam Bắc triều trong 57 năm.

Ashikaga sau khi lật đổ Mạc Phủ Kamakura và trở thành Tướng quân (1338), ông chuyển chính quyền của mình đến Muromachi ở Kyoto. Chính quyền này kéo đài đến năm 1573 nhưng quyền lực không còn tập trung như thời Kamakura nữa. Các Daimyo (đại danh) trên thực tế có nhiều quyền hành như lãnh chúa. Họ giành giật quyền lực với nhau, đẩy Nhật Bản vào cảnh nồi da nấu thịt kéo dài gần 100 năm.

30 năm cuối của thế kỉ XVI đã mở ra cơ hội tái thống nhất nước Nhật, bắt đầu từ việc nhà chiến lược trẻ tuổi O da Nobunaga (1534 - 1582) tiến quân vào Kyoto, lật đổ Mạc Phủ Muromachi. Toyotomi Hideyoshi (1536 - 1598) và Tokugawa Ieyasu (1542 - 1616) kế tục nhau trong sự nghiệp thống nhất sơn hà.

Sau chiến thắng lịch sử ở Sekigahara (1600), Tokugawa Ieyasu, đã nhờ Thiên hoàng ban chức tướng quân (1603) rồi mở Mạc Phủ ở Edo (Tokyo) ngày nay để cho con cháu nắm quyền trong suốt gần 30 năm (1603 - 1868).

Ban đầu Tokugawa cũng muốn buôn bán với nước ngoài nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự ngờ vực với Thiên chúa giáo và việc xúi bẩy công ti Đông Ấn Hà mà cùng với lệnh cấm Đạo, chính quyền Tokugawa đi đến một quyết định tối hậu nhằm nắm toàn quyền quyết định vận mệnh nước Nhật: bế quan tỏa cảng. Chỉ còn người Trung Quốc và Hà Lan được phép buôn bán ở hòn đảo nhỏ Deshima thuộc cảng Nagasaki.

Tự cô lập với thế giới bên ngoài đúng vào lúc cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra dồn dập bên trời Tây, để rồi khi mở cửa, Nhật Bản phải trả một giá rất đắt cho việc đuổi kịp phương Tây.

Tuy nhiên, bế quan tỏa cảng không phải chỉ mang lại những điều tai họa. Với mục tiêu chi phối thực sự toàn bộ quân đội Nhật Bản, những chính sách của Tokugawa về mặt khách quan đã thúc đẩy sự phát triển nội tại của nền kinh tế, hình thành một thị trường thống nhất. Hơn nữa, do bế quan tỏa cảng, người Nhật lúc này dựa vào chính sách của mình để phát huy những đặc tính văn hóa truyền thống trên mọi lĩnh vực, phương diện: cá tính dân tộc, tay nghề... Và đây cũng là thời gian thanh bình, ổn định dài nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Sự thanh bình đã bị xáo trộn bởi bốn chiến thuyền của Perry (Mỹ) đến cảng Edo vào tháng bảy năm 1853 đòi Nhật Bản phải mở cửa. Mạc Phủ bàng hoàng chứng kiến sức mạnh của phương Tây. Năm 1857, Viện nghiên cứu sách phương Tây (tiền thân của đại học Tokyo nổi tiếng hiện nay) được thành lập, các phái đoàn được cử đi nhằm tiếp thu nền văn minh của Âu - Mỹ. Nhật Bản trở lại hòa nhập với thế giới bên ngoài.

Năm 1868, Mạc Phủ Tokugawa bị lật đổ. Quyền hành trở lại tay Thiên hoàng. Edo được đổi thành Tokyo và Hoàng thất rời Kyoto về đây, một thời kì mới của lịch sử Nhật Bản (thời kì Minh Trị Duy Tân) bắt đầu.

Với khẩu hiệu ''Học hỏi phương Tây, bắt kịp phương Tây, đi vượt phương Tây'', chính quyền Minh Trị đã thi hành một loạt cải cách từ bộ máy nhà nước, quân đội đến kinh tế, tài chính giáo dục theo hình mẫu của phương Tây.

Năm 1889, Hiến pháp đại đế quốc Nhật Bản được ban hành. Đây là văn kiện cơ bản nhất của cơ cấu quốc gia Nhật Bản cho đến ngày nước Nhật bại trận trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Cuộc Minh Trị Duy Tân (1868 - 1912) đã mang lại những biến đổi kì diệu trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội và chính trị Nhật Bản, tạo cơ sở cho sự phát triển của Nhật Bản về sau.

Trong các năm từ 1912 - 1926, Thiên hoàng Đại Chính trị vì, nhưng do bệnh tật, vị Thiên hoàng này không đủ sức lo việc triều chính. Các nguyên lão nhân cơ hội này củng cố quyền lực và lợi dụng sự hỗn loạn của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) đem quân bành trướng sang Trung Hoa và Thái Bình Dương.

Năm 1926, Thiên hoàng Hirohito lên ngôi với niên hiệu Chính Hòa (1926 - 1989). Đây là thời kì nhiều trào lưu dân chủ xuất hiện ở Nhật Bản, nhưng sau đó là sự thắng thế của các lực lượng quân phiệt. Nước Nhật điên cuồng lao vào cuộc chiến tranh thế giới thứ hai dưới chiêu bài ''Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á'' đã gây ra những hậu quả thảm khốc trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Nhưng sau những thất bại thảm hại trên chiến trường và đất nước bị tan hoang bởi chiến dịch ném bom của không quân Mỹ và hai quả bom nguyên tử ném xuống Hirôshima và Nagasaki đồng thời, bị Hồng quân Liên Xô đánh tan ở Đông Bắc Trung Quốc, nước Nhật phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện (15 - 8 - 1945), chấp nhận sự chiếm đóng của quân đội Đồng minh, trên thực tế là Hoa Kỳ kiểm soát đến tháng 4/1952. Nước Nhật bước ra khỏi cuộc chiến tranh với hơn 3 triệu người chết, 20% nhà cửa trên toàn quốc bị bom Mỹ đốt cháy (Tokyo và Osaka khoảng 60%), mức sản xuất công nghiệp chỉ còn tương đương với 10% so với trước chiến tranh. Dân chúng mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần.

Sau năm 1945, một lần nữa Nhật Bản lại tiến hành cải cách triệt để trên tất cả mọi lĩnh vực dưới sức ép của ''Chỉ huy tối cao của Bộ Tổng Tư lệnh đồng minh'', đứng đầu là viên tướng Mỹ MacArthur (Mác Achthơ).

Năm 1951, nền kinh tế Nhật Bản hồi phục bằng mức trước chiến tranh. Tháng 9/1951, Nhật Bản kí Hiệp ước Hòa bình San Francisco, chấm dứt ách chiếm đóng, thu hồi lại nền độc lập. Từ đó, Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển ''thần kì'' (1951 - 1970) trên cơ sở tiếp tục thực hiện cải cách theo nền của những cuộc cải cách do lực lượng chiếm đóng áp đặt, khiến cho nhân loại không thể hiểu được điều gì đang xảy ra ở đất nước này. Năm 1968, tổng thu nhập quốc dân của Nhật đứng hàng thứ hai thế giới tư bản (sau Hoa Kỳ) và bắt đầu được mệnh danh là ''cường quốc kinh tế''.

Từ đó đến nay, nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục phát triển với nhịp độ cao và khẳng định một vị trí siêu cường kinh tế.

Đảng Dân chủ tự do liên tục cầm quyền từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1992, được thay thế bởi các liên minh khác nhau. Sau nhiều năm phát triển ổn định, Nhật Bản dường như đang tìm kiếm những cải cách mới nhằm thích ứng với những biến đổi của thế giới trong thời kì hậu chiến tranh lạnh và đưa nước Nhật tiến mạnh hơn vào thế kỉ XXI.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2913-02-633555981978614737/Luoc-su/Luoc-su.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận