Tài liệu: Tây Tạng - Tháp Nhĩ tự

Tài liệu
Tây Tạng - Tháp Nhĩ tự

Nội dung

THÁP NHĨ TỰ

 

Nằm dựa trên sườn đồi, Tháp Nhĩ tự (lấy từ tên của một ngọn tháp nằm trong chùa được dát bằng 1 tấn bạc, 3.000 lượng vàng và 3.600 viên mã não) xây dựng lần đầu từ năm 1379, sau đó được trùng tu, xây dựng thêm và trở thành một trong sáu chùa lớn nhất của phái Hoàng Mạo (tông phái Phật giáo phổ biến nhất ở Tây Tạng). Nơi đây cũng từng là nơi sống và làm việc của Ban Thiền lạt ma. (Theo truyền thuyết, Ban Thiền lạt ma là hiện thân của Phật A di đà, là người đứng đầu trong cuộc sống tinh thần của người dân Tây Tạng.

Đạt Lai lạt ma là hiện thân của Quán Thế Âm Bồ tát, là người đứng đầu Phật giáo Tây Tạng trong cuộc sống thế tục. Khi mỗi vị chết đi người ta tìm vị tái sinh khác để kế vị. Lớn nhất tại Tháp Nhĩ tự là Đại Kinh đường (2.000m2) được chống bởi 168 cột lớn, tại đây lưu giữ rất nhiều kinh Phật từ thời nhà Đường đến nay. Kế bên là một dãy kệ với 1.000 ngăn, mỗi ngăn thờ một vị Phật, đây cũng chính là nơi thờ các vị Đạt Lai lạt ma và đại sư Tông Khách Ba. Các tháp, đền thờ Tây Tạng thường có năm phần tượng trưng cho năm yếu tố hình thành nên vũ trụ.

Phần dưới cùng tượng trưng cho đất: bền vững, ổn định. Kế tiếp là hình cầu (hình bán cầu) tượng trưng cho nước: sự luân chuyển. Trên nữa là hình nón cụt tượng trưng cho lửa. Kế tiếp là hình đĩa tròn tượng trưng cho gió hay không gian. Nằm trên cùng là thức. Thức là một chấm nhỏ chứa đựng tất cả nhưng không có kích thước cụ thể vì nó là “giao điểm” của vật chất và tâm linh. Có ba tác phẩm nghệ thuật đặc biệt đáng chú ý tại Tháp Nhĩ tự đó là nghệ thuật tạc tượng bằng bơ (làm từ sữa con bò yak) vô cùng sống động, miêu tả lại lúc đức Phật sinh ra và nghệ thuật vẽ, thêu trên lụa, vải rất tinh xảo, không bao giờ phai màu theo thời gian.

Dọc hành lang quanh chùa có rất nhiều pháp luân chung (chuông chuyển kinh) bằng đồng, gỗ (như một thùng rỗng quay trên một trục đứng). Những cái chuông không phải để gõ mà để... xoay, vừa xoay vừa niệm chú: “Om mani padme hum” (úm ma ni bát mê hồng). Người Tây Tạng tin rằng âm thanh hòa cùng với sự vận chuyển của chuông chuyển kinh sẽ tạo ra một “sức mạnh” huyền bí cầu chúc bình an, may mắn. Vì thế các bánh xe đó ít khi dừng lại, bởi các vị lạt ma, chú tiểu, du khách... cứ đi ngang là quay vì ai cũng mong những điều tốt lành sẽ đến với mình và mọi người! Nếu như trước các tượng Phật ở các chùa chiền thường đặt những lư hương để thắp nhang thì chùa Tây Tạng lại đặt những “chậu” đèn thật lớn được đốt bằng bơ (hoặc mỡ bò yak).

Lễ vật của những người hành hương là một chút bơ để duy trì ánh lửa cho ngọn đèn mãi mãi không tắt. Những người dân Tây Tạng đến đây hành lễ thường mang theo cả gia đình. Đi vài bước họ lại chắp tay khỏi đầu, trán, cằm, ngực vái lạy rồi rạp sát mặt đất rất thành kính. Đây là phương thức cầu nguyện rất phổ biến của người Tây Tạng: phương thức “ngũ thể đầu địa” (hai tay, hai chân và trán phải chạm đất). Hình ảnh này nhắc người ta nhớ đến vị thánh tăng Hư Vân (1840-1959) mà theo sách sử cho biết ngài đã thực hiện chuyến hành trình tam bộ nhất bái (ba bước một lạy) từ Phổ Đà sơn về Ngũ Đài sơn với đường dài trên 2.500km.

Đối với người Tây Tạng, hiện tại chỉ là cuộc sống tạm, rất phù phiếm. Họ tin vào vòng luân hồi của cuộc đời. Đến đây, nếu để ý bạn sẽ thấy gần như mỗi người Tây Tạng đi đâu cũng xoay trên tay bánh xe mani (một ống đồng xoay trên một trục thẳng đứng) để nhắc nhở rằng cuộc đời là một vòng miên viễn.

Tôn giáo là nền tảng cơ bản để người Tây Tạng tồn tại. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi bạn thấy rất nhiều ông bà già Tây Tạng da nhăn nheo, chống gậy lụm cụm leo lên từng bậc thang, lần xuống từng góc chùa để được đảnh lễ, được xoay các pháp luân chung ấy. Có một điều du khách cần chú ý là ở đây có treo những tấm biển “no photo, no video”. Như vậy, bạn chỉ có thể tham quan thoải mái chứ không được chụp ảnh hay quay phim ở đây. Bởi vì sự tò mò, muốn ghi dấu một kỷ niệm của các du khách khi chụp hình hẳn sẽ khuấy động không khí trang nghiêm, tĩnh lặng của chùa và biết đâu điều đó còn vô tình cắt ngang dòng triền miên suy tưởng của vị chân tu?

Bao quanh Tháp Nhĩ tự là các cơ sở kinh doanh của người Hán, là những gian hàng, nhà trọ với giá cao...

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2756-02-633544981177500000/Du-lich-mien-dat-Phat-huyen-bi/Thap-Nhi-t...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận