Tài liệu: Tây Tạng - Mùa xuân trên đỉnh Tuyết Sơn

Tài liệu
Tây Tạng - Mùa xuân trên đỉnh Tuyết Sơn

Nội dung

MÙA XUÂN TRÊN ĐỈNH TUYẾT SƠN

 

Có lẽ trên thế giới không có một vùng đất nào lại chứa đựng nhiều bí ẩn như vùng Shang Shung nằm ở phía Tây của xứ Tây Tạng, nơi có đỉnh núi Kailas thuộc rặng Hy Mã Lạp Sơn. Tuy không cao bằng đỉnh Everest, nhưng đỉnh Kailas lại được người dân địa phương ở đây xem là “trung tâm của trái đất” hoặc như là một ăng-ten khổng lồ thu hút các luồng “thần lực” đến từ vũ trụ để phân phát đi khắp nơi trên thế giới. Chính tại nơi được xem là nguồn gốc của nền văn minh Ấn Độ và Tây Tạng này, chỉ mới trong 2,3 năm trở lại đây, khi cuộc “bùng nổ du lịch” lan rộng ra đến tận những biên giới xa xôi, hẻo lánh nhất của các xứ Nepal, Tây Tạng, Trung Quốc, một loại hình du lịch mới được phát sinh: du lịch tâm linh (psychic tourism). Với hình thái du lịch mới này, người lữ hành không chỉ đơn thuần là một kẻ lang thang thông thường mà còn là một khách hành hương tìm về những nơi chốn thiêng liêng nhất đề tẩy rửa tâm hồn. Với những khách hành hương này, đỉnh Kailas được xem là chốn thiêng liêng nhất và trong thực tế đã có không ít du khách, khi lần đầu tiên đối diện với Kailas, bỗng dưng cảm thấy một sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu xa trong tâm hồn mình. Có kẻ lại cảm thấy mình trở thành một con người khác hẳn và họ cũng không hiểu tại sao lại như vậy…

Trong những ngày xuân ấm áp là lúc thích hợp nhất cho những du khách tổ chức một chuyến hành hương đến xứ sở linh thiêng này.

Himalaya là một trong những dãy núi vĩ đại nhất thế giới với hàng trăm đỉnh núi cao thấp khác nhau, trong đó có đỉnh Everest cao nhất thế giới (8848 m). Nhưng đối với các tín đồ hành hương ở địa phương và các nơi trên thế giới, Kailas, một đỉnh núi đứng riêng rẽ, cô đơn trên một bình nguyên bao la, mới thật sự là một thứ núi thiêng chứa đựng đầy sự bí ẩn và mầu nhiệm. Trông từ xa, “cái trục của thế giới” này có vẻ giống như một cái lăng Phật phủ đầy tuyết trắng. (Trong tiếng Phạn, từ Kailas có nghĩa là “trung tâm” hay “trái tim”). Chính ở tại vùng đất này, hơn 2000 năm về trước, nền văn minh tiền Phật giáo đã từng ngự trị và ngày nay ảnh hưởng của nó vẫn có thể tìm thấy ở các vùng lân cận.

Để đến với “cái thang huyền bí” khổng lồ sừng sững vươn lên bầu trời xanh lơ này, du khách có thể khởi hành từ Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, đi trên một con đường dài 800 cây số băng qua những vùng hoang vắng và đầy hiểm trở. Chỉ mới bắt đầu từ tháng 7 năm 1993, hai chính phủ Nepal và Trung Quốc mới đồng ý cho mở một con đường du lịch mới bắt đầu từ vùng Humla của Nepal và lên đến tận biên giới Tây Tạng. Trong nhiều thế kỷ xa xưa, con đường nằm trên độ cao 4900 mét băng xuyên qua đèo Narala này đã từng là một con đường thương mại quan trọng nằm vắt qua rặng Hy Mã Lạp Sơn, nơi người ta không chỉ trao đổi các sản vật hàng hóa như muối, gạo, gia vị, len mà còn truyền bá các sản phẩm tinh thần khác nữa.

Sau một cuộc hành trình đầy mệt nhọc, đầu tiên du khách sẽ tiếp xúc với hồ Manasarovar nằm ngay ở dưới chân núi Kailas. Đây là một cái hồ hình tròn giống như mặt trời (chữ “Manas” có nghĩa là ánh sáng hay sự giác ngộ) và theo huyền thoại của Ấn Độ, chính thần Brahma đã tạo ra hồ Manasarovar này để chứa đầy một thứ nước để tạo ra sự sống. Các tín đồ hành hương tin rằng ai tắm gội trong hồ này sẽ được rửa sạch tội lỗi và thấu triệt những điều huyền bí. Ngoài ra, còn có một hồ khác gọi là hồ Raskatal hình giống như mặt trăng lưỡn liềm (chữ “Raska” có nghĩa là bóng tối vô minh). Cả hai cái hồ này, theo tin tưởng của người dân địa phương, chính là hai cái huyệt đạo quan trọng của hai đường kinh mạch nối liền với “bộ óc” là đỉnh Kailas đầy uy nghi, hùng vĩ. Người Tây Tạng và Ấn Độ tin rằng Kailas tượng trưng cho luân xa não bộ của thế giới và là nơi chứa đựng những luồng từ điện linh thiêng nhất.

Sau khi ngâm mình trong làn nước lạnh giá, từ dưới hồ bước lên, khách hành hương tu rằng các đấng thần linh đã thâm nhập vào trong con người của họ và để chứng minh điều này, họ có thể làm những điều phi thường như uống dầu sôi hoặc dùng cây sắc đun nóng đâm xuyên qua lưỡn (!). Và để có thể thâm nhập vào trong “linh hồn” của núi Kailas, khách hành hương bắt đầu làm một cuộc Thiền hành chung quanh đỉnh núi này theo chiều kim đồng hồ. Trước tiên, khách hành hương đi theo một con đường vòng quanh ở phía ngoài gọi là Kora. Đó là một con đường mà các tu sĩ Phật giáo đã khám phá ra được cách đây khoảng 500 năm thông qua các con vật huyền bí như trâu Yak, quạ và sói bạc. Sau khi đi được 13 vòng, nếu muốn tiếp tục nữa, khách có thể đi theo một con đường vòng ở phía bên trong gọi là nangkor và đối với những người đã được chuẩn bị sẵn về mặt tâm linh, con đường này sẽ dẫn đến những điều huyền bí sâu xa nhất của Kailas. Điều quan trọng đối với khách hành hương không phải ở chỗ ngắm nghía vẽ đẹp hùng vĩ của đỉnh Kailas mà chính là ở chỗ đối diện trực tiếp với trạng thái tinh thần của mình và để cho tâm thức của mình hòa nhập với những gì có tính chất thiêng liêng nhất của Kailas.

Đến đây, du khách hầu như quên hết những mệt nhọc của một cuộc hành trình đầy vất vả và họ có một cảm giác như đã để lại sau lưng mình tất cả những bụi bậm phiền toái của cuộc sống trần gian. Họ cảm thấy đang được sống trong một thế giới mới lạ đầy những rung động thanh cao khó có thể giải thích được. Theo Anagarika Govinda, một học giả xuyên thâm về Pali và là tác giả quyển sách du ký nổi tiếng “The Way of the White Clouds” con người hiện đại sở dĩ luôn cảm thấy sao xuyến, lo âu là bởi vì đã đánh mất “chiều kích vũ trụ” của mình và chiều khách này chỉ có thể được khôi phục lại khi con người biết rung động, chiêm ngưỡng và hòa nhập với những bí ẩn thiêng liêng của đất trời. Đó là một cách giải thích có tính chất siêu hình, nhưng trên phương diện khoa học, với cách giải thích của các nhà cảm xạ học (radiesthésiste), sự kiện “chuyển hóa tâm thức” này có thể được lý giải bằng sự bức xạ của các luồng điện đặc biệt chỉ có ở đỉnh Kailas. Chính do sự bức xạ mạnh mẽ này mà các cơ năng ở trong con người được thức động để tạo ra những nguồn “năng lượng tâm linh” làm cho du khách cảm thấy mình như được siêu thoát. Nhưng tại sao chỉ ở đỉnh Kailas này mới có những luồng từ điện đặc biệt như thế và bản chất của những luồng điện này là gì thì cho đến nay, đó vẫn còn là một bí ẩn lớn lao.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2756-02-633544979310625000/Du-lich-mien-dat-Phat-huyen-bi/Mua-xuan-t...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận