Tài liệu: Tây Tạng - Thủ đô Lhasa

Tài liệu
Tây Tạng - Thủ đô Lhasa

Nội dung

THỦ ĐÔ LHASA

 

Lhasa tọa lạc ở miền trung Tây Tạng và là thành phố văn hóa lịch sử nổi tiếng, có độ cao 3658 mét, là một thành phố cao nhất của thế giới.

Người ta biết đến Lhasa nhiều nhất do biệt danh “thành phố chư thiên” như một minh chứng nơi đây gắn liền với các truyền thuyết truyền bá của đạo Phật, với các hình tượng biểu trưng cho “đức hạnh cao quý” của các vị Phật sống, của các thời vua mộ đạo, và còn là của các tín đồ tu hành hoặc người thành tâm ngay cả khi họ là người không có ý niệm nào về đạo Phật. Bởi vì ở Lhasa có đền JoKhang, ngôi đền lưu giữ truyền thuyết về Phật thích ca Cồ đàm thời niên thiếu, người được phong biệt danh “đức hạnh cao quý” và là chủ thể của sự tích cùng tên được kể lại như một huyền thoại kì bí mà ai cũng muốn chiêm ngưỡng.

Lhasa mỗi năm mặt trời chiếu tổng số là 3005 giờ nên nơi đây có tên gọi là Thành Nhật Quang. Nhiệt độ của Lhasa chênh lệch không lớn lắm, bình quân trên dưới 8 độ C. Mùa đông không cực rét và mùa hạ cũng không có cái nắng cháy da. Thời tiết tốt nhất đi du lịch xứ này là từ tháng 6 đến tháng 10, lúc đó thời tiết vừa đủ ấm để bạn không phải xuýt xoa, vừa không nắng quá to để bạn có thể diện những chiếc áo, đôi giày mát mẻ đi kèm chiếc mũ xinh xinh.

Lhasa theo tiếng Tạng, có nghĩa là “Thần Phật Thánh Địa”, những thời kỳ ban đầu người dân ở Lhasa dùng lều trại để ở, không có thành quách nhà cửa, đây vẫn còn là mảnh đất hoang vu. Đầu thế kỷ thứ VII sau Công nguyên, sau khi vua Tây Tạng là Tsongsen Khampo thôn tính các bộ lạc trong vùng và sau đó chính thức kiến lập nên vương triều Thổ Phồn, đóng đô ở Lhasa.

Theo tiếng Tây Tạng, dê là “ra” (linh vật của thần hộ pháp Damcen), đất là “sa”. Từ đó chốn này mang tên Rasa, dần dần biến thành Lhasa, tên gọi ngày nay của thủ phủ Tây Tạng. Là nơi cao nhất thế giới so với mực nước biển, độ cao trung bình từ 4.000m trở lên (trong đó diện tích cao trên 4.500m chiếm 65%), nơi đây từng được gọi là “nóc nhà thế giới”, được mệnh danh là “cực thứ ba của Trái đất”.

Lhasa nhỏ nhưng những cơ quan công quyền, các cơ sở cơ quan đều được xây dựng cực kỳ bề thế, đều tọa lạc tại những con đường đẹp nhất.

Chỉ với 10 tệ (khoảng 20.000 đồng) bạn cứ việc đi bất cứ đâu trong thành phố. Có lẽ do Lhasa quá nhỏ chăng? Nhưng đó là một thành phố xinh đẹp và là hình ảnh tiêu biểu của một Tây Tạng đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Ngày nay bất kỳ ai đến khu tự trị hẳn cũng sẽ ngạc nhiên tột độ trước sự thay đổi không ngờ của bộ mặt Tây Tạng. Hạ tầng cơ sở tại đây đã được Chính phủ Trung Quốc đầu tư tối đa. Với diện tích 1,2 triệu km2 (gần gấp bốn lần diện tích của Việt Nam) nhưng dân số chỉ vài triệu người, vậy mà đường xây rất rộng rãi, cửa hàng san sát không khác mấy với kiểu đô thị của Thành Đô (Tứ Xuyên). Đặc biệt là cầu đường, thậm chí cả những nơi hẻo lánh hầu như chỉ có khách hành hương đi lại, đường sá, cầu cống cũng rất thuận tiện, chưa kể những công trình bệnh viện, trường học...

Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng hơn 12 triệu USD để xây đựng 70 đài phát thanh tại Tây Tạng nhằm thúc đẩy việc phát triển kinh tế, duy trì sự ổn định xã hội. Tuy nhiên, đáng kể nhất chính là tuyến đường sắt nối liền từ Cách Nhĩ Mộc (tỉnh Thanh Hải) đến Lhasa (Tây Tạng) với tổng số tiền do Chính phủ Trung Quốc đầu tư lên tới 7 tỉ USD. Đáng nói là chính công trình này, từ những năm 1990 khi được Chính phủ Trung Quốc mời nghiên cứu thực hiện, sau một thời gian thực địa, các chuyên gia hàng đầu của châu Âu đã lắc đầu từ chối vì cho đó là chuyện không tưởng khi phải đào hầm xuyên qua hàng chục trái núi trong điều kiện khí hậu, tự nhiên quá khắc nghiệt. Nhưng rồi điều không tưởng ấy đã dần dần trở thành hiện thực.

Thật ra sự quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc trong việc đầu tư cho Tây Tạng cũng vì vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng của nơi này: phía nam sát dãy Himalaya và tiếp giáp lãnh thổ với các nước Nepal, Bhutan, Ấn Độ, Myanmar, Sikkim... Phía tây giáp với khu vực Kashmir. Trong tương lai Tây Tạng có khả năng trở thành con đường thông thương giao lưu giữa Trung Quốc với các nước Nam Á. Những tháng cuối năm 2006, tuyến đường sắt Thanh - Tạng nối tỉnh Thanh Hải với Tây Tạng, dài 1.118km, có độ cao 4.000m trở lên, nơi cao nhất tới 5.072m đã được hoàn thành. Và kéo theo những thị trấn, đô thị sẽ mọc lên dọc tuyến xe lửa...

Những kế hoạch đầu tư của Chính phủ Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Tây Tạng phát huy hết tiềm năng của mình trong việc phát triển ngành du lịch, tạo điều kiện cho du khách trên thế giới biết đến xứ sở của những điều huyền bí.

Với biệt danh là “thánh địa nhà Phật”, ở Lhasa đâu đâu cũng có chùa chiền cổ kính. Bạn có thể hành hương đến chùa Loubulin, đại cổ tự Tashilumpo, được xây dựng từ năm 1447, hay Đại Chiêu Tự - một ngôi chùa cũng là tu viện nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng được xây dựng từ năm 693.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2756-02-633544977670312500/Du-lich-mien-dat-Phat-huyen-bi/Thu-do-Lha...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận