Tài liệu: Tây Tạng - Kiến trúc

Tài liệu
Tây Tạng - Kiến trúc

Nội dung

KIẾN TRÚC TÂY TẠNG

 

Kiến trúc cơ bản và đơn giản nhất của Tây Tạng là chiếc lều, nơi ở thích hợp của các cư dân thuộc nền văn hóa du mục ở xứ sở tuyết lạnh. Ngay từ thời xa xưa, chiếc lều đã là sự lựa chọn của cư dân Tây Tạng trong điều kiện cư trú và trong lúc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khi họ là các chiến binh. Được làm bằng nỉ phủ lên trên khung sườn gỗ, những chiếc lều như thế, lần đầu được đề cập trong các tài liệu thư tịch Trung Quốc vào thế kỉ VIII. Hình ảnh này cũng được tìm thấy ở những khuu vực văn hoá có liên hệ với Tây Tạng, chẳng hạn những du mục Mông Cổ và các thảo nguyên bao la của khu vực Á Âu được ghi chép vào thế kỉ XIII của Marco Polo, đã chú giải về chiếc lều được tạo dựng công phu của các thành viên cao cấp nhất trong xã hội. Tương tự như nội thất của các ngôi đền được trang trí rất phong phú, các phần bên trong của chiếc lều Tây Tạng cũng được trang điểm với nhiều màu sắc rực rỡ, bằng việc dùng các tấm thảm sống động phủ lên sàn và tường, có hiệu quả giống như các bích hoạ và những tranh tangka trong các ngôi đền. Những chiếc lều trong kiến trúc cơ bản của Tây Tạng lại có liên hệ với thần Hắc Thiên Mahakala (phúc thần bảo hộ được sùng bái nhất trong điện thờ bách thần). Các vị vua Tây Tạng, mặc dù vẫn tiếp tục sử dụng lều, những người Tây Tạng đã xây dựng các thành lũy ở những địa điểm có thể lợi dụng được ở các dải vách núi đá cao nhằm tạo dựng các công trình kiến trúc để vừa làm cung điện vừa là nơi phòng thủ. Lâu đài ở Leh, xây dựng vào thế kỉ XVI, vẫn còn giữ lại đặc điểm phối hợp hai chức năng cung điện - thành lũy này, bao gồm các tường bên trong được phủ đầy hình vẽ.

Mộ của các vị vua Tây Tạng đầu tiên dường như bắt chước theo kiểu thức hình tròn của chiếc lều. Vài ba ngôi mộ từ thế kỉ VIII vẫn còn tồn tại, được xây dựng quanh một chiếc cột đá duy nhất có những minh văn đề tặng cho vị vua đã mất, rất giống kiểu bia mộ của Trung Quốc. Ý nghĩa biểu tượng của chiếc cột là trục vũ trụ, được tìm thấy khắp châu Á, và dường như nó cũng có một vai trò nhất định trong tập tục tang lễ của Tây Tạng.

Kết cấu kiến trúc của Tây Tạng là kết cấu bền vững đáng chú ý trong dáng vẻ chung của công trình, các phương pháp xây dựng và sự lựa chọn các thành phần đều được chú ý kĩ, dù đó là một ngôi nhà ở nông thôn, một cung điện hoặc là một ngôi đền. Nhà trại nông thôn Tây Tạng có thể cung cấp kiểu mẫu cho các công trình xây dựng. Đặc tính của loại nhà này là có nhiều tầng: tầng trệt dùng cho gia súc, tầng thứ hai dùng dự trữ lương thực, thức ăn gia súc và các tầng cao hơn dùng cho con người. Các bao lơn và mái hiên bằng của các tầng cao hơn tương phản rõ rệt với các bức tường chịu lực bằng đá, gạch hoặc đất nện bên dưới. Trước nhà là một khoảnh sân, đôi lúc được mở rộng thêm bao quanh toàn bộ ngôi nhà. Nhà ở đây rất ít cửa sổ và thường nhỏ bé, mái nhà bằng phẳng vì gió và những cơn bão là mối đe doạ lớn, đồng thời mái nhà có thể dùng làm nơi sinh hoạt và kho chứa vào mùa có khí hậu hậu ôn dịu hơn trong năm. Chỉ riêng trọng lượng của mái nhà đã đòi hỏi sự cần thiết của các cây cột bằng gỗ làm giá đỡ phụ trội, một kiểu kết cấu kiến trúc cũng thấy phổ biến tại các đền thờ. Thay vì có một ống khói, khói khi nấu nướng được thoát ra qua một lỗ hổng đục thủng ở giữa mái nhà bằng phẳng. Kết cấu của những tòa nhà theo những thức sử dụng những bức tường bên ngoài chịu lực, thiếu các vòm đỡ và đà đã cho thấy nét tương đồng với lối kiến trúc phổ biến ở hầu hết các xứ vùng Tây Á.

Sự chuyển tiếp giữa các sàn nhà là bằng chứng rõ ràng có nguồn gốc từ lối kiến trúc thành lũy, ở đó chúng ta dễ dàng bắt gặp vài tầng nổi bật cao vút lên và nằm dựa lưng vào những đỉnh núi đá so với các vùng đất xung quanh ở độ dốc thấp hơn. Thế nhưng trong sự phát triển của chúng từ phần đáy lên đỉnh đều lặp lại công thức cơ bản của các toà nhà Tây Tạng khác. Những lâu đài thành lũy đầu tiên cũng sử dụng làm cung điện, như trường hợp lâu đài Potala ở Lhasa. Là một tu viện, thành lũy và cung điện, công trình Potala cho thấy rõ sự thống nhất về phong cách trong các toà nhà xây dựng nhằm nhiều mục đích rất khác nhau. Hệ thống kết cấu bền vững này của kiến trúc chủ yếu vẫn không hề thay đổi tại Tây Tạng qua nhiều thế kỉ.

Những công trình tu viện ở khắp các vùng đất đều có một dáng vẻ vững chắc và hình khối đồ sộ với những bức tường bằng đá hoặc bằng gạch mộc, quét vôi trắng và thót nhỏ dần; những cửa sổ cao, hoặc nhỏ hẹp và những chiếc sân bao quanh bốn phía. Loại nhà trại kiểu mẫu cơ bản này được ưa thích hơn là nhà xây bằng đá chẻ, kiểu thức được áp dụng trong các đền thờ Ấn Độ, hoặc là những hệ thống cấu trúc gỗ và hệ thống rầm chìa của Trung Quốcc. Đó là những kiểu dáng được bắt chước trong trang trí làm đẹp, chẳng hạn như các đuôi kèo và các viên, phần lớn là trên tầng chót. Việc sử dụng phương pháp rầm chìa đầu tiên của Tây Tạng, phát hiện từ các di vật còn lại từ thời kì hoằng hoá Phật giáo lần hai, có phần tương đồng với các kiểu thức thời sơ kì của nhà Đường hơn là với những hệ thống đương thời và tỉ mỉ hơn của những thời Tống và Nguyên của Trung Quốc thuộc các thế kỉ XI đến XIII. Các cột gỗ chạm trổ bên trong các đền, mặc dù nguồn gốc của chúng là từ các kiểu mẫu Ấn Độ - xét về mặt chất liệu lẫn hình dạng cơ bản, đều được chạm trổ và sơn vẽ thật phong phú thành những hình dạng có thể được coi là một kiểu thức Tây Tạng rõ rệt.

Cột lõi của kiến trúc Phật giáo Tây Tạng gồm ba loại chủ yếu và tất cả đều xuất xứ từ Ấn Độ. Hai trong số đó mang tính chức năng và loại còn lại có tính chất biểu tượng. Trong hai loại kiến trúc chức năng, một loại cho phép các tín đồ tập hợp lại để lễ bái loại kia được sử dụng như là nơi cư trú và tập huấn cho các tu sĩ. Nơi thờ phụng, còn gọi là sảnh đường chailya, đủ lớn để tổ chức các cuộc tụ tập của tu sĩ và thường dân và một loại giống phòng nghỉ, còn gọi là vihara, sử dụng như một tu viện. Hai loại kiến trúc cơ bản này, lúc nguyên thuỷ được tạo dựng bằng gỗ. Thoạt đầu chúng là hình thức rất quý và dễ hỏng đến độ chúng được nhái lại một cách công phu và tỉ mỉ bằng đá mà những công trình tiêu biểu hoàn chỉnh nhất vào buổi đầu là những hang động đá được đục khoét sâu vào trong các sườn núi ở Ajanta, và chúng cũng được bảo quản tốt nhất. Một trong số các bản sao này được chạm khắc vào thế kỉ thứ năm, trung thành với các bản gốc đến nỗi các mảnh gỗ cũng được thêm thắt vào giữa các thanh chống tường bằng đá chạm ở một số trần nhà có hình vòm ống.

Kiểu thức kiến trúc thứ ba và nổi bật nhất trong các loại kiến trúc đa dạng của Phật giáo, tiếng Tây Tạng gọi là chorten, được biết đến nhiều nhất bằng tên gọi Ấn Độ và Đông Á của nó là stupa (tức tháp phù đồ) và pagoda (tức ngôi chùa). Dưới hình thức Ấn Độ, thời tiền Phật giáo, những thức kiến trúc có hình dạng chiếc vòm này là những gò đất (mồ, mả) để chôn cất. Khi được các Phật tử chọn hình thức kiến trúc này thì một trong những chức năng chủ yếu của chúng là để chứa một vật thiêng được tôn kính, chẳng hạn như một di cốt linh thiêng. Vật này có thể là một sợi tóc của Đức Phật, cho đến một vật dụng đã được một vị tôn sư sử dụng, cũng như bất kì số đồ vật nào kém quan trọng hơn có liên quan tới tín ngưỡng. Các kiến trúc mang tên chorten có kích thước phong phú: từ loại khổng lồ, gồm nhiều phòng trên một vài sàn nhà, được phát triển tại Gyantse, cho đến các loại bé nhỏ dùng làm đồ thờ. Chúng có thể được tạo tác bằng nhiều thứ vật liệu đa dạng, gồm có kim khí, gỗ và thậm chí là bơ. Kiến trúc chorten mang ý nghĩa đặc biệt cao hơn và vượt qua chức năng của chúng là các toà nhà hoặc vật thờ phụng, bởi vì chúng cũng là một nguồn công đức lớn lao cho những ai đóng khoản quyên góp hoặc đích thân lao động công ích để tạo dựng nên chúng, dù họ là các quan thầy của triều đình hoặc là những người cúng thường mô hình đồ thờ tự đơn giản.

Tu viện

Vai trò của tu viện trong lịch sử Tây Tạng không quá quan trọng. Trong chừng mực lớn hơn ở các nền văn hoá Phật giáo khác, gồm cả Ấn Độ, các cơ sở tu viện đã kiểm soát toàn bộ nền văn hoá trong một nghìn năm. Hệ thống tôn giáo phong kiến này có thể bị chỉ trích trong thời buổi hiện nay nhưng nó đã cố kết cuộc sống của người Tây Tạng xung quanh nó. Phức thể tu viện Tây Tạng truyền thống này, đặc biệt là ở vào các thời kì sớm hơn, đã tuân theo tính trật tự của các hình mẫu mandala mặc dù những thúc ép của địa hình địa thế và sự thêm thắt của toà nhà qua thời gian có thể đã biến đổi sự sắp đặt này. Vào khoảng thế kỉ XVII và XVIII, bình đồ mandala đã bắt đầu nhượng bộ một quan niệm coi trọng tính chất đẳng cấp với các tầng nhà cao hơn đảm nhận những vị trí quan trọng hơn về mặt nghi lễ, mặc dù sân vẫn được giữ lại, bởi vì nó cần thiết cho hoạt động lễ hội như các buổi múa nghi lễ dàn dựng công phu. Những hình thế đăng đối này là những phương tiện để đạt nên sự hài hoà lớn lao hơn của vũ trụ và tính chất diễn ra với quá trình củng cố quyền lực thế tục và quyền lực tôn giáo của dòng tu Gelugpa, khi cung điện và kiến trúc của tu viện đã hoà nhập thành phức thể duy nhất mà điển hình là Potala.

Kiểu thức kiến trúc của từng ngôi đền Tây Tạng ưa chuộng là kiểu nội thất gồm có một khoảnh vuông hoặc chữ nhật với những hàng cột có thể phân chia thành một “gian giữa” bao quanh và các gian bên có thể đi vào được từ một chiếc sân bọc kín tứ phía giống như ngôi nhà trại truyền thống. Bàn thờ đôi lúc được đặt tại trung tâm của căn phòng, nhưng thường là tựa vào bức tường sau hoặc bên trong một căn phòng phụ nhỏ hơn, đi vào từ chiếc vách đối diện lối ra vào.

Ngôi điện cổ xưa nhất tại vùng Alchi có tên là dền Du Khang có bình đồ chữ thập và một sảnh đường có cột đỡ trần. Thêm vào là các bức hoạ tangka treo trên trần, các tượng và các tranh vẽ được bài trí dọc theo tường, thường là một bộ tranh liên hoàn có một chủ đề, chẳng hạn như cuộc đời Đức Phật hoặc những đề tài vẽ về các cõi thiên giới. Mục đích của nó là cũng cấp một không gian thích hợp cho các tín đồ. Việc đặt bệ thờ thần chính tự ở sau phòng đã dành một khu vực lớn hơn cho các tu sĩ khiến họ đối mặt với các ảnh tượng hơn là bàn thờ đặt ở chính giữa phòng như cách bộ tu đáng ra phải làm để phù hợp hơn với đồ hình mandala. Các đồ hình trang trí có thể cũng được lặp lại ở tất cả các tầng với nhiều thần linh khác biệt, đặc trưng cho mỗi tầng, một lễ đường dành cho các vị thần hộ thủ dữ tợn, hoặc thậm chí các căn hộ riêng cho các vị Lạt ma cao cấp. Những biến hoá trong hoạ đồ xây dựng và sự bài trí tượng vào nơi thích hợp được thực hiện theo chức năng của một căn phòng dù đó là nơi thực hành các nghi lễ khai tâm hoặc là nơi các tu sĩ hội họp. Một số các đền thờ xây dựng lớn hơn và công phu hơn, như đền Potala vào thế kỉ XVII tại Lhasa, đều không hoàn toàn trùng hợp với một đồ án mandala mang tính chất đối xứng vì địa điểm nơi đó không thuận lợi và mặt khác là do yêu cầu quân sự đòi hỏi, nhưng chúng vẫn còn giữ lại các bức tường gạch quét vôi trắng nhẵn truyền thống, trên những móng bằng đá, được xây bằng vôi vữa và đất bùn.

Các mẫu kiến trúc Phật giáo Tây Tạng sớm nhất từ thời các vị vua đầu tiên ở vùng thung lũng Garlyng thế kỉ VII và VIII ngày nay không còn nữa, ít nhất dưới dạng nguyên thuỷ của nó. Những ngôi đền quan trọng đầu tiên, như đền Ramoche ở Lhasa và đền Samye chỉ còn giữ lại chút ít hình dạng nguyên thuỷ, mặc dù một ý tưởng khát quát về sơ đồ bố trí của ngôi đền thứ hai có thể hình dung bằng cách so sánh ngôi đền hiện đại trong tình trạng hầu như đã được xây mới với những bức hoạ sớm hơn của ngôi đền. Một chi tiết nguyên thuỷ thuộc thế kỉ VII và VIII, chẳng hạn những cột và đầu cột bằng gỗ riêng lẻ, được bảo tồn dưới những lớp sơn. Việc tái thiết thường xuyên và sự phá huỷ toàn bộ giữa thế kỉ XX đã hạn chế những bằng chứng để đối chứng xác thực trong việc phục hồi lối kiến trúc Tây Tạng từ các thời kì đầu tiên. Các ngôi đền ở miền Tây cũng ở trong tình trạng tương tự, hiện nay đều là tàn tích tại vùng Tholing, là hiện trường của ngôi đền có lúc được coi là lớn nhất khu vực, xây dựng vào khoảng năm 1000 sau Công nguyên, giờ chỉ còn những phần nhỏ của hai trong số các toà nhà nguyên thuỷ được bảo tồn và các vật dụng bằng kim khí còn lại đã bị thất lạc trong thời cách mạng văn hoá.

Chorten

Chorten là cách gọi tên để chỉ bảo tháp, một trong những hình thái điêu khắc vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ được người Tây Tạng đón nhận và phát triển thành nghệ thuật Tây Tạng. Trong nghệ thuật nguyên thuỷ, bảo tháp Ấn Độ một kết cấu cứng chắc tượng trưng cho một gò đất chôn cất, không có gian nội thất để sử dụng. Nó đã thay đổi về kiến thức trong suốt thời truyền đạo của Phật giáo qua châu Á và sở hữu vô số hình thể khác nhau, đồng thời đã mở rộng thêm nhiều chức năng, bao gồm việc bổ sung bộ phận nội thất hữu dụng và những hình thể cao vọi như trong các chùa chiền Nhật Bản. Tây Tạng, cũng như trong mọi nền văn hoá Phật giáo, thường ưa chuộng một kiểu thức riêng, và những sự thay đổi về kiểu thức thường không biến đổi triệt để hình thức truyền thống đã được xác lập. Do yêu cầu của một cơ cấu gồm có những khu vực nội thất, một số chorten của Tây Tạng như công trình Gvantse Kumbum đã biến đổi từ công thức cơ bản đó. Ít nhất cũng còn lại một kiểu mẫu chorten ở Alchi trực thuộc vào một cơ cấu khác theo một kiểu được biết trong công trình xây dựng Phật giáo tại Sri Lanka và trong các hang động cổ xưa nhất ở Ajanta.

Bảo tháp có hình vòm đã sớm đảm nhận được vị trí đặc biệt trong Phật giáo, khác hẳn những toà nhà làm tăng phòng hoặc để tiếp nhận các tín đồ đến cúng bái. Công trình lăng mộ đồ sộ này được người dân đến đây cúng bái trực tiếp, đặc biệt là trong vài trăm năm trước khi việc tạo tác ảnh hưởng Đức Phật được chấp nhận. Và nó còn được tôn kính nhất trong số các ảnh tượng phi nhân thể phổ biến, bao gồm các biểu tượng về dấu chân Phật, cây bồ đề (nơi Phật thành đạo) và một ngai vàng trống không. Các bảo tháp tiếp tục được dâng cúng sau khi ngôi đền đã xây dựng xong, các tu viện còn hoạt động đều xây thêm nhiều bảo tháp có kích thước khác nhau.

Nơi nổi tiếng nhất là một nhóm 84000 tháp thờ được vị vua Phật tử Ấn Độ đầu tiên cho xây dựng. Tập tục cúng ở một số bảo tháp về sau vẫn tiếp tục, như việc đặt chỗ cho 108 chorten thành những dãy cao bằng nhau ở tây Tây Tạng - 108 là con số truyền thống của những ảo tưởng mà người ta có được, theo các bản kinh khác nhau và 84.000 là số lượng các vị thần linh.

Tại Bắc Á sự thông dụng của một vài chất liệu góp phần xác định rạch ròi các kiểu tháp. Ở Trung Quốc với truyền thống gốm sứ lâu đời nên vật liệu được ưa chuộng là gạch. Các bảo tháp của Hàn Quốc thường được làm bằng đá hoa cương, và các bảo tháp của Nêpal và Nhật Bản có hình thức ngôi chùa, phần lớn được làm bằng gỗ. Sự chọn lựa các vật liệu xây dựng đã làm thay đổi và cũng đặt ra những giới hạn về mẫu thiết kế, khiến cho mỗi nước có một phong cách riêng biệt. Ở Tây Tạng, gỗ tương đối khan hiếm cũng như sự thiếu vắng truyền thống xây dựng các công trình đồ sộ bằng đá đã quyết định loại chorten Tây Tạng sẽ được xây dựng bằng những vật liệu đã từng được sử dụng cho các nhà trai và các đền thờ: đó là loại gạch mộc phơi khô hoặc những viên đá chẻ vuông, và tô trát bằng vữa. Việc cúng được diễn ra liên tục trong suốt thời gian dài có nghĩa là phức hợp kiến trúc của tu viện sẽ có được các chorten kích thước đa dạng dược bố trí khắp nơi trong khuôn viên.

Chorten có nhiều loại kiểu thức, từ những phiên bản gần giống của Ấn Độ, đặc biệt là của Kashmia và vương quốc Pala, cho đến những toà nhà rộng lớn, nhiều tầng xây dựng công phu với nhiều cửa và không gian nội thất dành cho việc thờ tự. Kiều tháp đẹp nhất là Chorten nổi tiếng ở Gyantse, chorten lớn nhất của Tây Tạng. Vô số bích hoạ và tranh treo tường tangka lặp lại kiểu thiết kế cơ bản, giống như các chorten nhỏ làm bằng đồng thau xuất hiện vào đầu thế kỉ XI hoặc XII.

Đa số các chorten của Tây Tạng đều tuân theo một công thức tiêu chuẩn. Nó có kiểu thức gần gũi nhất với các bảo tháp của vùng Bắc Ấn, đặc biệt là loại tháp của Kashmia:  có ba phần chủ yếu, phần dưới cùng đáy rộng, phần thân chính hình tròn vươn lên cao, mặt nghiêng mở rộng về phía trên (gọi là anda), bên trên người ta đặt phần chính thứ hai. Cách xây dựng là dùng các thành phần hỗ trợ (gọi là harmika) đánh dấu sự chuyển tiếp sang phần cuối cùng gồm có một cột với các chồng đĩa tròn hoặc những chiếc dù có kích thước nhỏ dần, mà số lượng chênh lệch từ tám đến mười ba cái (gọi là chhatraveli). Một biến cách phổ biến nhằm tôn cao lên bằng cách xây thêm các bậc cầu thang dẫn lên cái trống trung tâm.

Các chorten dùng làm đồ thờ sớm nhất được đúc bằng đồng thau vào thế kỉ XI và XII đều có một dáng vóc thanh tú, hình chuông, càng lên cao càng thót dần để đi vào bộ phận anda (tức phần chuyển tiếp, đánh dấu bởi các dải vành khăn bao quanh) và thông vào một khu vực nhỏ dành cho bộ phận chịu lực đỡ tháp, cấu tạo bằng những chiếc dù. Tên gọi chorten của Kadapa, gọi theo tên dòng tu có liên hệ với Atisha, kiểu thức này nối kết với những kiểu mẫu sau này, trong đó bộ phận trung tâm anda là một kiểu thức chorten tổng hợp Hoa - Tạng. Mẫu thiết kế chorten lặp lại và đối xứng với hình vuông và tròn của Tây Tạng rất đồng đảng với mandala. Biểu hiện tỉ mỉ nhất là ở toà nhà Kumbum nhiều tầng tại Gyantse.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2755-02-633544976703125000/Lich-su-va-van-hoa-Tay-Tang/Kien-truc.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận